Chúa Nhật XXVIII Thường Niên A

 

Được chọn thì ít

 

Mt 22:1-14: 1 Ðức Yêsu lên tiếng và lại dùng ví dụ mà nói với họ rằng: 2 "về Nước Trời, thì cũng in như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. 3 Nhà vua sai các tôi tớ đi gọi khách đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không màng đến. 4 Nhà vua lại sai tốp đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói với khách khứa đã mời: này, tiệc ta đã dọn sẵn, bò bê thú béo đã hạ, mọi sự đã sẵn sàng! Hãy đến dự tiệc cưới!" 5 Nhưng không thèm đếm xỉa, họ bỏ đi: người ra đồng, kẻ trẩy đi buôn. 6 Thậm chí có nóm khác bắt lấy tôi tớ nhà vua mà hành hạ rồi giết đi. 7 Vua thịnh nộ và phái quân binh đi tru diệt lũ sát nhân ấy và thiêu hủy thành của chúng. 8 Bấy giờ vua nói với tôi tớ: "Tiệc cưới đã sẵn, nhưng khách mời đã không đáng dự. 9 Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, hễ gặp ai thì mời vào tiệc cưới." 10 Tôi tớ ra các nẻo đường, thâu nạp mọi người gặp được, bất luận dữ hay lành. Và phòng tiệc cưới đã đầy khách dự tiệc.

11 Nhà vua đi vào coi khách dự tiệc, mới thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới, 12 nên mới nói với y: "Này bạn, làm bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng. 13 Bấy giờ, vua bảo quân hầu: "Hãy trói chân tay nó lại mà đuổi nó ra tối tăm bên ngoài: ở đó nó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng".

14 "Vì kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít"

 

  Dụ ngôn Tiệc cưới (22:1-14) nằm ngay sau dụ ngôn Tá Điền Vườn Nho. Đây là dụ ngôn cuối cùng trong loạt ba dụ ngôn liên quan với nhau. Trong dụ ngôn tá điền vườn nho, Chúa Giêsu đã nói đến việc chuyển giao Nước Trời cho một dân tộc biết sinh hoa trái cho Thiên Chúa (21:43). Chủ đề của dụ ngôn nầy nói về sự thay thế ấy: những người “tốt và xấu ở các ngả ba đường” được mời vào dự tiệc cưới. Họ thế chỗ những người đã được mời mà không đến.

Các hạn từ chính trong dụ ngôn nầy:  basileus, “vua” (cc. 2.7.11.13), gamos, “tiệc cưới” (8 lần), doulos, “tôi tớ” (cc. 2.3.6.8.10), kaleō “kêu gọi/mời” (cc. 3.4.8.9 và 14). Từ basileus, “vua” (cc. 2.13) và gamos, tiệc cưới” (cc. 2.12) đóng khung đoạn nầy. Ngoài câu dẫn nhập (c. 1) và kết luận (c. 14), dụ ngôn tiệc cưới (cc. 2-13) có thể chia thành hai phần chính bởi tote, “bấy giờ” (c. 8): - Vua và những người đã được mời (cc. 2-7); Vua và những người từ các ngả đường (cc. 8-13). Cấu trúc của mỗi phần tương tự nhau: - Vua sai các tôi tớ đi mời và họ thực hiện lệnh của vua (cc. 3.4 và 9), - Hành động đáp trả của những người được mời (cc. 5.6 và 10.12), - Hành động của vua đối với những người được mời (cc. 7 và 11. 13).

 

Dẫn nhập (c. 1)

Lần nữa Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với các lãnh đạo tôn giáo Israel (21:23. 45). “Các dụ ngôn”, số nhiều, chỉ cả ba dụ ngôn trong 21:28-22:14. Sau dụ ngôn thứ hai thánh Matthêô ghi nhận phản ứng tiêu cực của những người nầy. Vì họ đã không hiểu là Chúa Giêsu muốn họ hoán cải khi Ngài nói cho họ các dụ ngôn nầy (x. 21:32), nên họ mới đi đến quyết định là tìm cách bắt Chúa Giêsu (21:46).

