KHIÊM NHƯỜNG, LIÊN ĐỚI ĐỂ CỨU ĐỘ

(lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Từ lễ Giáng Sinh đến hôm nay, Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái của mình chiêm ngắm và sống sứ điệp mầu nhiệm Giáng Sinh nơi Hài Nhi Giêsu. Các sứ điệp tuy nhiều, nhưng có lẽ điểm nhấn trọng yếu vẫn là sự khiêm nhường và tính liên đới của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay, một lần nữa thánh Mátthêu làm toát lên sự khiêm nhường đó khi trình thuật sự kiện Đức Giêsu xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình.

1.   Ý nghĩa của phép rửa nơi Gioan Tẩy Giả

Để chuẩn bị cho dân chúng đón nhận Đức Giêsu, Gioan đã kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi, canh tân đời sống để được ơn cứu độ. Đời sống của ông đã đi đôi với hành động của mình khi chọn lối sống đơn sơ, nghèo khó trong hoang địa: ông đã “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3, 4), nhằm sống triệt để tinh thần khiêm nhường và trọn vẹn ý nghĩa của sự chay tịnh để chờ mong Đấng Cứu Thế đến cũng như chu toàn vai trò là người dọn đường cho Vị Thiên Sai. Đỉnh cao của sứ điệp mà Gioan mời gọi đó là đón nhận phép rửa sám hối và canh tân đời sống để được ơn tha thứ.

Khi nói đến phép rửa của Gioan, chúng ta cũng nên nhắc đến các nghi thức phép rửa của người đương thời với ông. Phép rửa thời bấy giờ gồm có phép rửa của những người tòng giáo, nhằm tẩy uế. Phép rửa của những người Étxem là một nghi thức hằng ngày, có tính cách giúp người ta sống trong sạch. Nhưng phép rửa của Gioan thì khác hẳn với các phép rửa trên. Phép rửa mà Gioan cử hành nói lên tinh thần sám hối để chuẩn bị cho phép rửa trong Thánh Thần và Lửa mà Đức Giêsu sẽ cử hành sau này. Tuy nhiên, phép rửa mà Gioan cử hành trên sông Giođan chỉ là một nghi thức tượng trưng. Phép rửa này chưa phải là một Bí tích và thực chất cũng chưa có khả năng tẩy xoá tội lỗi và cứu độ được con người, bởi chưng, chưa có năng lực ban ơn thánh hoá. Vì thế, phép rửa này có tính sám hối. Chính vì thế, thánh nhân mới quả quyết rằng: “Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần" (Mt 1,7).

Trong đoàn người lũ lượt đến với Gioan để xin lãnh nhận phép rửa do ông cử hành, Đức Giêsu cũng tháp nhập vào đoàn người đông đảo ấy để xin Gioan làm phép rửa cho mình. Khi thấy Đức Giêsu, ông đã tỏ vẻ ngỡ ngàng vì tại sao lại có thể xảy ra sự ngược đời như thế được? Một vị Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất; Đấng là khởi đầu và kết thúc; Đấng xóa tội trần gian; Đấng trong sạch không tỳ tích; Đấng thánh thiện vẹn toàn; Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và Lửa mà lại đến để xin mình lãnh nhận phép rửa tỏ lòng sám hối từ chính một người cũng cần được cứu độ? Có lẽ đây là một điều khó hiểu đối với Gioan: Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” (Mt 3, 14) Nhưng khi nghe Đức Giêsu giải thích, ông đã hiểu được ý nghĩa sâu xa sứ mạng của Đấng Cứu Độ.

2.   Đức Giêsu cứu độ nhân loại bằng con đường khiêm nhường và tinh thần liên đới

Thật vậy, Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu chuộc con người. Ngài đã trở nên như không cho con người có tất cả. Ngài đã thực hiện thánh ý của Chúa Cha cách tuyệt đối. Tuy bản thân Ngài hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài là Đấng gánh tội trần gian, nghĩa là Ngài chất đầy tội lỗi của nhân loại trên bản thân mình. Vì thế, trước mặt Thiên Chúa, với tư cách đại diện cho toàn nhân loại, Ngài phải tự liệt mình vào hàng tội nhân cần phải sám hối. Và Ngài sám hối thay cho toàn nhân loại, tương tự như Môsê (x. Xh 9,27; 32,31-32; Lv 8,14-15), Nêhêmi (x. Nkm 1,6-7), Ét-ra (x. Er 10,1.6) và Đanien (x. Đn 10,2) đã từng làm. Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa sám hối và ghi nhận hành vi sám hối này để liên đới với hết mọi người Do thái thời bấy giờ, đồng thời chia sẻ phân phận khổ đau, nghèo đói và bệnh tật của con người. Ngài muốn trở nên người thầy, người anh, người bạn của tất cả chúng nhân, nhất là những người thấp cổ bé họng, những người cô thế, cô thân... Ngài muốn chung phần đau khổ với hết mọi cảnh đời, nhất là những kẻ tội lỗi, yếu đuối để nâng con người lên và giải thoát họ khỏi quyền lực của sự chết. Vì thế, Ngài đã “không lớn tiếng”, “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét”. Ngài chính là “Người Tôi Tớ” mà tiên tri Isaia đã loan báo (x. Is 42, 1-4). Qua hành vi đó, Đức Giêsu muốn diễn tả một vị Thiên Chúa thật gần gũi với loài người, một vị Thiên Chúa nghe được, thấu được và cảm được được nỗi đau khổ, yếu đuối của loài người. Mặt khác, khi lãnh nhận phép rửa sám hối, Đức Giêsu muốn mặc khải và nhấn mạnh đến khía cạnh cứu độ chứ không phải khía cạnh thống trị bằng quyền bính như người Dothái mong chờ. Ngài đến để biến đổi nhân loại từ bên trong, bằng cách chia sẻ thân phận nghèo hèn và khốn khổ của họ, hơn là từ bên ngoài, bằng xét xử phán đoán. Bởi vậy, Ngài hoàn toàn từ chối kiểu thống lãnh bằng vũ lực và quyền bính, nhưng bằng con đường tình yêu và tự hủy (x. Mt 4, 1-11; 11,2-6; 16, 13-23).  Chính vì thế, khi Gioan tỏ vẻ từ chối vì thấy mình không xứng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?", ngay lập tức, Đức Giêsu đã nói với ông: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế" (x. Mt 3, 14), cần phải hoàn thành sự công chính là trung thành với Thiên Chúa cách tuyệt đối. Thật thế, Đức Giêsu là Tôi Tớ Giavê, nên Ngài chẳng nề hà khi cùng chịu đau khổ vì tội của dân mình. Khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Ngài vừa trở nên chi thể, vừa trở nên thủ lĩnh của một nhân loại tội lỗi cần được thánh hóa và cứu chuộc. Thành ra, mặc dầu chẳng phạm tội, Chúa Giêsu cũng phải cúi xuống và dìm mình dưới dòng sông Giodan để chịu phép rửa thống hối chỉ vì muốn liên đới, gánh vác tội lỗi của con người và chia sẻ với họ niềm hy vọng (x. 2 Cr 5, 21; Dt 2, 14- 17). Khi khiêm tốn lãnh nhận phép rửa của Gioan, thì cũng là lúc Ngài chính thức khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ơn cứu độ, đồng thời biểu lộ bản chất Cứu Chúa của mình.   

Chính khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Thiên Chúa Cha đã tấn phong Đức Giêsu là Đấng Mêsia, để Đấng Kitô thi hành sứ vụ, và cũng từ đây Ngài đi khắp nơi để ban phát ơn lành (x. Ex 1,1; Kh 19,11; Cv 7,56...)

Thật vậy, Thần khí Đức Giêsu lãnh nhận cũng chính là Thần khí đã ngự xuống trên các ngôn sứ và vua chúa để ban cho họ khả năng thi hành nhiệm vụ; nhưng hơn hẳn các nhân vật quá khứ, Ngài lãnh nhận Thần khí một cách dư đầy (x. Is 11,2).

Cũng chính lúc này, các tầng trời mở ra biểu hiện sự giao hòa. Giao hòa giữa trời và đất, giao hòa giữa Thiên Chúa và con người.

Đây là một biến cố quan trọng, bởi vì Chúa Cha đóng ấn vào công cuộc cứu chuộc của con người qua sự khiêm hạ của Đức Giêsu.

3.   Sứ điệp Lời Chúa

Mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa, mỗi người chúng ta hãy nhớ lại ngày ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Khi đó, ta được trở nên con Thiên Chúa, được Chúa hứa ban gia nghiệp vĩnh cửu. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những đặc ân nội tại của riêng ta, nhưng qua đó, chúng ta cũng còn lãnh nhận một trách nhiệm khác nữa, đó là phải trở nên ngôn sứ của Đức Giêsu. Nói cách khác, chúng ta phải có trách nhiệm loan truyền Đức Giêsu cho người khác.

Nhưng điều đáng nói ở đây là chúng ta loan báo bằng cách nào?

