LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (24/11)

2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Ga 12,20-32

PHÚC THAY AI BỊ BÁCH HẠI VÌ SỐNG CÔNG CHÍNH

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 12,20-32

(20) Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. (21) Họ đến gặp ông Phi-lip-phê, người Bết-xai-đa miền Ga-li-lê và xin rằng: ”Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”. (22) Ông Phi-lip-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-lip-phê đến thưa với Đức Giê-su. (23) Đức Giê-su trả lời: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! (24) Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (25) Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (26) Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy. (27) Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến. (28) Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: ”Ta đã tôn vinh danh Ta. Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” (29) Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: ”Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo: ”Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” (30) Đức Giê-su đáp: ”Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì Tôi, mà vì các người. (31) Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngòai ! (32) Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”.  (33) Đức Giê-su nói thế để ám chỉ người sẽ phải chết cách nào.

2. Ý CHÍNH:

Khi mấy người Hy-lạp đang ở Giê-ru-sa-lem yêu cầu các môn đệ cho được gặp Đức Giê-su, thì Người tuyên bố rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh !” Sau đó, Người dùng hình ảnh một hạt lúa mì chỉ phát sinh thêm nhiều bông hạt khác nếu nó biết tự hủy mình đi. Cũng vậy, Đức Giê-su cũng phải trải qua sự chết rồi mới được vào vinh quang phục sinh. Về phần các môn đệ, các ông cũng cần phải đi con đường của Người: Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẵn sàng thí mạng sống mình vì tin vào Đức Giê-su, thì sẽ có sự sống vĩnh cửu ở đời sau như Người đã hứa: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1.LỜI CHÚA:  ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,23-25).

2.CÂU CHUYỆN: CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH AN-RÊ TRẦN AN DŨNG LẠC

Trần An Dũng Lạc sinh năm 1795, gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên, cậu theo cha mẹ đến xứ Kẻ Chợ sinh sống. Tại đây, cậu được một thầy giảng nhận làm con nuôi và cho ăn học. Cậu được chịu phép rửa tội và nhận tên thánh là An-rê. Sau đó cậu đáp lại ơn gọi dâng mình cho Chúa và theo học tại chủng viện Vĩnh Trị. Thầy An-rê được thụ phong linh mục vào năm 1823 khi được 28 tuổi. Từ khi thụ phong linh mục, cha An-rê được sai đi giúp xứ. Ở đâu cha cũng nêu gương sáng đạo đức qua cuộc sống khổ hạnh. Ngoài những ngày giữ chay theo luật định, cha còn tự nguyện giữ chay thêm suốt cả Mùa Chay và các ngày Thứ Sáu Thứ Bảy hàng tuần. Nhờ đời sống đơn sơ khiêm hạ và khắc khổ như vậy, nên cha đã gây được thiện cảm của những người chung quanh và thành công trên bước đường tông đồ: qua cha, nhiều tội nhân đã được ơn giao hòa với Chúa và nhiều người lương đã tin vào Chúa và xin gia nhập đạo.

Khi đạo Công giáo bị bách hại gắt gao thời vua Minh Mạng, cha An-rê Dũng đã phải trốn lánh ở nhiều nơi. Một lần kia ở Kẻ Roi, khi vừa dâng lễ xong thì bị quan quân vây bắt và được giáo dân chuộc về. Sau đó cha đã đổi tên Trần An Dũng thành Trần An Lạc. Lần thứ hai cha bị bắt ở xứ Kẻ Sông khi đang xưng tội với cha Phê-rô Thi. Hai cha bị quan quân đòi tiền chuộc tới 200 quan tiền. Nhưng giáo dân chỉ quyên góp được một nửa số tiền nói trên, nên chỉ mình cha Lạc được thả. Rồi cha lại bị đám lính khác bắt mang về huyện giam chung với cha Phê-rô Thi và cả hai được áp giải về Hà Nội.

Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra xét và bắt phải bước qua Thánh Giá để tỏ ý bỏ đạo. Nhưng thay vì làm theo lệnh quan, hai cha lại cùng quì xuống hôn kính Thánh Giá và nói: “Không bao giờ chúng tôi chối Chúa và bỏ đạo cả. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh vất vả đem Chúa đến cho người khác, thì lẽ nào bây giờ lại hèn nhát chối bỏ Chúa !”. Trước sự bất tuân của hai cha, quan tức giận sai lính đem nhốt các ngài vào ngục thất và làm thành án gửi về kinh. Suốt thời gian ở trong tù, hai cha luôn cầu nguyện và ăn chay hãm mình, xin Chúa cho được ơn bền đỗ đến cùng. Tuy giáo dân được phép thăm nuôi hằng ngày, nhưng hai cha yêu cầu họ đừng đem đồ ăn ngon đến, và nếu bữa nào có thịt cá thì các ngài lại cho các bạn tù hoặc cho lính canh.

Ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai cha đã chính thức nghe án lệnh xử trảm của nhà vua. Rồi hai cha bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy ở Hà Nội. Đến nơi, các ngài cầu nguyện ít phút, rồi cúi đầu cho lý hình dễ dàng thi hành phận sự. Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã tôn phong các ngài lên hàng chân phước tử đạo vào ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại nâng các ngài lên bậc hiển thánh. Hội Thánh cũng chọn ngày này làm lễ kính “Thánh An-rê Trần An Dũng Lạc Và Các Bạn Tử Đạo” hay lễ kính “Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam”.

