CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 7, 21-27

 

ĐỪNG NHIỀU LỜI KHI CẦU NGUYỆN

 

Sống ở trần gian này, người ta cứ tưởng phải nói nhiều mới có tác dụng, phải nói lắm lời mới được người khác nghe vv…” Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau “. Do đó, sống, tiếp xúc cư xử với nhau là cả một nghệ thuật. Biết cư xử, biết tiếp cận với nhau, biết sống với nhau luôn có một ý nghĩa quan trọng. Còn đối với Chúa, lời cầu nguyện của con người cũng phải được con người thành thực nói ra từ cõi lòng.  Chúa Giêsu đã quả quyết :” Không phải bất cứ ai thưa với Thầy :” Lạy Chúa! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi “ ( Mt 7, 21 ).

 

Thực tế, lời nói mau qua, gương lành sáng chói. Ở đây, chúng ta phải nhớ rằng “ Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo “. Bao giờ việc làm tốt, gương tốt luôn luôn có sức mạnh tỏa sáng, luôn thuyết phục được con người. Người Israel có truyền thống như sau :” Hãy nghe đây, hỡi Israel ? Chúa là Thiên Chúa ngươi, Chúa duy nhất ? Do đó các ngươi sẽ yêu mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi “, những ngôn từ, những lời này rất quan trọng khi Môsê dạy dân chúng :” Hãy ghi nhớ những lời của tôi vào trái tim và linh hồn các ngươi “. Và Môsê nói tiếp:” Hãy buộc chúng nơi cổ tay các ngươi như một dấu hiệu, hãy đeo chúng như đồ trang sức trên trán của các ngươi “. Đây là tục lệ của người Do Thái, một hình thức diễn tả lòng đạo đức và sốt sắng của những người Do Thái sốt sắng.

 

Chúa Giêsu thường lên án thói giả hình của những người Biệt phái, Kinh sư và Pharisêu. “ Họ nói nhiều “ “ Họ ra luật tỉ mỉ “, nhưng không làm không thực hiện. Họ chất trên vai người khác những gánh nặng, còn mình thì không giơ ngón tay mà lay thử ! Đó là sự giả hình nguy hiểm. Ra đường họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo vv…Lời nói của những người giả hình không đi đôi với việc họ làm. Chính vì thế, lời nói của họ là những lời đạo đức giả, những lời không có giá trị. Thánh Phêrô, tuyên xưng :” Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống “, nhưng liền sau đó lại ngăn cản ý định cứu độ thế giới, loài người của Thầy. Hiểu được hai mặt của vấn đề này, thánh Giacôbê viết :” Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết “ ( Gc 2, 26 ). Chúa Giêsu khi nào cũng làm gương cho con người. Ngài không bao giờ rao giảng điều gì mà không thi hành, không thực hiện điều ấy trước. Chúa Giêsu luôn thực thi thánh ý của Cha Ngài :” Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người “  (Ga 4, 34 ). Ngài nói tiếp :” Tôi đến không phải để làm theo ý Tôi, mà là làm theo ý Đấng đã sai Tôi “ ( Ga 5, 30 ).  Chúng ta có thể hiểu được rằng cả cuộc đời của Chúa Giêsu là làm đẹp lòng cha, Ngài luôn sống tình con thảo đối với Thiên Chúa Cha. Ngài luôn cho chúng ta thấy Ngài đến vì thánh ý Cha Ngài và đến trần gian để thực thi thánh ý Cha của Ngài :” Này con đến để thực thi ý Cha “ ( Dt 10, 7 ). Ngay trên Thập giá, Chúa Giêsu cũng luôn một mực làm theo thánh ý Thiên Chúa :” Lạy Cha, xin đừng theo ý Con mà là theo ý Cha “ ( Mt 26, 39 ).

Người Kitô hữu thực sự sống sự sống của Chúa khi họ hiểu được lời truyền phép :” Đây là Mình Ta “ “ Đây là Máu Ta “. Từ Lời này :” Bánh trở nên Mình “ và “ Rượu trở thành Máu Chúa Kitô “. Bí Tích Thánh Thể làm hiện thực hóa lời xác quyết của Chúa Giêsu :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

 

Giữ lòng trung tín với Chúa, sống mật thiết với Chúa qua lời cầu nguyện và hiệp nhất với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, người Kitô hữu sẽ không ngần ngại thưa với Chúa :” Lạy Chúa, Lạy Chúa “. Nhưng những lời này phải phát xuất tự cõi lòng chân thành và trung tín với Chúa của chúng ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống yêu thương và dám chết cho yêu thương như Chúa :” Yêu như Thầy đã yêu “ ( Ga 15, 12 ). Amen.

 

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A