CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Nghe lời rao giảng Nước Trời

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 13:1-23)

          Dụ ngôn Người gieo hạt giống rất quen thuộc với chúng ta, nhưng cũng không phải là dễ hiểu.  Thánh Mát-thêu và Mác-cô giải thích dụ ngôn gần giống nhau, còn thánh Lu-ca giải thích hạt giống là Lời Chúa.  Chính chi tiết khác biệt này nhiều khi làm chúng ta thấy khó hiểu dụ ngôn.  Nhưng nếu chúng ta hiểu hạt giống theo nghĩa rộng, tức là toàn bộ việc tiếp nhận Lời Chúa, hay nói khác đi, hạt giống cùng một lúc vừa là Lời Thiên Chúa, vừa là người tiếp nhận Lời và vừa là việc Lời sinh hoa trái, thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa dụ ngôn dễ dàng hơn.

          Tuy nhiên ở đây, theo như Chúa Giê-su giải nghĩa dụ ngôn, hạt giống được gieo xuống biểu tượng cho một hạng người nghe lời rao giảng Nước Trời.  Theo thánh sử Mác-cô, “Người gieo giống đây là người gieo lời”, đó chính là Chúa Giê-su, Đấng gieo lời rao giảng Nước Trời.  Lời giảng của Chúa Giê-su giúp người ta hiểu biết bản chất, giá trị và những điều kiện để sống đời sống mới trong thời đại cứu độ.  Lời giảng ấy bao giờ cũng mang tính cách hữu hiệu và sức mạnh thay đổi cuộc sống.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sử dụng bài trích sách ngôn sứ I-sai-a 55:10-11 để nói lên tính hữu hiệu đó, như “mưa với tuyết sa xuống từ trời” sẽ làm cho đất phì nhiêu và cây cối đâm chồi nảy lộc, thì lời giảng của Chúa Giê-su cũng sinh hiệu quả nơi tâm hồn những người nghe như vậy.  Lời giảng của Chúa Giê-su tuy tự nó mang sức mạnh vô song, nhưng thái độ đón nhận của người nghe lời giảng lại là điều kiện để sức mạnh ấy được phát huy.  Thì ra Chúa vẫn tôn trọng tự do của chúng ta!  Đón nhận lời giảng của Chúa Giê-su không thể là điều cưỡng bách, xâm phạm tự do của con người.  Do đó mới có những mẫu người đón nhận khác nhau.

          Mẫu người thứ nhất:  người đứng bên vệ đường.  Đứng bên vệ đường khác nào kẻ bàng quang, không coi lời giảng là quan trọng và gắn liền với thân phận của họ.  Họ nghe bằng tai này qua tai kia, chứ không phải bằng “tâm hồn”.  Cho nên lời giảng hóa ra vô hiệu đối với họ.

          Mẫu người thứ hai:  người trên sỏi đá, cũng được gọi là “kẻ nông nổi nhất thời”.  Lời giảng cần phải “thấm xuống đất” (I-sai-a 55:10), chứ không chỉ hời hợt bên trên.  Vui vẻ đón nhận lời giảng lúc ban đầu là thái độ tình cảm nông nổi.  Thứ tình cảm nông nổi này thường thấy lắm.  Có nhiều người khóc lóc, chảy nước mắt… trong lần tĩnh tâm hoặc buổi cầu nguyện với những nghi thức cảm động.  Trở về nhà, cuộc sống lại y như cũ, chẳng có gì thay đổi, bởi vì đó chỉ là “cảm xúc nông nổi nhất thời”.

          Mẫu người thứ ba:  người trong bụi gai.  Bụi gai và cỏ dại bao giờ cũng mọc nhanh và lấn át.  Cũng vậy, “nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý” bao giờ cũng có sức lôi cuốn mạnh mẽ khiến người ta đành quay lưng lại với điều tốt lành.  Lời giảng của Chúa bị bao vây và “bóp nghẹt” giữa những tham vọng ấy trong lòng chúng ta thì làm sao sinh hiệu quả được.  Chúng ta đã quên chân lý “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời” rồi!

          Mẫu người thứ tư:  người trên đất tốt, hoặc “kẻ nghe Lời và hiểu”.  Hiểu không chỉ bằng trí óc, nhưng là với tâm hồn rộng mở và vâng phục.  Muốn cho đất tốt, người ta phải dọn sạch sẽ, làm cỏ thường xuyên và cho phân bón.  Những công việc ấy diễn tả thái độ đón nhận lời giảng với tất cả thiện chí và cố gắng của chúng ta.  Tóm lại, đó là việc cộng tác tích cực với ân sủng, lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          “Ai có tai thì nghe”.  Chúa Giê-su nói lời này nghe có vẻ tầm thường quá, nhưng lại vô cùng quan trọng.  Dĩ nhiên mọi người chúng ta đều có tai, nhưng nghe thế nào mới là điều quan trọng.  Nghe Lời tức là đón nhận Lời.  Chúng ta nghe Lời trong rất nhiều cơ hội:  trong các Thánh lễ, khi đọc và suy niệm Kinh Thánh, các bài giảng, sách thiêng liêng và đạo đức, trong những buổi học hỏi Lời Chúa, qua những gương sống của anh chị em …

          Bạn hãy tự hỏi:  Tôi có tai không?  Tai của tâm hồn!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A