CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Thiên Chúa hiện diện qua Đức Ki-tô

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 V 19:9a, 11-13a;  Rm 9:1-5;  Mt 14:22-33)

          Những năm đầu học ở tiểu chủng viện, trong nhà hội chung trước mặt chúng tôi là hàng chữ thật lớn:  “Đức Chúa Trời đang ngự trước mặt con”.  Ngày nào dòng chữ ấy cũng nhắc nhở chúng tôi về sự hiện diện của Chúa;  nhưng còn bé nên chúng tôi đã không mấy thắc mắc Chúa hiện diện thế nào.  Sau hơn sáu mươi năm, hôm nay nhờ Phụng vụ Lời Chúa, tôi mới hiểu phần nào về sự hiện diện của Chúa.  Chúa Nhật trước, Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa phán dạy nhân loại qua Đức Ki-tô và Người kêu gọi chúng ta hãy vâng nghe Đức Ki-tô.  Hôm nay Người cho biết Người hiện diện qua Đức Ki-tô và mời gọi chúng ta hãy tin vào Đức Ki-tô.

          Trước hết, chúng ta hãy nghe tác giả sách 1 Vua trong Cựu Ước kể lại cảm nghiệm của ngôn sứ Ê-li-a về sự hiện diện của Thiên Chúa.  Ngôn sứ Ê-li-a bị hoàng hậu I-de-ven lùng bắt nên ngài phải trốn chạy tới núi Khô-rép.  Trong hoàn cảnh tột cùng khó khăn, ngôn sứ cần đến sự hiện diện che chở của Thiên Chúa.  Khô-rép là “núi của Đức Chúa” thì việc đi tìm sự hiện diện của Người cũng là hợp lý. Quả thực Chúa tỏ mình ra cho ngôn sứ, nhưng không giống như cách Người thần hiện trên núi trước mặt dân Ít-ra-en giữa sa mạc và trong cảnh “bão lớn xẻ núi non, động đất hoặc lửa hồng”.  Người đến với Ê-li-a như “tiếng gió hiu hiu”, phù hợp với tâm tình ủi an nâng đỡ vị ngôn sứ đang cần nơi nương tựa.  Đây đích thực là sự hiện diện của một vì Thiên Chúa đầy tình yêu và lòng thương xót, đoái trông đến thân phận cô đơn của người con cái bị bách hại.

          Tiếp đến là qua đoạn thư gửi tín hữu Rô-ma, cũng trong tâm trạng “ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi”, thánh Phao-lô chia sẻ cảm nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa.  Đối với ngài, Thiên Chúa hiện diện qua hành động của Người trong lịch sử Ít-ra-en và nhất là qua kế hoạch cứu độ do Đức Giê-su Ki-tô thực hiện.  Với Ít-ra-en, Thiên Chúa hiện diện giữa họ qua việc “nhận họ làm con, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa”.  Tột đỉnh sự hiện diện của Thiên Chúa là Người sai Con Một là Đức Ki-tô đến để chia sẻ “cùng một nòi giống với họ”.  Riêng với thánh Phao-lô, sự hiện diện của Thiên Chúa qua  Đức Ki-tô là nguồn an ủi và nâng đỡ ngài thắng vượt ưu phiền và đau khổ vì sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.

          Đức Ki-tô “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.  Người được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.  Thiên Chúa trở nên giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.  Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại Chúa Giê-su, một Thiên Chúa “lên núi một mình mà cầu nguyện”, một Thiên Chúa “đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” ở trên thuyền bị sóng đánh vì ngược gió.  Các môn đệ này đang phải cố gắng chèo chống và cần đến sự hiện diện của Chúa Giê-su.  Thì đây, Chúa Giê-su xuất hiện trên mặt nước.  Ông Phê-rô muốn “trắc nghiệm” sự hiện diện của Người, nên xin Chúa cho mình cũng được đi trên mặt nước mà đến với Người.  Rồi ông nghi ngờ sự hiện diện của Chúa, nên ông “đâm sợ và bắt đầu chìm”!  Chúa dịu dàng trách ông kém lòng tin, rồi củng cố đức tin của ông bằng cách “đưa tay nắm lấy tay ông”.  Sau cùng, thấy gió lặng biển êm, các môn đệ bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.  Sự hiện diện của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô vừa mang vẻ toàn năng cao cả của Thiên Chúa chí tôn, vừa chứa đựng một tình yêu ấm áp và sống động của loài người.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Có một điều chúng ta gặp thấy trong cả ba trường hợp, đó là Chúa hiện diện ngay trong hoàn cảnh con người đang gặp gian nan thử thách và đau khổ.  Ngôn sứ Ê-li-a thì bị bách hại;   thánh Phao-lô thì ưu phiền và đau khổ;  các môn đệ Chúa Giê-su thì đang vất vả đối phó với sóng gió.  Tuy nhiên tất cả đều đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và được Người an ủi vỗ về.  Nói người lại nghĩ đến ta!  Chúng ta tất cả không tránh khỏi những thử thách và đau khổ trong cuộc sống trần gian này.  Điều quan trọng là chúng ta có ý thức sự hiện diện của Chúa ngay trong cuộc đời mình hay không?  Chúng ta mang hình ảnh Người, được hồng ân gọi Người là “Áp-ba, Cha ơi!”, làm em Chúa Ki-tô là trưởng tử nhân loại mới, và nên đền thờ Chúa Thánh Thần.  Thế là ta được đầy tràn sự hiện diện của Chúa rồi!                 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm A