CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Lời kêu gọi mùa Chay:  canh tân trong Chúa Ki-tô

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 12:1-4a;  2 Tm 18b-10;  Mt 17:1-9)

          Mùa Chay là “thời Thiên Chúa thi ân và ngày Thiên Chúa cứu độ”, theo như bài đọc 2 lễ Tro trích thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma (Rm 6:2).  Vì thế Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày ơn cứu độ như một kế hoạch phục hồi ân sủng loài người đã đánh mất và mời gọi chúng ta hãy đáp lại ân sủng của Chúa.  Từ sau khi tổ tông loài người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đặt ra một kế hoạch để đưa họ trở về với Người.  Người hứa ban cho nhân loại Đấng Cứu Độ, khi tuyên án con rắn quỷ quyệt đã đem tội lỗi vào công cuộc tạo dựng:  Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3:15).  Thiên Chúa thực hiện lời hứa qua lịch sử dân Ít-ra-en.  Bài trích sách Sáng Thế kể lại việc Chúa kêu gọi ông Áp-ra-ham làm tổ phụ dân Chúa để chuẩn bị thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại (bài đọc 1).  Khi “thời gian tới hồi viên mãn”, Thiên Chúa sai Con Một đến trần gian để bắt đầu cuộc tạo dựng mới mà tột đỉnh là Chúa Ki-tô hiển dung (bài Tin Mừng).  Nhưng Thiên Chúa cũng muốn ta tham gia vào cuộc đổi mới trần gian khi Người “kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người” (bài đọc 2).

          1.  Thiên Chúa chuẩn bị kế hoạch ân sủng để cứu độ chúng ta.  Chúng ta không hiểu nổi kế hoạch của Thiên Chúa.  Thời gian của Chúa là cơ hội (kairos), chứ không tính toán bằng ngày tháng (chronos) của loài người.  Chỉ khi nhìn lại lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ, chúng ta mới thấy được ý định nhiệm mầu của Chúa.  Từ buổi tạo dựng vũ trụ và con người, mặc dù có lời hứa cứu độ, ta vẫn không biết được thời gian trải qua đã bao lâu.  Nhưng khi tới thời gian của Thiên Chúa, Người bắt tay vào việc thực hiện lời hứa.  Vì muốn sai Con Một đến trần gian, Thiên Chúa chuẩn bị cho Con mình một chỗ đứng giữa loài người, xuất thân từ một dân tộc và một gia đình.  Cuộc tạo dựng mới khởi sự từ một con người hoàn hảo là Đức Ki-tô thay thế con người đã sa ngã là A-đam.  Vì thế Ngôi Lời, “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, cần có một nơi để “dựng lều ở lại giữa chúng ta”.  Đó là lý do Thiên Chúa muốn lập một dân riêng gồm những người đặt trọn niềm tin vào Người.  Người kêu gọi Áp-ram và con người này phải tin vào Người.  Căn cứ vào niềm tin ấy, Thiên Chúa sẽ thực hiện kế hoạch của mình, là thay đổi thân phận loài người từ những kẻ tội lỗi thành công chính và từ những kẻ thù trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.  Áp-ram được đổi tên thành Áp-ra-ham, sẽ là cha của đức tin và manh nha cho một nhân loại mới.  Được Chúa kêu gọi, “ông Áp-ra-ham ra đi” trong một hành trình đức tin tới miền đất Người sẽ chỉ cho ông.  Không biết điểm tới là đâu, ông chỉ biết hoàn toàn phó thác số phận trong đức tin vào Chúa.  Từ nay, đức tin sẽ biến đổi con người Áp-ra-ham để trở thành tổ phụ Ít-ra-en dân Chúa.  Qua dân tộc này, ân sủng cứu độ của Thiên Chúa sẽ biến đổi toàn thể nhân loại.

          2.  Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ trong Đức Ki-tô.  Theo các sách Tin Mừng, trước khi Chúa Giê-su lên đường thi hành sứ vụ, mọi sự trên trần gian dường như giậm chân tại chỗ.  Mấy chục năm Chúa sống thầm lặng tại Na-da-rét chỉ là “để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét” (Mt 2:23).  Mà Na-da-rét thì có gì là hay được! (Ga 1:23).  Rồi khi Chúa bắt đầu rao giảng, tiếng đồn về Người lan khắp nơi, dân chúng kéo đến với Người để nghe giảng và được chữa lành.  Người ta thán phục Người và có lần họ còn muốn tôn Người làm vua Ít-ra-en để thay đổi và cứu nước trị dân.  Tuy nhiên, vương quốc Người không thuộc về thế gian này.  Cuộc thay đổi Người chủ trương là thay đổi tâm hồn, vì ngay từ đầu Người đã rao giảng:  Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.  Người muốn cứu linh hồn người ta khỏi làm nô lệ cho tội lỗichứ không phải khỏi ách nô lệ Rô-ma.  Cuối cùng, để chiến thắng tội lỗi, Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá và nhờ cái chết của Người, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa và trở nên con cái Thiên Chúa.  Với thân phận con cái Chúa, chúng ta có đủ điều kiện để tiếp tục sống danh phận ấy nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.  Sau khi được tái sinh nhờ bí tích rửa tội, nếu chúng ta kiên trì thay đổi mỗi ngày để phát triển “con người mới” này, ta sẽ đạt tới mức viên mãn như Chúa Ki-tô, tức là được cứu độ.  Tới đây, chúng ta có thể hiểu thêm được một ý nghĩa nữa về cuộc hiển dung của Chúa Giê-su trên núi.  Dĩ nhiên mục đích của cuộc hiển dung là để nâng đỡ tinh thần suy sụp của các môn đệ, để làm sáng tỏ vai trò Đấng Ki-tô của Người, nhưng cũng là để chúng ta nhận ra Chúa Giê-su, “Con yêu dấu của Thiên Chúa” là gương mẫu về sự viên mãn cho chúng ta.  Khởi đầu sứ vụ, Chúa Cha đã giới thiệu Chúa Giê-su là “Con yêu dấu của Ta”.  Gần cuối sứ vụ, Chúa Cha lập lại một lần nữa:  “Đây là Con yêu dấu của Ta”.  Cuối cùng, trước khi tắt thở trên thập giá, người Con yêu dấu ấy kêu lên:  Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:45).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Nếu chúng ta cộng tác với Chúa Thánh Thần để sống ơn gọi làm con cái Thiên Chúa là chúng ta đáp lại kế hoạch và ân sủng của Thiên Chúa, như thánh Phao-lô nhắn nhủ.  Để thực hiện điều này, chúng ta có một cách duy nhất là mỗi ngày một trở nên giống Chúa Ki-tô hơn!

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A