Chúa Nhật Lễ Thánh Gia A

Hãy Chỗi Dậy

 

Mt 2:13-15.19-23: 13 Họ lui về rồi, thì này Thiên Thần Chúa hiện ra trong mộng cho Yuse và bảo: "Hãy chỗi dậy đem Hài nhi và mẹ Ngài mà trốn qua Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại, vì Hêrôđê sắp lùng bắt Hài nhi để giết đi". 14 Chỗi dậy ông đã đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm mà trốn qua Ai Cập, 15 và ông đã ở đó mãn đời Hêrôđê; ngõ hầu được trọn điều Chúa đã phán nhờ vị tiên tri nói rằng:

Từ Ai Cập ta sẽ gọi con Ta về.

19 Hêrôddê chết rồi, thì này: Thiên Thần Chúa hiện ra trong mộng cho Yuse tại Ai Cập, 20 và bảo: "Hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel; vì những kẻ tìm hại tính mạng Hài Nhi đã chết rồi". 21 Ông chỗi dậy đem Hài nhi và mẹ Ngài mà về đất Isarel. 22 Nhưng nghe tin Arkhêlaô lên làm vua xứ Yuđê thay cha là Hêrôđê, thì ông sợ không dám về đó; được mộng báo, ông lui về miền Galilê, 23 và đến lập cư tại một thành gọi là Nazaret; hầu ứng nghiệm điều các tiên tri đã nói: Ngài sẽ được gọi là Nazarêô.

 

Đoạn 2:13-15.19-23 nằm trong văn mạch là sau khi các Đạo sĩ tìm đến thờ lạy Vua mới sinh (2:2), vua Hêrôđê ra lệnh tìm giết Vua mới sinh nầy, và đã giết các trẻ thơ vô tội (2:16-18); Vua mới sinh nầy phải trốn sang Ai cập trước khi lệnh của Hêrôđê được thi hành (2:13-15.19-23). Đoạn 2:13-15.19-23 gồm hai câu chuyện có kết cấu tương tự nhau là thiên sứ ra mệnh lệnh và Giuse thi hành mệnh lệnh. Đoạn 2:13-15 thuật việc Giuse đem Hài Nhi và mẹ của Người trốn đến Ai cập; trong khi đoạn 2:19-23 thuật việc họ trở về lại quê nhà. Cả hai đoạn, cũng như đoạn 2:16-18, đều kết thúc giống nhau là bằng một trích dẫn của CƯ (2:15.18.23). Ngay từ đầu Matthêô đã đặt những sự kiện bàn đến trong chương hai nầy trong bối cảnh lịch sử lúc ấy: “tại Bêthlêhem xứ Giuđa”, “trong những ngày của Hêrôđê làm vua” (2:1). Tiếp theo đó, Matthêô nói đến một vị “Vua của Giuđa mới sinh ra” (2:2), như là đối lập với vua Hêrôđê, mà các đạo sĩ tìm đến thờ lạy. Do đó, Hêrôđê tìm cách giết vị Vua mới nầy. Vào cuối chương 2, Hêrôđê chết, vị Vua mới nầy trở lại quê nhà, và tiếp theo đó Người bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người. Câu chuyện trốn sang Aicập cho thấy Thiên Chúa đã tìm cách bảo vệ Con của Người qua sự vâng lời thi hành của Giuse.

 

Đoạn 2:13-15: Trốn sang Ai cập. “Nhưng sau khi họ (các Đạo sĩ) đi rồi, thiên sứ hiện ra…” liên kết trình thuật nầy với đoạn trước. Đoạn nầy gồm: - Lời của thiên sứ (c. 13) và sự thi hành của Giuse (cc. 14-15). Cấu trúc câu 2:13 hoàn toàn giống như câu 2:19-20: “Nầy” - Thiên sứ xuất hiện với Giuse trong giấc mơ, nói với ông - “Hãy chỗi dậy” đem Hài Nhi và mẹ Người đi đến đất chỉ định - “vì” với lời giải thích.  Thiên sứ ra lệnh Giuse đem con trẻ và mẹ của Người sang Ai cập, vì Hêrôđê tìm cách giết Người. Sự xuất hiện của thiên sứ cho thấy Thiên Chúa có một kế hoạch liên quan đến Con của Người (1:20.24; 2:13.19); ở đây Người cứu Hài Nhi khỏi bị giết bằng cách đưa sang Ai cập.

