CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Y phục lễ cưới của Ki-tô hữu

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 22:1-14)

          Chúa Nhật trước, chúng ta đã có dịp nghe câu chuyện những tá điền giết cậu con trai của ông chủ vườn nho, ám chỉ những nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái chối bỏ Chúa Giê-su khi Người được Chúa Cha sai đến thiết lập Nước Thiên Chúa.  Hôm nay, qua dụ ngôn ông vua mở tiệc cưới cho con mình, Chúa Giê-su muốn nhắm đến những thành phần được mời gọi đón nhận Nước Trời.  Những người được mời ưu tiên là các quan khách, tức là dân Ít-ra-en, nhưng họ lại viện đủ lý do để từ chối không đến dự tiệc cưới, có người còn hành hạ hoặc giết các đầy tớ vua sai đi mời họ.  Do đó, nhà vua “nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy”.  Rồi nhà vua cho các đầy tớ “đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”.  Điều này nói lên tính cách phổ quát của Nước Thiên Chúa, không có sự phân biệt hoặc loại trừ, mà toàn thể nhân loại đều được mời gia nhập.

          Tuy nhiên câu chuyện dụ ngôn ở phần cuối lại hướng về một sự kiện đặc biệt, đó là việc một trong những khách dự tiệc không mang y phục lễ cưới.  Có lẽ đây chính là đề tài dụ ngôn muốn nhắm tới, nói lên tư thế người ta phải có khi muốn làm một phần tử của Nước Thiên Chúa.  Vậy y phục lễ cưới, điều kiện cần thiết để được dự tiệc cưới Con của Vua trời đất là gì?

          Trong lễ Rửa tội, tấm áo trắng đã được trao cho người tân tòng mặc vào.  Nó biểu tượng cho sự sống mới Chúa Giê-su đem lại cho họ nhờ cái chết trên thập giá của Người.  Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã cởi bỏ con người cũ tội lỗi để mặc lấy con người mới mà sống theo Tinh Thần của Chúa Ki-tô.  Tất cả những ai muốn được dự Tiệc Cưới của Chúa Ki-tô do Thiên Chúa Cha đãi tiệc, đều phải tiếp nhận lối sống ấy.  Khi Vua trời đất tiến vào và nhận ra một người đã không mặc y phục lễ cưới, Người nổi giận.  Người nổi giận vì người ấy câm miệng không nói được gì.  Anh ta không thể biện hộ cho việc mình khinh thường nhà vua, bởi vì chắc chắn nhà vua đã cung cấp y phục lễ cưới cho mọi người được mời.  Vấn đề của anh ta là ngoan cố không muốn mặc y phục đó mà thôi!  Cũng thế, Chúa Cha đã ban cho tất cả chúng ta cơ hội để cùng chết đi con người cũ với Chúa Ki-tô và được sống lại với Người trong đời sống mới.  Vì thế, nếu chúng ta tự ý không muốn sống lối sống của Chúa Ki-tô thì chúng ta cũng phải “câm miệng không nói được điều gì” khi đến trước mặt Chúa!

          Ngoài ra còn có một lời của Chúa Giê-su khiến chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ:  Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít!  Đây là lời khích lệ, chứ không phải dọa nạt làm chúng ta lo sợ.  Lời gọi nên thánh là lời gọi phổ quát dành cho mọi người không trừ ai.  Nhưng đáp lại lời gọi nên thánh để được kể vào số những người được chọn thì không dễ dàng.  Nó đòi hỏi chúng ta cố gắng và kiên nhẫn để cho “y phục lễ cưới” là lối sống của Chúa Ki-tô thay đổi chúng ta dần dần trong những ngày tháng hành trình đức tin trên trần gian này.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Khi chúng ta có một cái áo đẹp bị vấy bẩn, chắc chúng ta cảm thấy bức xúc và muốn đem giặt ngay để thấy nó luôn luôn xinh đẹp.  Có bao giờ chúng ta cũng cảm thấy như vậy khi chúng ta xét mình và thấy cuộc sống của mình mang những vết nhơ tội lỗi, không xứng hợp với sự sống Chúa Ki-tô đã ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội không?  Nếu có thì đó chính là những lúc chúng ta biết “mở miệng” để xin Chúa thứ tha, để nói lời yêu thương trở về nhà Cha và quyết tâm sống làm môn đệ Chúa Ki-tô.

          Y phục lễ cưới của chúng ta cần được chăm sóc hằng ngày.  Bị vấy bẩn là điều có thể xảy ra cho mọi người.  Nhưng quan trọng là chúng ta có đem nó đến “giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Khải Huyền 7:14) hay không?  Nhìn lại cách đối xử với chính mình, với người khác để xem có phù hợp với nhân cách của Chúa Ki-tô hay không sẽ giúp chúng ta tẩy trắng y phục lễ cưới của mình mỗi ngày.  Nếu cần, chúng ta phải mang nó tới tòa giải tội, để ở đó Chúa Giê-su sẽ trả lại cho nó sự trong trắng đẹp xinh!

 

  Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A