Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm A

Thiên Chúa Không Kỳ Thị Hạng Người Nào

(Ys 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29.32; Mt 15,21-28)

 

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

"Này bà, bà có lòng mạnh tin".

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XX Thường Niên A

Ys 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29.32; Mt 15,21-28

Thái độ và lời nói của Ðức Yêsu Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay có thể khiến chúng ta thoạt đọc và thoạt nghe thấy không ngon cho lắm. Nhưng đó lại chính là cớ thúc giục chúng ta tìm hiểu Lời Chúa cho rõ ràng và sâu xa hơn nữa, để xem những cảm giác đầu tiên có xứng đáng không? Ðể làm công việc này có thể chúng ta cứ theo phương pháp giáo dục và sư phạm thông thường của Kinh Thánh, tức là hiểu rõ bài Cựu Ước, chúng ta sẽ dễ tiếp thu được những chiều kích phong phú của Tân Ước. Bài sách Isaia hôm nay sẽ giúp chúng ta đi vào bài Tin Mừng. Và bài Thánh Thư đến sau đó sẽ như là một hậu quả tự nhiên.

 

A. Thiên Chúa Không Kỳ Thị Hạng Người Nào

Ðoạn Cựu Ước hôm nay là những lời đầu tiên trong phần thứ III của sách Isaia. Nói đúng hơn đó là những lời trước hết của một cuốn sách khác, sánh với hai phần trên của sách Isaia. Sách này đúng ra là của ba tác giả, ở ba thời khác nhau, bàn về ba vấn đề khác nhau; nên ba phần của sách thật ra là ba sách khác nhau. Ðoạn trích hôm nay thuộc về cuốn thứ ba, viết vào thời sau lưu đày và để soi sáng Dân Chúa trong thời hậu Lưu đày này. Thế mà vấn đề đầu tiên đến với Dân Chúa lúc bấy giờ chính là tương quan giữa đám dân hồi hương và những kẻ xa lạ đã đến ở trong Thánh địa đang khi Lưu đày. Loại người ngoại bang (hay tha bang) này có được thâu nhập vào Dân Chúa không? Bởi vì lịch sử Dân Chúa đâu đã kết thúc. Việc ra khỏi Lưu đày để trở về quê hương tuy đã thực hiện một số Lời Hứa mà các Ngôn sứ đã tuyên sấm. Nhưng phần lớn các Lời Hứa từ Abraham, qua Môsê và qua các Tiên tri vẫn đang còn phải chờ mong. Thời đại Ðấng Cứu thế vẫn chưa đến. Dân Chúa đang sống trong đợi chờ. Hồng ân của thời Cứu độ ấy có được ban cho ngoại bang không? Sau này họ có kết nạp với con cái Israel làm thành một dân không, hay là họ vẫn là kẻ xa lạ với ơn cứu độ chỉ dành cho những kẻ đã cắt bì?

Ðó không phải là những thắc mắc lý thuyết. Trong thực tế tương quan giữa Dothái và ngoại bang cần được giải đáp sáng sủa. Bởi vì ngoại bang không phải chỉ là ngoại kiều. Ngoại kiều có cư trú hẳn hoi ở giữa Dân Chúa. Luật pháp cho họ những quyền lợi và đòi họ những nghĩa vụ. Còn ngoại bang là những dân ngoại không có cư trú và cũng chẳng muốn có cư trú. Họ muốn được hưởng dùng mọi thuận lợi trong Dân Chúa nhưng chẳng muốn bị gò bó vào một nghĩa vụ công dân nào. Thế nên họ bị ghét và có khuynh hướng bị gạt ra khỏi Dân.

Chúa đối với hạng ngoại bang này thế nào? Người có chương trình gì cho họ không? Hôm nay Ngôn sứ của Chúa tuyên bố không úp mở?

Trước hết, Chúa phán dạy Ơn cứu độ của Người đã gần đến nơi và đức nghĩa của Người sắp rạng rỏ. Người ta phải mau mau đón tiếp. Hãy giữ công minh và thi hành đức nghĩa. Ðặc biệt hãy giữ ngày Sabbat (Hưu lễ) vì đó là dấu có lòng tin sợ Chúa. Phúc cho người nào biết thi hành như vậy, vì bất luận họ là ai mà nắm chặt những điều ấy cũng đều nhận được Ơn Chúa cứu độ. Không có luật trừ nào, kể cả đối với người ngoại bang. Nếu họ muốn phụng sự và mộ mến Yavê, nếu họ giữ ngày Hưu lễ và thi hành công chính, thì Thiên Chúa sẽ dẫn họ lên Núi Thánh của Người và Nhà của Người sẽ là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.