Vua và những người đã được mời (cc. 2-7)

Khung cảnh của dụ ngôn là tiệc cưới. Thánh sử tập trung cái nhìn trên lời nói và hành động của vua, cũng như khách được mời. Vua chính là Thiên Chúa (21:40), “người con”, hyios, là Chúa Giêsu Kitô (21:37-38). Ngài là chàng rể của tiệc cưới (x. 9:15; Kh 19:7-9; 21:2.9), các tôi tớ là các ngôn sứ, sứ giả của Thiên Chúa (21:34.36), và “khách đã được mời” là Giêrusalem và dân Isreal.

Trong màn đầu, vị vua sai các tôi tớ đi mời khách dự tiệc đến. Ngài không có một hành động nào khác ngoài việc truyền cho các tôi tớ của ông những điều phải nói: “Hãy nói…” (c. 4), “Hãy gọi…” (c. 9). Thời ấy người ta đi mời trực tiếp bằng miệng; keklēmenos (cc. 3.4.8) là những “người đã được mời/gọi”. Thiên Chúa gọi/mời qua miệng các tôi tớ là Ngài đề nghị với con người một chọn lựa, như Ngài đã mời gọi người vào vườn nho cho Ngài (20:8). Ngài để cho con người tự do quyết định.

Màn tiếp theo là những hành động đáp trả khác nhau của “những người đã được mời”; điểm chung của họ là không đến dự tiệc cưới. Trước tiên họ “không muốn đi” (c. 3) nghĩa là không muốn đến dự tiệc. Động từ “muốn” ở thì quá khứ chưa hoàn thành cho thấy đã nhiều lần họ không sẵn lòng đáp trả cách tích cực lời mời gọi liên tục của Thiên Chúa qua các tôi tớ của Ngài, “Ông sai các tôi tớ” (c. 3) và “lại sai các tôi tớ khác” (c. 4). Ở câu 23:37 Chúa Giêsu dùng hình ảnh ẩn dụ gà mẹ muốn qui tụ đàn con để ám chỉ điều nầy, “họ không muốn” (x. Ga 5:40).

 Tiếp đến, “họ không đếm xỉa và bỏ đi” (c. 5). Trong các câu 4-6, Matthêô cho thấy những tương phản giữa hai bên. Về phía các tôi tớ của vua, họ cố gắng thuyết phục những người đã được mời nầy. Họ mở đầu câu đầu tiên bằng idou, “Nầy xem”, để lôi kéo sự suy xét (x. 10:16; 11:8; 22:4). Bữa tiệc của vua, “của tôi”, đã sẵn sàng; hetoimazō và tính từ hetoimos đóng khung câu nầy. Cách diễn tả “bò bê thú đã hạ” chỉ mọi sự sẵn sàng, và tiểu từ deute, “Hãy đến!” đầu câu hai dùng để khích lệ (21:38; 28:6); do đó chỉ còn một việc mà thôi là vào dự tiệc (x. Lc 15:23),  “Hãy đến dự tiệc cướì!”. Thế mà, về phía những người đã được mời, thay vì họ “đến dự tiệc”, eis tous gamous, theo lời mời, họ lại “bỏ đi”, arperchomai,  “ra đồng của họ”, eis ton idion argon. Tính từ idion, “riêng” đối lại với “ bữa tiệc của tôi” (nhà vua). Họ đi đến ruộng riêng của họ hơn là dự tiệc của vua. Động từ ameleō, “thờ ơ”, “không chú ý”, có đối tượng là lời mời của nhà vua. Họ chỉ quan tâm đến ruộng vườn và việc buôn bán của họ (c. 5). Sau cùng câu 6 mô tả họ đã đối xử bằng bạo lực với các tôi tớ, như các tá điền trong dụ ngôn trước (21:35.38). Trước sự từ chối ấy, bấy giờ vua ra tay hành động. Ngài hành động sau khi những người được mời đã quyết định. Việc họ bị tru diệt họ và thành họ bị thiêu hủy (21:41; 18:34) cho thấy sự chọn lựa của họ gắn liền với hậu quả. Vậy con người có tự do chọn lựa, nhưng lại không có tự do trước hậu quả/kết quả của chọn lựa ấy đến với họ.

