CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Đối phó với sóng gió cuộc đời

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 14:22-33)

          Một trong những mục đích của phép lạ Chúa làm, đó là giúp người ta thêm lòng tin vào Người.  Mục đích ấy được nói lên trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.  Sau khi cho dân chúng được ăn no nê, Chúa Giê-su giải tán họ.  Phép lạ đã đáp ứng nhu cầu sinh tồn nhất thời của con người, nhưng còn nhu cầu thiêng liêng và lâu dài tức là lòng tin thì sao?  Cuộc sống con người cần cơm bánh, nhưng cuộc sống ấy cũng cần có lòng tin nữa, để chúng ta có sức mạnh mà đối phó với sóng gió cuộc đời.

          Trước hết là hình ảnh chiếc thuyền “bị sóng đánh vì ngược gió”, một hình ảnh thật sống động diễn tả cuộc đời của hết thảy chúng ta.  Giống như chiếc thuyền ấy, cuộc đời chúng ta đâu phải lúc nào cũng được yên ổn.  Những lúc sóng gió chính là khi chúng ta cần có lòng tin.  Mà phải là lòng tin tuyên xưng “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”. 

          Tuần vừa qua một linh mục bạn thân viết cho tôi một cái thiệp, trong đó ngài nhắc tôi hễ thấy chán nản, thì cứ “nghĩ đến Chúa Giê-su”.  Lời khuyên đơn sơ, nhưng thật là sâu sắc.  Chúa Giê-su của tôi không phải là “ma” khiến cho các môn đệ hoảng sợ, nhưng là Đấng lèo lái chiếc thuyền cuộc đời tôi đã phán:  “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.  Chúa Giê-su của tôi là Đấng quyền năng làm chủ cả sóng gió kêu gọi tôi:  “Cứ đến!”.  Chúa Giê-su của tôi giống như bà mẹ nhìn đứa con chập chững tập đi bước đến với mình và bà sẵn sàng đưa tay ra nắm lấy đứa con khi nó sắp ngã.  Chúa Giê-su của tôi cũng không ngại “mắng yêu” và nhắc nhở khi tôi không nhớ hoặc không nghĩ đến Người:  “Hỡi kẻ kém lòng tin, sao lại hoài nghi?”

          Lòng tin ở đây không chỉ là tin vào quyền năng, nhưng là tin vào tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.  Chúa Giê-su yêu thương tôi như Người đã yêu thương chăm sóc đám dân chúng theo Người.  Chúa Giê-su đã hiện diện giữa họ để họ không cần phải vất vả đi kiếm đồ ăn ở những làng mạc xa xôi.  Sự hiện diện của Chúa Giê-su giữa các môn đệ thật là thú vị!  Có lần Người hiện diện giữa các ông ở trên thuyền, nhưng Người lại đang ngủ vì mệt.  Hôm nay Người hiện diện ngay trên mặt nước sóng gió để “đến với các môn đệ” và để “nắm lấy tay” ông Phê-rô.  Sự hiện diện ấy dù thế nào thì cũng mang cùng một sứ điệp:  “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

          Hình ảnh cuối cùng của câu chuyện là “Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng”.  Những môn đệ khác ở trong thuyền bái lạy Người và nói: ‘Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa’.  Có Chúa trong cuộc đời thì nhất định gió sẽ lặng.  Gió lặng là vì có sự hiện diện của Chúa.  Nhưng sự hiện diện của Chúa chỉ là thực khi chúng ta chủ động nhận biết sự hiện diện ấy, hoặc nói rõ hơn, khi chúng ta tuyên xưng sự hiện diện ấy bằng cách nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa!

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta được chiêm ngưỡng một Chúa Giê-su yêu thương và hiện diện trong cuộc đời chúng ta.  Nhưng nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta lại thấy rất nhiều lần chúng ta là một Phê-rô, “thấy gió thổi thì đâm sợ và khi bắt đầu chìm, chúng ta la lên:  Lạy Chúa, xin cứu con với!”  Vậy hôm nay hoặc bất cứ khi nào chúng ta phải đối phó với sóng gió cuộc đời, chúng ta cũng cứ làm như ông Phê-rô.  Chắc chắn Chúa không để chúng ta phải chết chìm đâu.

          Tuy nhiên lời trách yêu của Chúa Giê-su cũng phải làm cho chúng ta suy nghĩ về thái độ “kém lòng tin” và “hoài nghi”.  Đâu là những dấu hiệu cho thấy sự kiện kém lòng tin và hoài nghi của chúng ta đối với Chúa?  Có phải là chán nản hay mỏi mệt đã khiến chúng ta buông xuôi, không muốn đến nhà thờ, không muốn cầu nguyện, hoặc thậm chí tìm đến những buông thả và thú vui người đời?  Có phải là chúng ta đã bịt tai lại trước lời nói chắc chắn và đầy khích lệ của Chúa:  “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”?  Vậy thì cứ nghĩ đến Chúa Giê-su!

          Điều quan trọng của lòng tin, đó là nó phải được biểu lộ qua hành động “bái lạy Người”, bái lạy bằng tất cả trái tim chúng ta và sự hoàn toàn phó thác!          

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A