3. SUY NIỆM:

1) Con số các thánh Tử đạo tại Việt Nam:

Ngay từ thời Hội Thánh Sơ Khai, các tín hữu đã bị cấm cách, bắt bớ và giết hại đúng như lời tiên báo của Thầy Giê-su (x. Ga 15,18.20). Thực tế lịch sử Hội Thánh cho thấy: Bất cứ nơi nào đạo được truyền tới cũng đều bị bách hại và có các vị tử đạo. Tại Việt Nam, đạo Công giáo đã được các vị thừa sai đến truyền giảng từ thế kỷ thứ 16. và trong suốt thời gian gần 300 năm sau đó, các tín hữu công giáo đã luôn bị bách hại tàn khốc ! Sau Hội Thánh Rô-ma thì có lẽ Hội Thánh Việt Nam đã dâng cho Chúa nhiều thánh tử đạo hơn cả ! Người ta ước tính có tới hàng trăm ngàn tín hữu đã bị kết án tử hình vì đức tin, dưới các triều đại nhà Nguyễn như: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đưc… hoặc bị các phong trào Cần Vương, Văn Thân bách hại. Trong số đó, 117 vị đã được Đức Gio-an Phao-lô II tôn phong lên bậc hiển thánh mừng chung trong niên lịch Hội Thánh hôm nay. Trong 117 vị có 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân. Các ngài đã bị nhiều cực hình như: bị chém đầu (79 vị), bị treo cổ (16 vị), bị chết rũ tù (8 vị), bị chết thiêu trong hỏa lò (6 vị).

2) Lý do các thánh tử đạo bị giết hại:

Có nhiều lý do khiến các thánh Tử Đạo bị kết án tử hình:

Một là vì giáo lý và luân lý của đạo Công Giáo khác biệt so với nền văn hóa Nho giáo đang thịnh hành vào lúc bấy giờ. Chẳng hạn cho rằng theo đạo của người Tây dương là hành động bất hiếu vì bỏ không thờ cúng tổ tiên ông bà.

Hai là một số thương gia ghét đạo vì sợ các tin hữu sẽ gây bất lợi cho việc làm ăn kinh doanh của họ.

Nhưng có lẽ lý do chính là do vua quan thời đó mang đầu óc thủ cựu, đầy thành kiến và theo lối hành xử tiêu cực. Họ sợ khi dân chúng tyheo đạo sẽ bị các thừa sai ngoại quốc hướng dẫn đi theo con đường bán nước chống lại tổ quốc của mình, nên đã chủ trương cấm đạo và trừng phạt nặng những người theo đạo.

3) Tử đạo trong cuộc sống hôm nay:

- Để có thể vượt qua các gian nan thử thách và sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin, các thánh Tử Đạo đã phải có lòng tin cậy mến cao độ, sẵn sang chấp nhận đi con đường hẹp leo dốc của Chúa Giê-su, nghĩa là: Luôn bỏ ý riêng mình, chấp nhận vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa (x Lc 9,23). Các ngài đã phải luôn kết hiêp với Chúa Giê-su, can đảm chịu đựng các đau khổ gặp phải trong cuộc sống, đón nhận ơn Thánh Thần đề mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa trước mặt người đời, khôn ngoan làm chứng cho Chúa trước mặt vua chúa quan quyền, như lời Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).

- “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”: Để có thể sẵn sàng chịu chết vì đức tin để làm chứng cho Chúa, các thánh Tử Đạo đã phải có lối sống gương mẫu: Là những đứa con hiếu thảo với cha mẹ, những người chồng người vợ gương mẫu cho con cái và gây được thiện cảm của mọi người… Mỗi tín hữu chúng ta cần năng đến nhà thờ dự lễ và rước lễ sốt sắng, tham dự các buổi tĩnh huấn để xin Chúa Thánh Thần xuống ơn dồi dào trên chúng ta. Cần thể hiện lòng mến Chúa bằng việc năng dâng những lời nguyện tắt kèm theo các việc hy sinh hãm mình và bác ái, để làm chứng cho Chúa, hầu Nước Chúa ngày một phát triển trên quê hương Việt Nam chúng ta.

4. THẢO LUẬN:

1) Tại sao đạo Công Giáo luôn bị người đời thù ghét bách hại ? 2) Tử đạo là sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa (x. Cv 1,8). Mỗi người chúng ta phải làm chứng cho Chúa thế nào trước mặt anh em lương dân chung quanh ? 

5.NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Xưa Chúa đã dạy các môn đệ rằng: “Anh em sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về trần gian”. Xin cho chúng con đừng bao giờ bỏ Chúa để chạy theo những cám dỗ của thế gian, ma quỉ và các đam mê xác thịt.

Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Con nhà tông không giống lông, cũng giống cánh” để chúng con luôn sống xứng đáng là những con cháu của các anh hùng Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt người đời: Nở nụ cười khi tiếp xúc; Cởi mở đi bước trước để làm quen với những người mới tiếp xúc; An ủi những ai bệnh tật hay đang gặp tai nạn rủi ro; Khiêm nhường phục vụ tha nhân, đặc biệt phục vụ những người đau khổ và bất hạnh, cần được sự cảm thông nâng đỡ.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

 

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A