CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Chúa Giê-su đến để thực hiện cuộc tạo dựng mới

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 35:1-6a, 10; Gc 5:7-10; Mt 11:2-11)

          Bất cứ sự thay đổi nào từ xấu trở thành tốt đều được hân hoan đón nhận và đem lại cho chúng ta niềm vui.  Sự thay đổi càng lớn lao thì người tạo nên sự thay đổi càng đáng khâm phục.  Nếu thế, chúng ta phải nói sao đây về cuộc thay đổi toàn thể vũ trụ và nhân loại mà Chúa Giê-su Ki-tô đã được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện một cuộc Tạo dựng Mới?  Bài trích sách I-sai-a cho chúng ta thấy ngôn sứ trình bày một bức họa về cuộc thay đổi hoặc Tạo dựng Mới.  Cuộc thay đổi vĩ đại này đã thực sự khởi đầu khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ.  Lời giảng và các phép lạ Người làm là những dấu chỉ cho thấy Người là “Đấng phải đến” để tái thiết mọi sự. Trong đoạn thư được dùng làm bài đọc Tân Ước hôm nay, thánh Gia-cô-bê cũng khẳng định thời điểm hoàn tất cuộc Tạo dựng Mới là ngày Chúa quang lâm, tức ngày Chúa Giê-su trở lại để phán xét muôn loài.  Như vậy, mùa Vọng chính là thời gian để chúng ta suy niệm về ý nghĩa của việc Chúa Giê-su đến trần gian.

          Trong lịch sử Ít-ra-en đã bao lần đất nước bị ngoại bang đánh phá, thậm chí còn bị chiếm đóng và dân chúng bị bắt đi lưu đày.  Thiên Chúa đã can thiệp bằng cách cho xuất hiện những vị anh hùng liệt nữ cứu dân khỏi nguy hiểm hoặc khỏi bị làm nô lệ.  Trong bài đọc 1 hôm nay, ngôn sứ I-sai-a loan báo rằng chính Thiên Chúa sẽ đích thân đến cứu đất nước và dân Ít-ra-en.  Thiên Chúa không chỉ đến để biến đổi đất nước, mà còn làm thay đổi cả tâm hồn người ta nữa.  Sa mạc, đồng khô cỏ cháy, đất hoang, tất cả sẽ được thay thế bằng một khung cảnh xinh tươi với bông hoa rực rỡ và với vẻ huy hoàng của những ngọn núi cao hay đồng bằng phì nhiêu.  Nhưng quan trọng hơn, đó là Thiên Chúa đến để cứu dân Người thoát khỏi cảnh lưu đày.  Bàn tay rã rời sẽ trở nên mạnh mẽ.  Đầu gối bủn rủn sẽ vững vàng.  Người mù trông thấy và kẻ điếc nghe được.  Người què sẽ nhảy nhót và kẻ câm sẽ lên tiếng reo hò.  Đoàn người trở về từ kiếp lưu đày đang tiến lên Giê-ru-sa-lem để tái thiết xứ sở, dựng lại Đền Thờ.  Đó là hình ảnh cuộc tái thiết Chúa thực hiện cho Ít-ra-en.  Tuy nhiên, qua hình ảnh này ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta thấy một cuộc tái thiết khác, tức là việc thực hiện kế hoạch cứu độ do Chúa Giê-su Con Thiên Chúa.  Không chỉ là đất nước Ít-ra-en xinh tươi và dân chúng hạnh phúc, mà là “Nước Thiên Chúa” dành cho toàn thể nhân loại và được thiết lập trên nền móng tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.

          Nhưng viễn tượng ngôn sứ I-sai-a vừa nói đến ở trên khi nào mới được thực hiện?  Nói khác đi, bao giờ Đấng thực hiện giấc mơ ấy của Thiên Chúa mới đến?  Đâu là những dấu chỉ cho thấy Đấng ấy đến trần gian?  Đó là niềm thao thức của ông Gio-an Tẩy Giả và cũng là của hết thảy chúng ta.  Chúa Giê-su đã trả lời cho ông Gio-an, các môn đệ ông và cả chúng ta nữa, rằng đây là những dấu chỉ:  “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.  Chúa Giê-su nói cho chúng ta về hình ảnh Nước Thiên Chúa là như thế.  Rồi Người đề cập đến sự cao trọng của ông Gio-an hơn hết mọi người.  Nhưng Chúa lại đưa chúng ta đến một sự bất ngờ:  “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.  Người đến để đem lại cho chúng ta một hồng ân quý giá hơn hết mọi sự và Người dành cho chúng ta vinh dự được làm phần tử của Nước Trời, một chức phận còn hơn cả ông Gio-an Tẩy Giả nữa!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Trước sự nôn nao chờ đợi Chúa đến trong dịp mừng lễ Giáng Sinh, chờ đợi Chúa đến đổi mới đời sống chúng ta, hoặc Chúa đến vào giờ chết của chúng ta, thánh Gia-cô-bê tông đồ đã cho chúng ta lời khuyên thiết thực:  “Anh em hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới”.  Ngài cũng nhắc đến tấm gương kiên nhẫn và bền tâm vững chí của các vị ngôn sứ ngày xưa.  Các vị ấy kêu gọi người ta sám hối hơn là chỉ nói đến sự trừng phạt của Thiên Chúa.  Các vị rao giảng cho người ta tin vào lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa.  Vì thế, thái độ cần thiết đang khi ta chờ đợi Chúa là “đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau”, nghĩa là hãy cố gắng sống bác ái, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.  Chúa Giê-su, “Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa”, sẽ vui mừng thấy chúng ta sẵn sàng đón Người!

     Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A