 

Giuse là người được giao phó thi hành kế hoạch ấy. Động từ paralambanō, “nhận về với mình” (1:20.24; 2:13.14.20.21) chỉ việc Giuse phải làm: trước đây là “nhận làm vợ”, “nhận về nhà” (1:20.24); bây giờ là “nhận đem đi” (2:1314.20.21). “Hài Nhi và mẹ Người” là một đơn vị không tách rời nhau (2:11.13.14.20.24). Cách dùng nầy muốn nói Hài Nhi không có cha trần gian. Giuse đứng ngoài qua hệ mẹ-con nầy, và như là người phục vụ Hài Nhi và mẹ Người. Hài Nhi được nêu lên trước, vì Người là trọng tâm chú ý của mọi biến cố và hành động xảy ra chung quanh Người. Ý muốn rõ ràng của Hêrôđê là “giết” Hài Nhi.

 

Giuse đã thi hành mệnh lệnh cách hoàn hảo, và có thế nói là đã theo từng chữ (2:14.21.23). Matthêô xem việc trốn sang Ai cập là để hoàn tất chương trình của Thiên Chúa; ông dùng công thức “để ứng nghiệm” (2:15.23). Lời của ngôn sứ Ôsê: “Từ Ai cập Ta sẽ gọi Con Ta về” (Ôs 11:1) ám chỉ việc Thiên Chúa hứa đưa dân do thái ra khỏi sự nô lệ ở Ai cập (x. Ds 23:22; 24:8). Lời nầy sẽ áp dụng cho Hài Nhi. Theo nghĩa đen đó là Giuse sẽ đưa Hài Nhi quay trở lại quê nhà khi Hêrôđê băng hà. Theo nghĩa cánh chung, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng là hiện thân của dân Israel. Người thâu tóm trong chính mình cả lịch sử của dân tộc nầy: sống ở Ai cập, làm cuộc xuất hành, sống trong sa mạc. Khi trải qua tất cả những điều ấy, Người đưa lịch sử dân Israel đến cao điểm của nó là được cứu chuộc trong Người.

 

Đoạn 2:19-23: Trở về lại quê nhà. Đoạn nầy được chia thành hai phần: - Thiên sứ báo và trở lại đất Israel (2:19-21); - Thiên Chúa cho biết và đi về Nazaréth (2:22-23). Hêrôđê làm vua từ năm 37 trước Chúa Kitô đến năm 4 sau Chúa Kitô. Cách nói về cái chết của ông (c. 19) tương tự như về cái chết của Pharaoh (x. Xh 4:19-20). “Những người tìm tính mạng của Hài Nhi” (c. 20) là những người tìm giết Người (2:13). “Trong đất Israel” (2:20.21) đối nghịch với “Ai cập”; đó là đất nơi Hài Nhi được sinh ra để làm thủ lãnh (2:6). Sau khi vua Hêrôđê băng hà, vương quốc của ông chia cho ba người con là Philip, Archelaus và Antipas. Archelaus nắm quyền xứ Giuđa, Samaria và Idumea. Ông có tiếng là ác độc hơn hai anh em kia. Triều đại ông ngắn ngủi. Năm 6 sau Chúa Kitô, ông bị đày sang xứ Gaul. Matthêô nhắc đến triều đại của ông để tiếp tục đề tài về sự đối lập của hai vương triều. Chúa Giêsu là vua thật. Và Người phải tiếp tục lẫn tránh vì sự tìm giết của Archelaus khi ông kế vị ngôi của vua cha.

 

Ý định của Thiên Chúa là Giuse đưa Hài Nhi và mẹ Người về Galilêa (2:22). Chú ý cách dùng chữ kéo sự tập trung nhỏ dần về địa lý: “trong đất Israel” (2:19.20); “trong xứ Galilêa” (92:22) và “trong thành Nazaréth” (2:23). “Galilêa” nêu lên ở đây để chuẩn bị cho ngày Chúa Giêsu đi từ đây đến sông Giorđan để chịu phép rửa (3:13). Cụm từ “Ngài sẽ được gọi là Nazarêô” (2:23) không tìm thấy trong bất cứ ngôn sứ nào. Cụm từ nầy muốn chỉ Chúa Giêsu xuất thân từ Nazaréth (26:71; Lc 18:37). “Nazarênô” nầy cũng có thể ám chỉ Is 11:1, trong đó nói đến một chồi (nezer) sẽ phát xuất từ gốc Jessê. Thần Khí sẽ ngự xuống trên Người (Is 11:2-4; Lc 4:18). Chính Người là chồi phát xuất từ dòng dõi Đavít (Giêr 23:5; 33;15) để làm vua và cai trị dân Người trong chính trực và công bình.

 

Dân Israel đuợc thu tóm trong bản thân Chúa Giêsu. Người được sinh ra và được kể thuộc dòng dõi Abraham, Đavít. Bằng kinh nghiệm bản thân Người trải qua những gì dân nầy đã làm. Các vương quyền trần thế qua đi. Vương quốc của Người tồn tại, và với tư cách là Vua, Người dẫn đưa dân Israel nầy vào một bước ngoặt mới trong lịch sử cứu độ.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến