CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 3:1-12)

         Thánh Gio-an Tiền hô không thể vắng mặt trong Phụng vụ mùa Vọng, vì sứ vụ và lời giảng của ngài gắn liền với biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su.  Ngài đến trước để xướng lên sứ điệp “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”, cũng là sứ điệp Chúa Giê-su sẽ lập lại khi Người khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Tuy nhiên, bài Tin Mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, sau khi giới thiệu lai lịch của thánh Gio-an, đã thuật lại sự kiện vị Tiền hô nghiêm khắc cảnh báo những người Pha-ri-sêu và Xa-đốc về thái độ ngoan cố không chịu sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Cứu độ:  “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”.

         Khi ông Gio-an rao giảng việc sám hối tại bờ sông Gio-đan, dân chúng từ các nơi đến nghe.  Kết quả lời ông giảng là “họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan”.  Nhưng khi nhóm Pha-ri-sêu và Xa-đốc tới xin chịu phép rửa thì ông Gio-an lại thẳng thắn sửa sai họ về thái độ kiêu căng, vì họ tự phụ cho mình là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham nên không cần sám hối!  Họ khác biệt với dân chúng khi họ không “thú tội”, nghĩa là họ nghĩ mình là những người thánh thiện và không cần phải thay đổi đời sống.  Trái lại, ông Gio-an thấy điều chủ yếu họ phải làm lúc này không phải chỉ là lội xuống sông Gio-đan để chịu phép rửa, nhưng là quyết tâm quay lưng lại với lối sống kiêu căng và tội lỗi.  Họ tưởng cứ đến lãnh nhận một nghi thức thanh tẩy là đủ để “trốn được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống”!  Nghi thức thanh tẩy của Gio-an không phải là một phù phép giúp họ che mắt Thiên Chúa.  Nhưng phép rửa của ông chỉ là cách mời gọi họ hãy “sinh quả tốt”, tức là thực sự thay thế lối sống giả hình của họ bằng đời sống thánh thiện đích thực.  Phép rửa của ông chỉ là “nước” so với với phép rửa bằng “lửa và Thánh Thần” của Chúa Giê-su, Đấng đến sau ông.  Cách so sánh này chính là lời khẳng định nói lên sự cao cả và siêu việt của Chúa Giê-su.  Ông Gio-an còn thẳng thắn xác tín uy quyền của Người và nói ông “không đáng xách dép cho Người”.  Do đó, đám Pha-ri-sêu và Xa-đốc cần đến với Chúa và tin vào Người. 

Tại sao phải đến với Chúa và tin vào Người?  Vì chỉ nơi Chúa Giê-su mới có “lửa và Thánh Thần” giúp “rê sạch lúa trong sân” tâm hồn họ.  Chỉ có lửa và Thánh Thần mới có thể thu góp những “thóc mảy” của nhân đức vào kho lẫm tâm hồn họ và đốt đi những “thóc lép” của tội lỗi và thói hư tật xấu.  Đó là cách Chúa Giê-su làm phép rửa cho họ!  Được thanh tẩy như thế, họ sẽ “sinh hoa quả” thiêng liêng và tránh được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, tức tránh được lưỡi rìu đã đặt sát gốc cây!  Vấn đề của những người Pha-ri-sêu và Xa-đốc là họ không tin vào Chúa Giê-su và chấp nhận sứ mệnh cứu độ của Người.  Họ không muốn sửa đường dọn lối cho Chúa Giê-su đi vào tâm hồn họ, để Người giúp họ thay đổi.  Vì kiêu căng dựa vào căn tính “con cháu ông Áp-ra-ham”, họ từ chối hướng mặt về Chúa Giê-su và quay lưng bỏ lối sống giả hình của họ.  Hơn ai hết, họ mới thực sự là những người cần sám hối!

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Cái rìu đã đặt sát gốc cây!  Quả thực là một lời cảnh báo nghiêm túc và đáng sợ!  Đó không chỉ là lời cảnh báo của thánh Gio-an Tiền hô nói với nhóm Pha-ri-sêu và Xa-đốc ngày xưa, nhưng cũng là những lời hôm nay nói với chúng ta, những cây không sinh quả tốt để chứng tỏ lòng sám hối.  Chúng ta đã bước vào tuần thứ hai mùa Vọng và không còn mấy thời gian để thực thi sứ điệp “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.  Để thực thi sám hối, trước hết thánh Phao-lô dạy chúng ta phải xác tín lòng thương xót Chúa dành cho chúng ta, những người không phải là Do-thái (Rô-ma 15:9).  Nếu Chúa thương xót chúng ta thì chúng ta không còn ý do gì mà ngần ngại hoặc sợ hãi phải quay về với Chúa.  Tiếp đến, sứ điệp Tin Mừng dạy chúng ta hãy dẹp đi cái tính tự cao tự đại kiểu vỗ ngực ta đây là người Công giáo lâu đời, để hoàn toán tín thác vào Chúa Giê-su, “mầm non đâm ra từ gốc tổ Giê-sê” và đầy Thần Khí của Đức Chúa (I-sai-a 11:1-2).  Sau hết, chúng ta hãy để cho sự hiện diện của Chúa Giê-su trong cuộc sống làm công việc sàng sảy chúng ta, giúp chúng ta sinh hoa quả tốt, tức là cộng tác với ân sủng của Người để thực hiện một diễn trình thay đổi tâm hồn.  Công việc sửa đường dọn lối cho Chúa không thể xong trong nháy mắt, nhưng kéo dài suốt cuộc đời.  Không sao, có Chúa ở cùng, chúng ta sẽ làm được!

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A