Lời Chúa thật rõ ràng và vô cùng mới mẻ đối với người ở thời sách Isaia. Trong tương lai, vào thời Ðấng Cứu thế, sẽ không còn phân biệt cắt bì hay không cắt bì, Dothái hay dân ngoại, con cái Israel hay ngoại bang. Thiên Chúa sẽ lập một Dân Mới cho mọi hạng người và cho mọi dân tộc, miễn là họ giữ công minh và thi hành đức nghĩa, giữ ngày Hưu lễ và không vi phạm Giao ước. Tất cả sẽ được ở trong Nhà Chúa là Nhà chung cho hết mọi dân tộc.

Giáo lý phổ quát này dễ hiểu đối với chúng ta, nhưng thật khó chấp nhận cho loài người ở thời có tầm mắt hạn hẹp. Người ta không quen thấy gì ở ngoài hàng rào các thứ biên giới. Ngay ở thời Chúa Yêsu và ngay sau Chúa Yêsu, giáo lý về phổ quát tính của Ơn cứu độ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chống đối. Ðó là điều chúng ta có thể nhìn thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy thử xem vấn đề đã được giải quyết như thế nào?

 

B. Hội Thánh Thâu Nhận Lương Dân

Chúng ta không thể đọc bài Tin Mừng hôm nay mà không để ý đến bối cảnh khi nó được viết ra. Ðành rằng đây là một câu truyện đã xảy ra ở thời Chúa Yêsu, lúc Người còn tại thế. Và phân tích kỹ, chúng ta vẫn có thể thấy nhiều chiều kích phong phú của câu truyện này. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhớ, câu truyện được kể lại cho chúng ta dưới hình thức hiện nay không khỏi mang theo nhiều sắc thái của thời đại hình thành ra nó trong sách Tin Mừng theo thánh Matthêô. Ðó là thời sau Chúa Yêsu, thời Hội Thánh bắt đầu lan rộng, thời các Tông đồ đang lúng túng về thái độ phải có đối với lương dân. Soạn giả của bài Tin Mừng hôm nay vừa viết lại một câu truyện trong cuộc đời của Chúa Yêsu, vừa muốn dùng câu truyện này để soi sáng và hướng dẫn Hội Thánh.

Trước hết, chúng ta thấy Chúa Yêsu bấy giờ lui đến miền Tyrô và Siđôn là những nơi dân Dothái giáp giới với dân ngoại. Ðó cũng là sự kiện có thể gợi lên việc Hội Thánh lúc này phải giáp mặt với lương dân. Chúa Yêsu có vẻ như không muốn rời khỏi biên giới đất Dothái để sang truyền giáo cho dân ngoại. Nhưng một người phụ nữ từ bên kia biên giới đã chạy sang kêu cầu Người cứu chữa. Chúng ta hãy chú ý đến lời xin của bà. Ðó là giọng văn hoàn toàn phụng vụ: "Xin thương xót tôi". Và là những lời công nhận ơn cứu độ từ nơi dân Dothái, vì bà ta xưng hô Người là Con vua Ðavít. Như vậy, dù là lương dân nhưng bà đã có đức tin và biết tôn thờ như người Dothái. Lẽ ra Chúa phải ban ơn ngay cho bà. Nhưng Người lại yên lặng, không đáp lại một lời. Ðể cho người ta suy nghĩ; để cho môn đệ bày tỏ cảm nghĩ của mình.

Các ông thưa: "Xin để cho bà ấy về, vì bà cứ kêu gào đàng sau chúng tôi". Các ông muốn rảnh mình chứ không xét đến quyền lợi của người khác. Chúa Yêsu không thể đồng ý như vậy. Người kích thích mọi người phải suy nghĩ sâu xa hơn. Người bảo: "Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel thôi". Các môn đệ hẳn thấy bế tắc, nhưng chắc chắn họ đang mong có một giải pháp kẻo như thế này họ cứ bị làm rầy mãi và không được yên. Còn người phụ nữ kia, với lương dân ở nơi bà, cũng chẳng biết làm gì hơn là nài nẵng thêm: "Lạy Ngài xin cứu giúp tôi". Chính lúc ấy, Chúa Yêsu đem giải pháp đến cho mọi người. Người nói một câu có vẻ khó nghe, nhưng thật sự chứa đầy hy vọng. Ơn Chúa vẫn thường đến trong thử thách. Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua mầu nhiệm thập giá. Chúa Yêsu nói để mọi người nghe thấy: "Không nên lấy bánh của lũ con mà quăng cho đàn chó". Nhưng ai lại không thấy trong gia đình trẻ con hay chơi với chó mèo và hay bẹo bánh cho chúng ăn. Lời của Chúa có thể gợi lên hình ảnh rất thân mật. Nhất là Chúa rất tâm lý. Người biết người Dothái vẫn coi lương dân là chó. Nhưng ở đây Người thấy các môn đệ đang có cảm tình với người lương dân này. Người dùng lại từ ngữ "chó" trong hoàn cảnh đặc biệt này để xóa bỏ hiềm thù và kỳ thị cố hữu giữa hai bên.

