CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Tôi là cửa cho chiên ra vào

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 10:1-10)

Chúng ta từng biết, sự sống còn của đàn chiên gần như hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của người chăn chiên.  Như thế, vai trò của người chăn chiên vô cùng quan trọng đối với chiên.  Dựa trên chân lý này, Kinh Thánh Cựu Ước không ngần ngại tuyên xưng Thiên Chúa là Mục Tử của nhà Ít-ra-en.  Thiên Chúa đã đặt nhiều người thay mặt Người để chăm sóc dân tuyển chọn, trong số đó có người tốt, nhưng cũng có những nhà lãnh đạo không phải là những mục tử tốt.  Khi Chúa Giê-su tuyên bố vai trò mục tử của mình, Người khẳng định:  Tôi là Mục Tử Nhân Lành. 

Trong cả ba chu kỳ Chúa Nhật IV Phục Sinh, Tin Mừng Gio-an đã lần lượt trình bày một vài đức tính căn bản nơi Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành của tất cả chúng ta.  Trước hết, Chúa Giê-su sử dụng hình ảnh “cửa chuồng chiên” để nói lên việc bảo vệ chiên và cho chiên được sống dồi dào.  Đọc phần đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giê-su đề cập tới hành vi của người chăn chiên tốt là “đi qua cửa mà vào ràn chiên”.  Hành vi này muốn diễn tả:  đây là người mục tử đích thực.  Bởi vì kẻ nào “trèo qua cửa mà vào” thì đâu phải là mục tử, nhưng là “kẻ trộm cướp” hoặc là mục tử xấu.   Người giữ cửa mở cửa cho mục tử tốt vào, để anh dẫn chiên ra và đi tới “đồng cỏ xanh tươi”.  Anh đi trước, chiên theo sau.  Đúng là giữa chiên và người chăn đã có mối quan hệ mật thiết, thậm chí qua cả tiếng nói người chăn gọi tên từng con!.  Nếu điều này nói về Chúa Giê-su, chúng ta có thể hiểu “người giữ cửa” đây chính là Chúa Cha.  Người sai Chúa Con đến để thay thế cho các mục tử xấu của Ít-ra-en (Ê-dê-ki-en 34).

Thánh Gio-an ghi chú một câu rất tế nhị:  “Chúa Giê-su kể cho họ dụ ngôn đó, nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ!”  Họ không hiểu hoặc không muốn hiểu thì cũng phải, vì họ đây là “người Do-thái”, từ ngữ thánh Gio-an ám chỉ những kẻ thù của Chúa Giê-su.  Là kẻ thù, họ đâu muốn chấp nhận Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành của họ!

Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng đưa chúng ta đi xa hơn.  Giờ đây Chúa Giê-su không chỉ quả quyết Người là kẻ “đi qua cửa mà vào ràn chiên”, nhưng:  “Tôi là cửa”, “Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”.  Chúa Giê-su đi từ dụ ngôn người qua cửa chuồng chiên đến hình ảnh cửa ràn chiên, từ sự kiện Người là Mục Tử đích thực sang thực tại Người là “cửa ơn cứu độ”.  Cửa này có một chức năng vô song.  Nó là lối duy nhất để chiên ra vào và gặp được đồng cỏ.  Nó cũng là thành lũy để bảo vệ chiên khỏi bị ăn trộm, giết hại và phá hủy.  Cuối cùng, Chúa Giê-su kết luận về vai trò cứu độ của Người:  “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào”.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Có lẽ để sống cụ thể mối tương quan giữa chúng ta và Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, chúng ta hãy đọc và suy niệm bài đọc 2 hôm nay.  Thánh Phê-rô khẳng định:  “Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Phê-rô 2:25).  Chúng ta quay về với Vị Mục Tử.  Việc “quay về” này không chỉ là một hành động nhất thời, nhưng là cả một tiến trình liên tục bỏ lại lối sống cũ tội lỗi để gắn bó với lối sống mới của Chúa Ki-tô. 

Như Chúa Giê-su đã nói:  Người là cửa ơn cứu độ để chúng ta ra vào mà tiếp nhận sự sống của Thiên Chúa.  Chúng ta thực hiện việc ra vào này qua cầu nguyện để phát huy mối tương quan với Vị Mục Tử của chúng ta.  Chúng ta ra vào Cửa cứu độ khi lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể là “đồng cỏ xanh tươi” dành cho đàn chiên của Người.  Chúng ta cũng ra vào Cửa cứu độ để xác tín rằng Chúa Giê-su luôn che chở giữ gìn chúng ta khỏi những “kẻ trộm cướp”, tức là mọi nguy hiểm do ma quỷ cám dỗ và mời mọc của thế gian.

Có lẽ từ trước tới nay, chúng ta chỉ để ý đến hình ảnh Chúa Chiên Lành mà quên mất hình ảnh “Cửa” để chúng ta được sống dồi dào và được cứu độ.  Ước gì chúng ta luôn quan tâm đến việc ra vào Cửa ấy để sống với Chúa và được cứu độ!

Lm. Đaminh Trần đình Nhi          


Suy Niệm Lời Chúa Năm A