 

Vua và những người từ các ngả đường (cc. 8-13)

Phần hai nầy dành nhiều chỗ cho lời nói và hành động của vua, cũng như cho các tôi tớ của ông. Những người được mời không có hành động nào được mô tả, ngoại trừ “thinh lặng” của người không mặc áo cưới (c. 12b).

Trước khi sai các tôi tớ đi lần nữa, vị vua đưa ra một đánh giá về “tiệc cưới” và “khách đã được mời”. Câu 8 được xem như chuyển tiếp sang phần hai của dụ ngôn tiệc cưới. “Tiệc cưới đã dọn sẵn” được lập lại ở đây, vì đến lúc nầy vẫn chưa có người vào dự tiệc cưới. Thiên Chúa đánh giá những người đã được mời là “đã không xứng đáng”, ouk axioi. Họ đã không xứng đáng vì đã từ chối mọi lời mời gọi. Họ không nghe theo lời mời gọi của các tôi tớ Ngài mà hoán cải, tin vào Chúa Giêsu Kitô để được dự tiệc Nước Trời (x. 3:8; 8:12). Bởi đó vua chọn người khác vào dự tiệc cưới.

Trong màn sai đi lần nầy, Matthêô dùng đến hai lần động từ ở thể mệnh lệnh trực tiếp “Hãy đi”, “Hãy mời/gọi” (c. 9). Động từ poreuomai, “đi” thay thế cho apostellō, “sai đi” (c. 3.4), chỉ sứ vụ đặc biệt mà Thiên Chúa ủy thác cho (2:20; 10:6; 21:2), và sứ vụ nầy liên quan đến những người chưa nhận biết Thiên Chúa (28:19); họ không phải là “những người đã được mời” (cc. 3.4.7). Dioxodos là “các đường từ đó các đường khác đi ra. Theo mạch văn của dụ ngôn, đó là những chỗ trước khi vào thành. Các con đường từ thôn quê  dẫn đến đó và chấm dứt tại đó. Thành thử đó cũng là những đường đi về thôn quê (Obadiah 1:14; Ezek. 21:21). “Các ngả đường” theo nghĩa bóng tượng trưng cho lãnh thổ các dân tộc mà các tông đồ sắp đi đến” (Thayer).

Tuân theo lệnh vua, các tôi tớ đã hành động: họ “đi ra”các đường, và “tìm thấy”, “thu gom” người về dự tiệc; chủ vườn nho cũng đã làm tương tự là ông đã đi ra ngoài và đưa vào làm vườn nho tất cả những người ông tìm thấy ở bất cứ giờ nào (20:6.8). Matthêô trình bày là các tôi tớ đã thu gom tất cả những người họ tìm thấy; osous, “bất cứ người nào”, nhiều chừng nào có thể”; bất kể họ là “người tốt hay người xấu” (c. 10; 5:45); khác với Lc 14:21. Họ chính là dân tộc, ethnos, được nói đến trong 21:43; họ được ví những “tất cả các loại cá” được bắt vào trong lưới Nước Trời (13:47); họ là những người mà Cha trên trời cho mặt trời chiếu soi cho (5:45). Và phòng tiệc cưới đã đầy người dự tiệc.

Các câu 11-13 tiếp theo nói đến các hành động của vua đối với những người đã vào phòng tiệc cưới. Cảnh được mô tả trong các câu nầy được trình bày như khung cảnh phán xét trong ngày cùng tận mà chúng ta gặp thấy ở những nơi khác: Thiên Chúa sẽ xuất hiện và mọi người hiện diện trước mặt Ngài (x. 13:40-41; 22:10; 25:19), kẻ xấu sẽ tự phân biệt với người tốt qua việc họ đã làm đối với Thiên Chúa (24:48-50; 22:12; 25:24-25), và chịu hậu quả của việc họ đã làm “quăng ra ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (13:42; 13:49-50; 22:13; 24:51; 25:30). Như thế vua xuất hiện lúc nầy, sau khi phòng tiệc đã đầy (c. 11), là để tách người không mang y phục lễ cưới ra khỏi những người trong phòng tiệc (c. 12-12); lúc nầy được ví như lúc người ta ngồi xuống lựa cá (13:48; 25:32).