Dù sao, câu nói của Người đã mở ra một lối thoát. Bà kia vội nắm lấy và thưa ngay: "Vâng! Nhưng đàn chó cũng được ăn những mảnh vụn rơi xuống tự bàn của chủ chúng nó". Chúng ta bảo bà nhanh trí ư? Ở đây tác giả muốn nói lương dân rất ý thức địa vị của mình trong Lịch sử cứu độ. Họ vừa đầy lòng tin, vừa rất khiêm cung. Họ rất xứng đáng được ơn Chúa. Thế nên hết mọi người đều được thỏa mãn khi nghe Chúa Yêsu nói với bà kia: "Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!".

Và chúng ta đọc lại câu truyện như thế đã thấy đầy chất sư phạm trong bài tường thuật trên. Người ta muốn được học với Chúa về thái độ phải có đối với lương dân. Hội Thánh bấy giờ đang bị dằn vặt về vấn đề không biết có nên thâu nhận dân ngoại vào sản nghiệp Nước Trời hay không, và nếu có thì phải làm thế nào? Lời giải đáp trong câu truyện hôm nay có vẻ dè dặt nhưng rất cương nghị. Dè dặt vì phải ban bài họ cho những con người còn hẹp hòi - và loài người chúng ta thì vẫn vậy! - Nhưng cương nghị vì cuối cùng ai cũng phải chấp nhận cần phải chia sẻ ơn cứu độ cho lương dân. Những người này chỉ cần phải có đức tin, một đức tin vững vàng, một đức tin đúng với truyền thống mạc khải.

Như vậy bài Tin Mừng hôm nay lại gợi đến bao câu truyện mà chúng ta đã nghe nói về thời các Tông đồ. Ðặc biệt nhất là bầu khí căng thẳng ở thời bấy giờ giữa hai khuynh hướng rộng và ngặt trong vấn đề thâu nhận lương dân vào Hội Thánh. Ở đây giáo lý của tác giả sách Tin Mừng Matthêô, tác phẩm được soạn thảo cho giới Kitô hữu gốc Dothái, đâu có khác gì với giáo lý của thánh Phaolô, vị Tông đồ của dân ngoại? Ở đâu chân lý cũng là một, và ở đâu tình bác ái cũng vẫn thắng. Cho dù loài người có hẹp hòi, tình yêu bao la của Thiên Chúa vẫn mạnh mẽ và làm nổ tung mọi giới hạn mà loài người đặt ra. Ngay từ đầu Người đã muốn cho cả nhân loại được hạnh phúc và muôn dân được cứu độ trong Lời Hứa với Abraham. Ðến thời Isaia, Người lại khẳng định như chúng ta nghe đọc trong bài Cựu Ước hôm nay. Và nhìn thấy cách cư xử sư phạm của Chúa Yêsu Kitô, Hội Thánh thâu nhận mọi dân tộc vào Nước Trời miễn là người ta có đức tin vững vàng đúng với truyền thống mạc khải. Tính cách phổ quát của ơn Cứu Ðộ như thế đã được xác định.

Ðiều kiện được nhận vào Dân Chúa cũng đã rõ ràng. Tuy nhiên thử hỏi ngày nay đã thật hết thái độ hẹp hòi chưa? Hay vẫn còn có những người muốn lấy các tiêu chuẩn của loài người để như phủ nhận một hạng người nào đó được hưởng ơn Cứu độ?

