LỄ GIÁNG SINH (Rạng Đông)

Mừng Chúa giáng sinh là mừng Đấng cứu độ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 62:11-12;  Tt 3:4-7;  Lc 2:15-20)

          Ba Thánh lễ mừng kính Chúa Giê-su giáng sinh là ba cách chiêm ngưỡng tuyệt vời về ý nghĩa Ngôi Lời xuống thế làm người phàm.  Với những dòng suy niệm này, chúng ta hãy nghe Phụng vụ Lời Chúa lễ Rạng Đông nói với chúng ta về Đấng cứu độ.  Đây là điều đã được ngôn sứ I-sai-a loan báo, ngài nói rằng Đấng cứu độ đang tới với dân Người (bài đọc 1).  Tuy nhiên để giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc cứu độ, thánh Phao-lô giải thích cứu độ là việc Thiên Chúa làm do tình yêu đầy lòng thương xót, vì thương xót, Chúa đã đến cứu thoát chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính (bài đọc 2).  Cuối cùng, bài Tin Mừng kể lại việc các người chăn chiên là những kẻ đầu tiên có diễm phúc được đón nhận Đấng cứu độ và chia sẻ tin mừng ơn cứu độ.

          Thực ra thì ngôn sứ I-sai-a loan báo ơn cứu độ đang tới.  Theo nghĩa tuyệt đối, ơn cứu độ chính là Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en.  Tuy nhiên sách Kinh Thánh bản 70 và bản Phổ thông lại hiểu ơn cứu độ mà ngôn sứ nói ở đây có nghĩa là Đấng cứu độ.  Do đó, bài đọc 1 hôm nay đã trích dẫn lời ngôn sứ theo ý nghĩa này.  Hoặc nói cách giản dị, ngôn sứ I-sai-a loan báo:  “Hãy nói với thiếu nữ Xi-on:  Kìa Đấng cứu độ ngươi đang tới”.  Nhưng Đấng cứu độ tới để làm gì?  Người sẽ thực hiện một cuộc thay đổi tận căn gốc, không những cho thành Giê-ru-sa-lem và dân thành, mà còn là cuộc thay đổi toàn thể nhân loại nữa.  Lời loan báo của ngôn sứ cho chúng ta thấy số phận mới:  Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là “cô gái đắt chồng” và “thành không bị bỏ”, còn cư dân Giê-ru-sa-lem thì được gọi là “dân thánh” và “những người được Đức Chúa cứu chuộc”.  Lời loan báo của ngôn sứ truyền đi “khắp cùng cõi đất” cũng là lời loan báo cho nhân loại mọi thời và mọi nơi.  Cho nên sứ mệnh của Đấng cứu độ đang tới là quy tụ tất cả chúng ta thành một dân thánh và một cộng đồng gồm những người được Thiên Chúa cứu chuộc.

          Nhưng bởi đâu mà Thiên Chúa đích thân tới cứu độ chúng ta?  Thánh Phao-lô trả lời:  “Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót”.  Lòng thương xót của Thiên Chúa là động lực chính để Người đến cứu độ chúng ta.  Chúng ta đã hoàn toàn bị tội lỗi và ma quỷ đánh bại, nên tự mình không thể làm gì để được phục hồi căn tính con cái Thiên Chúa.  Nhưng Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta, Người đã dùng “phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện” để đưa chúng ta từ thân phận kẻ tội lỗi về làm con cái Người.  Ở đây, thánh Phao-lô diễn tả việc cứu độ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Chúa Cha phác họa kế hoạch cứu độ;  Chúa Con thực hiện cuộc cứu độ bằng tất cả cuộc đời trần thế của Người, nhất là bằng cái chết khổ nhục trên thập giá;  và Chúa Thánh Thần tiếp nối công cuộc cứu độ ấy bằng sức mạnh đổi mới của Người, để giúp chúng ta mỗi ngày được “đồng hình đồng dạng” với Chúa Ki-tô.  Tóm lại, tất cả những gì Thiên Chúa Ba Ngôi làm để cứu độ chúng ta đều do động lực duy nhất là tình yêu đầy lòng thương xót của Người.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Mong mỏi của Đấng Cứu Độ khi tới là được tiếp đón.  Bài Tin Mừng đã cống hiến chúng ta một câu chuyện bất ngờ.  Thông thường một Đấng Cứu Độ như thế mà đến ắt người ta phải chuẩn bị đón rước tưng bừng.  Nhưng với Hài Nhi Giê-su lại khác hẳn.  Không phải là dân chúng hàng hàng lớp lớp với cờ quạt tung bay đi đón Người, nhưng chỉ có dăm ba người chăn chiên giữa cánh đồng hoang vu lạnh lẽo đã theo lời sứ thần loan báo mà tìm đến hang đá thờ lạy Thiên Chúa giáng trần.  Họ đại diện cho những người cùng khổ hoàn toàn cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.  Họ đến để “gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”.  Thánh sử Lu-ca không kể lại các người chăn chiên “gặp” Chúa như thế nào, nhưng chắc chắn không phải là cuộc gặp gỡ qua đường giống như gặp người xa lạ.  Nhất định cuộc gặp ấy đã biến đổi tâm hồn họ và để lại cho họ một cảm nghiệm sâu xa, đến nỗi họ đã trở thành những kẻ đầu tiên loan báo Tin Mừng cứu độ cho nhiều người khác được biết.  Như thế, bài Tin Mừng kể lại việc các người chăn chiên gặp Hài Nhi chính là một sứ điệp cho tất cả chúng ta:  giống như họ, chúng ta mừng Chúa ra đời cũng là đón mừng Đấng Cứu Độ vậy!

     Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A