CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN

Được chuẩn bị, sai đi để thi hành sứ mệnh

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 1:1-11;  Ep 1:17-23;  Mt 28:16-20)

          Trong mùa sinh viên ra trường, chúng ta chứng kiến những hình ảnh nhộn nhịp đượm chút lo lắng.  Tốt nghiệp sau những năm tháng vất vả học hành, các tân khoa cũng có phần lo âu làm sao kiếm được việc làm tốt.  Tâm trạng ấy giúp chúng ta hiểu được hoàn cảnh của các môn đệ Chúa trong ngày Người lên trời về cùng Chúa Cha.  Sau ba năm trời được đào tạo dạy dỗ dưới mái trường Giê-su Ki-tô để tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Người, giờ đây các tân khoa là các tông đồ và môn đệ Chúa được Người chính thức sai đi vào cánh đồng truyền giáo.  Quả thực Phụng vụ Lời Chúa đã mô tả ngày lễ Chúa lên trời không chỉ là kết thúc cuộc đời trần thế của Chúa, mà cũng là khởi đầu mới cho sứ mệnh của các môn đệ và Giáo Hội Người.

          Phần mở đầu sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Lu-ca kể lại sơ lược giai đoạn cuối chương trình đào tạo tông đồ truyền giáo.  Trong bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ để “nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”.  Chúng ta có thể tưởng tượng ra khung cảnh các ông chăm chỉ tham dự các lớp học quan trọng này và hết sức chú ý lắng nghe Chúa “nói chuyện”.  Chắc chắn các ông cũng có rất nhiều thắc mắc và câu hỏi cần được giải đáp.  Nhưng dù các ông có chú tâm học hỏi cách mấy thì vẫn chưa đủ, vì còn thiếu một yếu tố vô cùng quan trọng.  Đó chính là “sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em”.  Thánh Thần sẽ được sai đến, không phải để trao cho các môn đệ Chúa mảnh bằng tốt nghiệp, nhưng là để đổi mới tâm hồn họ và trang bị đầy đủ cho họ để được sai đi.  Thời gian chờ đợi Thánh Thần không còn bao lâu, chỉ mười ngày sau khi Chúa Giê-su về trời!

          Tuy thánh Lu-ca không ghi lại các chi tiết nội dung những cuộc “nói chuyện” của Chúa Giê-su với các tông đồ, nhưng thánh Phao-lô thì trình bày điểm cốt lõi của việc rao giảng Tin Mừng:  Phải rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô, bởi vì chỉ nơi Người chúng ta mới có “niềm hy vọng nhờ ơn Người kêu gọi, gia nghiệp vinh quang nhờ được chia sẻ cùng dân thánh, và quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep 1:19).  Đó là tất cả những gì Chúa Giê-su đã mang lại cho chúng ta sau khi Người chiến thắng tội lỗi và sự chết.  Câu chuyện “Nước Thiên Chúa” mà Chúa Giê-su đã từng rao giảng và nhất là nói chuyện với các tông đồ sau khi phục sinh bao gồm những điểm cốt yếu kể trên.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su là đặt nền móng vững chắc cho tương lai của chúng ta.  Tương lai ấy phải là kết quả của việc sống niềm hy vọng và chiếm hữu được gia nghiệp vinh quang.  Cuộc đời trần thế của chúng ta không còn vô nghĩa vô định như nhiều người tưởng nữa, nhưng đã có một hy vọng chắc chắn và một số phận hạnh phúc.  Chắc chắn vì Chúa Giê-su đã sống lại khải hoàn, và hạnh phúc vì được cùng với Người thừa kế gia nghiệp đời đời Chúa Cha dành cho Người và những ai tin vào Người.  Tương lai tốt đẹp ấy chúng ta sẽ có được, không phải do cố gắng của riêng chúng ta, nhưng là do “quyền lực vô cùng lớn lao Chúa đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu”.  Dĩ nhiên cũng có phần đóng góp của chúng ta, nhưng phần chính vẫn là do quyền lực của tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa biểu lộ qua Chúa Giê-su Ki-tô.

          Rõ ràng việc đào tạo tông đồ truyền giáo đây không phải là trình bày mớ kiến thức thần học cao siêu, mà là giúp người ta phát triển đức tin vào Chúa Ki-tô và sứ mệnh của Người.  Các môn đệ Chúa được sai đi để công bố cho người ta biết:  “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”, Thầy đã đến để nói với nhân loại những lời ban sự sống, để chia sẻ một lối sống mới trong Thánh Thần, nhất là lối sống yêu thương.  Sứ mệnh của tông đồ truyền giáo là chia sẻ đức tin ấy với mọi người ở khắp nơi và mọi thời, như mệnh lệnh Chúa ban trước khi Người lên trời:  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bước vào mái trường đào tạo của Người là nơi đức tin chúng ta sẽ được phát triển.  Nhưng muốn giúp người khác “tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”, chúng ta phải học hỏi, lắng nghe và tuân giữ trước, thì mới có thể chia sẻ với người khác những gì ta có.  Mong mọi người tốt nghiệp và làm việc truyền giáo tốt!

       Lm Đa-minh Trần đình Nhi