 

C. Một Thắc Mắc Sâu Xa

Thánh Phaolô hôm nay trong bài thư không có não trạng hẹp hòi như thế. Ngược lại người muốn hết thảy mọi dân tộc được cứu độ. Nhưng chính vì vậy người có một thắc mắc day dứt, một nỗi buồn sâu xa vô tận. Người thấy Cửa Nước Trời đã rộng mở để đón các dân ngoại vào lãnh nhận ơn cứu độ dành cho muôn dân. Còn chính Dân cũ của người và đồng bào huyết nhục của người là Dân Dothái, thì cớ sao lại cứ khép kín đối với ơn cứu độ? Ðành rằng có một số con cái Israel đã tòng giáo; nhưng xét về cơ cấu và tổ chức, Dân cũ vẫn như muốn phủ nhận hoài sự nghiệp của Ðức Yêsu Kitô. Phaolô đầy tinh thần tông đồ, xông pha mọi nơi để rao giảng Tin Mừng cứu độ, chẳng quản gian nan thử thách. Người đã đưa các dân ngoại vào Nước Trời... đang khi ấy đồng bào huyết nhục với người lại khư khư từ chối ơn cứu độ trong Ðức Yêsu Kitô. Phaolô yêu Chúa và yêu đồng bào. Người đau khổ trước sự thật phủ phàng này. Người thắc mắc không hiểu tại đâu lại như vậy. Giá như người có thể cứu rỗi được một ít người trong số đồng bào kia!

Người tưởng khi nhiệt thành phục vụ dân ngoại, làm cho nhiều người được vào Nước Trời, người có thể khiến đồng bào của người phát ghen lên để họ cũng được cứu rỗi. Ghen đây không phải là ghen với dân ngoại, nhưng là khi thấy dân ngoại thừa hưởng được Lời Hứa của Tổ phụ mình, con cái Israel sẽ hồi tâm nhận ra giá trị của kho tàng mình đang nắm giữ. Ðược như vậy cũng quý lắm. Nhưng dường như sự việc không diễn tiến như thế. Mặc cho Phaolô nhiệt tình rao giảng cho dân ngoại, đồng bào của người không ghen mà chỉ tức, đến nỗi luôn mong có ngày làm cho người không hoạt động truyền giáo được nữa.

Như vậy họ sẽ không bao giờ được cứu độ sao? Còn đâu tính cách phổ cập của lòng Chúa xót thương? Chắc chắn việc Israel thay đổi lòng dạ để đón nhận ơn cứu độ sẽ như là một việc cải tử hoàn sinh và giống như việc sống lại từ cõi chết. Nhưng có thể hy vọng một việc như vậy không?

Phaolô tin vào tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Người đưa ra một lý luận để an ủi mình. Người nghĩ: trước đây dân ngoại bất tuân Thiên Chúa thế mà nhân vì Israel phủ nhận Tin Mừng mà Tình yêu của Thiên Chúa đã tràn sang dân ngoại; thì rồi đây Israel cũng sẽ nhận được tình yêu này cho dù bây giờ họ bất tuân, để chứng tỏ rằng cả dân ngoại cả Israel đều được Tình yêu cứu độ nhưng không của Thiên Chúa. Ðó là mầu nhiệm, và là mầu nhiệm chứng tỏ tình yêu bao la của Thiên Chúa, cũng như tỏ hiện kế hoạch khôn ngoan thâm sâu của Người. Như vậy, cho dù không hiểu rõ, Phaolô vẫn đầy lòng tin, tín nhiệm nơi Thiên Chúa tình yêu muốn cứu độ hết mọi dân tộc.

Phụng vụ hôm nay qua các bài Kinh Thánh cũng muốn chúng ta tin yêu vững vàng như thế. Thiên Chúa khẳng định ý muốn của Người muốn cứu độ mọi người và mọi nước. Người đã chia sẻ ơn cứu độ cho cả dân ngoại. Người không muốn chúng ta có thái độ hẹp hòi kỳ thị một ai. Người muốn Nhà của Người là Hội Thánh phải trở thành Nhà cầu nguyện của hết mọi dân tộc.

Chúng ta có nghĩa vụ đón mời hết mọi người vào. Chúng ta không được gây cản trở cho một ai đến với Hội Thánh. Và nếu gặp nơi người nào như có một thái độ cố chấp phủ nhận nào đó, phải chăng chúng ta không nên đọc lại bài thư Phaolô hôm nay để vẫn tin tưởng và tín nhiệm vào cách làm việc mầu nhiệm nhưng kỳ diệu của Thiên Chúa? Chúng ta phải bắt chước Phaolô mà ca tụng: Ôi thâm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa! Người muốn cứu độ mọi người và không phủ nhận một ai. Nguyên xem việc Con Một Người xả thân cứu thế trong mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ bây giờ cũng đủ rõ!

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A