Hình ảnh của Đức Giêsu khiêm nhường để cúi xuống cho Gioan làm phép rửa nhắc cho chúng ta trước, trong và sau khi loan báo hãy lấy thánh ý Thiên Chúa lên trên và phải khiêm nhường. Nếu không có sự khiêm nhường thẳm sâu thì chúng ta sẽ làm đổ vỡ chương trình của Thiên Chúa và thay vào đó là ý định của ta. Thật vậy, không có Chúa, chúng ta chẳng làm được chuyện gì, bởi vì: "Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công" (Tv 126,1). Mỗi lúc như thế, chúng ta cũng nhớ lại sự xác tín của thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cor 3:6). Khi xác định như thế, ấy là lúc chúng ta ý thức được vai trò của chúng ta chỉ là đầy tớ cho ông chủ; là thợ trong vườn nho; là dụng cụ trong tay người thợ. Chúa mới là người quyết định thành bại: “Ngoài Ta ra các ngươi không thể làm gì được !” (Ga 15,5c). Thực ra, người ta có gì mà không do lãnh nhận từ Trên ban cho (x Ga 3,27). Chỉ khi nào chúng ta lắng nghe  tiếng Chúa để khám phá ra mặt linh hồn của mình quá ô uế, vì Lời Chúa là gương soi mặt linh hồn (x Gc 1,23). Quả thật, “Chỉ ngang qua Lề Luật, ta mới biết mình có tội” (Rm 7,7). Và, khi đã nhận ra con người khốn nạn của mình, vì đã biết ý Chúa mà không làm, thì không còn dám kiêu căng, lên mặt, coi thường Thiên Chúa, khinh dể người anh em, lúc đó, ta làm sao mà dám lên mặt vênh váo với ai? Bởi lẽ: “Không ai công chính, không một ai [… ] hết thảy đều lầm lạc hư đốn cả lũ! [...] và tất  cả thế gian phải tự nhận mình mắc án của Thiên Chúa” (x. Rm.3,10-20).

Cũng noi gương Chúa hoàn toàn vâng phục và chết vì yêu. Ngài thiết lập Nước của Ngài không phải súng đạn, binh đao và quyền lực. Nhưng hoàn toàn bằng tinh thần yêu thương, liên đới và tự hủy. Qua hình ảnh và hành động đó của Đức Giêsu, mỗi chúng ta cũng ý thức rằng: mọi sự rồi cũng qua đi, chỉ có Chúa và tình yêu của Ngài mới tồn tại: Vì “Không phải nhờ gươm, nhờ giáo mà Chúa ban chiến thắng, vì chiến đấu là việc của Chúa” (1Sm 14,47a). 

Trong mỗi một tập thể hay nơi gia đình, nếu mỗi người đều có tinh thần của của thánh Âutinh: "Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm!” ắt mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Cứ xét mình trước rồi hãy xét đoán anh chị em thì sẽ thấy đôi khi tội mình nặng hơn họ. Cứ đặt mình vào cương vị bị người khác hạ nhục, hiểu lầm, bị quát nạt và xấc láo thì mới thấy thương và cảm thông với người khác hơn là trách mắng họ, nhất là đặt mình vào cương vị một người trên mà bị bề dưới sỉ vả hay hỗn xược thì mới thấy được cái cay đắng của những lần mình hỗn láo với những người đáng tuổi ông bà, cha mẹ của mình. Họ cũng đau, họ cũng buốt và nhất là họ thất vọng.

Mong sao trong mọi mối tương quan, ta hãy có tình bác ái và thông cảm cho nhau như Đức Giêsu đã vâng lời và khiêm nhường khi cùng đoàn người đến xin Gioan làm phép rửa thống hối cho mình. Qua đó Ngài muốn liên đới, cảm thông và nâng đỡ những ai đang vất vả, lầm lạc và khổ đau. Và cũng hy vọng hình ảnh một Đức Giêsu hiền hậu, khiêm nhường và hay tha thứ không bị lu mờ đi vì tấm gương quá bẩn, quá xấu của chúng ta.

Hy vọng lời ca ngợi của nhiều anh chị em không đồng đạo với chúng ta vẫn thường nói rằng: đạo Công Giáo là đạo tình yêu; đạo tha thứ; đạo khiêm nhường; đạo của “những người yêu nhau” sẽ không bị phản chứng khi ngay trong chính lối sống và cách hành xử nội bộ nơi con cái Chúa trong Giáo Hội. 

Lạy Chúa Kitô, xưa Ngài đã làm đẹp lòng Chúa Cha bằng cách sống hòa đồng, chia sẻ phận người với chúng con. Xin Chúa giúp chúng con trong tình tương thân huynh đệ, cùng giúp nhau sống tốt về mọi mặt, để xây dựng một Giáo Hội hiệp nhất, yêu thương. Amen.

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A