Người ta đặt ra vấn đề “y phục lễ cưới”. Thật sự không có một bằng chứng nào hiển nhiên trong kinh thánh cho biết là người đi dự tiệc cưới có mang y phục cưới hay không. Nếu có, làm sao những người được đưa vào từ các ngả ba đường có sẵn y phục? Nếu không có sẵn y phục, tại sao vua lại trừng phạt người nầy? Tuy nhiên, có một số chỗ trong kinh thánh ủng hộ cho lý chứng là có thể nhà vua đã cung cấp y phục cho những người đến dự tiệc cưới (x. Quan án 14:12; Est 6:8–9; Zach 3:3–5; Lc 15:22; Kh 19:8).

Đem so sánh cảnh sau cùng của dụ ngôn nầy (cc. 11.13) với các dụ ngôn khác về phán xét trong ngày cùng tận, chúng ta sẽ thấy có những điểm tương đồng. Và dựa trên những tương đồng ấy, có thể kết luận là vua đã cung cấp y phục cho người dự tiệc cưới. Trước hết là trước ngày phán xét Thiên Chúa đối xử mọi người giống nhau: các người quản lý đều được đặt lên coi sóc gia nhân (24:17); mọi người đều được nhận một số nén bạc nào đó tùy khả năng (25:14tt ); mười cô trinh nữ đều được đi đón chàng rễ (25:1); do đó, có thể nghĩ rằng những người đã được mời vào phòng tiệc (c. 11a) đều được vua cung cấp y phục lễ cưới, “Bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới?” (c. 12). Rồi khi đến ngày phán xét, các dụ ngôn đều cho thấy là có một số người không làm theo ý của Thiên Chúa: người quản lý không chu toàn bổn phận (24:49-51), người đem nén bạc đi chôn dấu (25:26-27), năm cô trinh nữ khờ dại không đem theo dầu dự phòng (25:9-10), và ở đây có “một người không mang y phục lễ cưới” (22:12). Vậy “y phục lễ cưới nầy” có thể hiểu như là một điều kiện người dự tiệc phải hoàn thành mới có thể thật sự dự tiệc cưới Nước Trời; tương tự như những nén bạc phải làm lợi, đèn dầu phải sẵn sàng...

 

Kết luận ở câu 14 áp dụng cho cả dụ ngôn. Cả hai hạng người, “người đã được mời” và những người từ các ngả đường, đều được Thiên Chúa mời vào dự tiệc cưới. Tất cả họ đều là klētos. Tuy nhiên, eklektos là những người được tuyển chọn giữa những người được mời gọi nầy để tham dự tiệc cưới nầy (x. 24:31) thì không phải nhiều. Câu kết luận nầy không có ý nói đến số lượng, mà là một lời khuyến cáo. Lời khuyến cáo nầy áp dụng cho cả hai hạng người dụ ngôn đã đề cập đến. Với “những người đã được mời”, vì họ đã từ chối đến dự tiệc cưới, nên bị loại ra ngoài (x. 8:11-12). Với những người từ ngả ba đường, họ đã bằng lòng đến, nhưng không phải tất cả đều được chọn vào dự tiệc cưới, vì có người không “mang y phục lễ cưới”, nghĩa là không làm theo ý của Thiên Chúa, cũng bị loại ra ngoài.

 

Thiên Chúa vẫn mời gọi mọi người đến lãnh nhận ơn cứu độ. Nghe lời Thiên Chúa mời gọi để vào trong Hội Thánh Chúa Giêsu chưa đủ. Thực hiện thánh ý Thiên Chúa mới là bảo đảm để được chọn vào ơn cứu độ đời đời.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A