CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, năm A

Mt 3, 13-17

 

DÒNG SÔNG SÁM HỐI

 

Bước đầu của việc muốn trở nên thánh là ăn năn, sám hối. Đọc Đường Tăng trong Tây Du Ký, chúng ta vẫn cảm nhận, Đường Tăng là nhân vật đã cố gắng hết mình, vượt bao thử thách, chông gai để mong tới ngày iết kiến Như Lai để hóa thành Phật.

Cuộc trường chinh khó khăn mất thời gian quá lâu dài nhưng càng tới ngày hóa kiếp thì Đường Tăng càng cảm thấy thế nào đi ấy…Cái thế nào đi ấy là vì Đường Tăng vẫn còn nối tiếc kiếp người, có lẽ chưa sống trọn kiếp người… Muốn nên thánh, muốn lên cao, chắc chắn con người phải sống kiếp người tốt đẹp trước đã. Chính vì thế, Gioan Tẩy Giả rao giảng sự sám hối, ăn năn và rửa tội cho nhiều người trong dòng sông Giorđăng quả thực có ý nghĩa tuyệt vời…Chúa cũng xin Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình quả cũng không nằm ngoài việc làm gương và dạy cho nhân loại bài học thống hối, muốn sống thánh, muốn nên hoàn thiện phải thống hối, phải biết cải thiện…

 

Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người bằng việc loan báo :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Chúa rao giảng sự sám hối để cho thấy kiếp người là kiếp mau qua, con người muốn nên thánh phải luôn khởi đầu bằng việc sám hối, ăn năn. Người ta không lạ gì tại sao Gioan Tẩy Giả lại ở bên dòng sông Giorđăng để mời gọi con người thống hối, mời gọi con người quay trở về với cõi thâm sâu của mình để thay đổi lối sống, cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy Chúa Kitô. Và quả thực, đã có rất nhiều người đến với Gioan, sắp hàng xin Gioan thanh tẩy cho mình…Con người sở dĩ muốn quay về là muốn trở nên tốt lành hơn, muốn hoàn thiện hơn, nên họ đã nghe lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, đã thống hối để xin Gioan rửa tội cho mình. Chúa Giêsu cũng sắp hàng cùng với đoàn người bên bờ sông Giorđăng để xin Gioan làm phép rửa cả cho mình nữa. Tại sao giữa đoàn người, chen chúc đông đảo như thế, không ai nhận ra Chúa Giêsu mà chỉ có mình Gioan nhận ra Ngài và nói :” Tại sao Ngài lại đến với tôi, chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa chứ !”. Ở đây, chúng ta nhận ra một sự thật thế này là Gioan Tẩy Giả đã cảm nghiệm sự thánh thiện tuyệt đối của Chúa Giêsu. Và khi Gioan từ chối rửa tội cho Chúa Giêsu, thì chúng ta nghe câu trả lời của Chúa :” Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính “ ( Mt 3, 15 ). Chúa Giêsu trả lời cách rõ ràng là Ngài xin được rửa tội để giữ trọn đức công chính, mà đức công chính là tuân theo ý của Chúa, thực hiện ý Chúa. Câu chuyện, Chúa Giêsu chịu phép rửa cho chúng ta thấy ngay khi Chúa làm theo thánh ý Chúa Cha khi lãnh nhận phép rửa, Chúa Cha đã dõng dạc tuyên bố :” Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người “ ( Mt 3, 17 ).

 

Vâng, việc Chúa Giêsu xin chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả là để làm gương và dạy mỗi người chúng ta :” Hãy sống và làm theo thánh ý Thiên Chúa “. Chính vì thế, sự giàu có đích thực không phải là có nhiều của cải, nhiều ruộng đất, nhiều tài sản , nhưng là luôn trở nên công chính, trở nên hoàn thiện, nghĩa là dám cởi bỏ con người cũ, mặc lấy Đức Kitô, là lắng nghe Cha nói, thực thi ý Cha và trở nên Con yêu của Thiên Chúa Cha.

 

Để thực hiện ý của Chúa Cha, Đức Kitô đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, hạ mình làm thân con người, sống hòa mình với con người ngoại trừ tội lỗi ( Philip 2, 1-6 ).

Ngài đã đến trần gian để mang hạnh phúc cho con người, cho loài người và cứu độ con người.Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã hoàn thành 30 năm ẩn dật ở làng quê Nadarét, bằng cuộc khởi đầu sứ vụ công khai, xin Gioan làm phép rửa cho mình dưới dòng nước sông Giorđăng để làm cử chỉ sám hối nêu gương cho mọi người. Chúa đã hòa mình giữa đoàn người tội lỗi để cứu chuộc người tội lỗi.

 

Chúa Giêsu chịu thanh tẩy nơi dòng sông Giorđăng là hình ảnh của cái chết của Ngài trên thập giá để cứu chuộc cho muôn người, để muôn người được sống lại với Ngài và trở nên con cái của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đánh bại tội lỗi và cái chết. Do đó, nơi Ngài thanh tẩy hay phép rửa không còn là một nghi lễ mà đã biến thành chính cuộc sống của Ngài.

 

Đối với người Kitô hữu phép rửa cũng không chỉ là một nghi lễ, nhưng nó đã biến con người thành cuộc sống, cuộc sống đẩy lùi bóng tối, tội lỗi và sự chết. Từ đây, người Kitô hữu luôn phải nhớ rằng Đấng Thánh mà còn tự dìm mình sám hối thì người Kitô hữu luôn phải khiêm nhượng cúi mình lãnh nhận bí tích hòa giải và không bao giờ dám tự đắc, kiêu căng coi mình thánh thiện, đạo đức hơn anh em của mình. Người môn đệ có trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả là phải làm sao để tiếng từ trời cũng được lập lại nơi mỗi người trong thế giới, nơi trần gian muôn thuở :” Con là Con yêu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha “.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng ngày càng yêu mến Bí tích rửa tội nhiều hơn vì chính phép rửa làm cho chúng con trở thành con của Chúa. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A