CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su Là Bộ Luật Sống Của Chúng Ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Hc 15:15-20;  1 Cr 2:6-10;  Mt 5:17-37)

          Lề luật là phương tiện giúp chúng ta làm đúng và sống tốt, chứ không phải là cùng đích.  Một khi người ta quá câu nệ vào lề luật thì việc tuân thủ lề luật sẽ trở thành gánh nặng.  Thiên Chúa là Đấng ban Lề Luật cho chúng ta qua việc Người phán dạy.  Thư gửi tín hữu Do-thái khẳng định điều này:  Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Do-thái 1:1-2).  Những điều Chúa phán dạy, tức Lề luật của Chúa được ghi chép lại trong Sách Luật và Các Ngôn sứ, trình bày “lẽ khôn ngoan” của Người.  Nhưng Thiên Chúa lại ban cho chúng ta một lẽ khôn ngoan bằng xương bằng thịt là Chúa Giê-su Ki-tô, để làm sinh động bộ luật đã được ghi trên bia đá hay trong sách vở.  Ngày xưa người ta sống theo Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ.  Còn “vào thời sau hết này”, chúng ta sống theo Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người.  Đó là điều Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày.

          Chúng ta có hai giao ước, cũ và mới.  Chúng ta cũng có hai bộ luật, Luật Mô-sê và Luật của Chúa Giê-su.  Giao ước cũ không bị bãi bỏ, nhưng vẫn là nền tảng để Thiên Chúa thiết lập giao ước mới.  Cũng vậy, luật cũ tuy vẫn được duy trì, nhưng luật mới được ban hành là để bổ túc và kiện toàn cho luật cũ trong cách giải thích và thực hành.  Chính trong ý nghĩa đó mà Chúa Giê-su đã tuyên bố:  “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.  Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. 

          Thánh Phao-lô, khi suy tư về sự ưu việt của Chúa Giê-su (Luật Mới) vượt trên ông Mô-sê (Luật cũ), đã gọi Chúa Giê-su là “lẽ khôn ngoan” của Thiên Chúa:  “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”.  Nhận định này cũng đã được sách Huấn ca nói lên từ trước:  “Vị trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao… Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người”.  Như vậy sách Huấn ca và thư 1 Cô-rin-tô mời gọi chúng ta hãy lắng nghe lời giảng của Chúa Giê-su nói về vai trò ban Lề Luật của Người:  “Anh em đã nghe luật dạy người xưa.  Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Bài Tin Mừng hôm nay đan cử một vài thí dụ về lời dạy trích từ bộ luật sống là Chúa Giê-su.  Trước hết về luật giết người.  Luật xưa chú trọng đến việc giết thân xác;  nhưng luật của Chúa Giê-su còn nhấn mạnh đến cách giết vô hình, tức giết bằng sự giận dữ, mắng chửi người khác nữa.  Về hận thù:  luật xưa nói đến việc đem nhau ra tòa để tìm sự công bằng;  còn luật của Chúa Giê-su khuyên chúng ta hãy làm hòa với nhau trước khi làm việc thờ phượng đạo đức, chứng tỏ việc làm hòa còn cần thiết và cao trọng hơn cả việc đi nhà thờ, đọc kinh xem lễ!  Về việc ngoại tình:  luật xưa đề cập tới hành vi ngoại tình, hễ bị bắt quả tang là bị ném đá đến chết;  còn luật mới nói đến cả thứ tội thèm muốn trong tâm hồn nữa, không những phải tránh tội mà còn phải tránh cả dịp gây nên tội nữa.  Dĩ nhiên chúng ta còn gặp thấy rất nhiều cách trình bày mới mẻ khác của Đấng đã nghiêm túc phán rằng:  “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”  Như thế là chúng ta hiểu được phần nào cách Chúa Giê-su đã “kiện toàn” Luật Mô-sê thế nào rồi!  Kiện toàn qua cách chú trọng tới tận gốc rễ sâu xa của vấn đề.  Kiện toàn bằng cách nhấn mạnh đến tinh thần của việc tuân thủ lề luật, để lề luật không phải là cứu cánh, nhưng là phương tiện giúp chúng ta nên trọn lành.  Quan trọng nhất, đó là kiện toàn trong cách sống lề luật, để lề luật giúp chúng ta chiếu tỏa căn tính đích thực của những người con Chúa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Hôm nay chúng ta đã nghe lời sách Huấn ca dạy:  “Thiên Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội”.  Nghĩa là Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy sống lề luật để “nên thiện hảo như Cha anh em trên trời là Đấng thiện hảo”. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được điều nói trên?  Đơn giản thôi.  Chúng ta hãy tìm “lẽ khôn ngoan” của Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô.  Trong trường học Giê-su, chúng ta sẽ gặp được “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới…”  Chúng ta hãy lắng nghe và thực hành tất cả những điều mà “Thầy bảo cho anh em biết” sẽ dạy dỗ chúng ta!

 

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A