Lễ Các Thánh

 

Kính chào anh chị em trong Chúa Kitô đến mừng lễ kính nhớ Các Thánh Nam Nữ hôm nay.

 

Lễ Các Thánh đã được thiết lập tại Giáo hội Đông phương trong thế kỷ IV để tưởng nhớ các vị tử đạo của Giáo hội sơ khai. Dần dần, Lễ đã mở rộng, bao gồm cả những vị không phải là tử đạo. Như vậy, người ta có thể nói rằng mục đích của Lễ này trong Giáo Hội Công giáo là để tưởng nhớ tất cả anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô, những người chúng ta biết hoặc không biết, đang hưởng vinh quang muôn đời.

 

Lễ này cũng có mục đích giúp chúng ta ý thức phải trở nên thánh. Lễ nhắc nhở chúng ta rằng nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta hãy luôn cố gắng để được thánh hóa do quyền năng Chúa Thánh Thần trong Thánh Danh Chúa Giêsu.

 

Trong Thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma, chúng ta “được mời gọi nên thánh”. (Rm 1: 7). Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rinh-tô, ngài nhắc rằng “những người được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, (họ) được kêu gọi làm dân thánh…” (1 Cr 1: 2). Trong nhiều đoạn khác của Tân Ước, không những chúng ta được mời gọi nên thánh, mà còn là các vị thánh nữa (2 Cr. 1: 1; Ep 1: 1; Cl 1: 2, 4, 12).

 

Tại sao như thế? Đó là vì khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tháp nhập vào Thân thể Chúa Kitô. Lúc ấy, được tẩy sạch mọi dấu vết của tội nguyên tổ và những tội đã phạm trước khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên "như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô" (1Pr 2: 5).

 

Trong nỗ lực nên thánh, chúng ta phải hằng luôn trông cậy vào sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, chính Ngài chỉ dạy và nhắc nhở chúng ta về tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói (Jn. 14: 26). Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện. "(Ngài) giúp chúng ta là những kẻ yếu hèn; vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rom. 8: 26-27).

 

Trước nhất và hơn hết, đó là được liên kết với Thân thể Chúa Kitô qua Bí tích Rửa tội, chúng ta sẽ lãnh nhận Bí tích Thêm sức “để gia tăng và đào sâu ân sủng Bí tích Rửa tội; làm cho chúng ta đâm rễ sâu hơn trong tình con Thiên Chúa giúp chúng ta kêu lên," Abba! Cha ơi!" (Rm 8: 15); để liên kết chúng ta bền chặt hơn với Chúa Kitô; để gia tăng các ân sủng của Chúa Thánh Thần trong chúng ta; làm cho mối liên kết của chúng ta với Giáo hội trở nên hoàn hảo hơn (LG 11); để chúng ta có được sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần hầu truyền bá và bảo vệ đức tin bằng lời nói và hành động như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa, và không bao giờ xấu hổ trước Thập giá (Công đồng Florence (1439) DS 1319; LG 11; 12.) (CCC # 1303).

 

Với sự khôn ngoan được soi dẫn, Thánh Phao-lô nhận thức rằng một trong những bổn phận của các thánh là phục vụ các vị thánh khác (Rm. 12: 13, 15: 15-6; 1Cr 16, 1; 2Cor. 8: 4, 9: 1; Dt 6: 10). Bằng gương sáng và lời nói, ngài khẳng định bổn phận này trong các thư của ngài.

 

Phục vụ các vị thánh khác có nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho người khác. Nhiều tín hữu liên kết từ "rao giảng Tin Mừng" với "việc giảng dạy".  Như vậy, họ kết luận rằng chỉ người giảng dạy mới có thể rao giảng Tin Mừng, và việc bảo vệ đức tin chỉ dành cho các người giảng dạy. Đó là kết luận sai lạc, là kết luận cổ võ thái độ lần lữa, tính lười biếng và là kết luận không nhìn nhận nơi những vị thánh khác quyền được dưỡng nuôi nhờ của ăn thiêng liêng. Chối bỏ nghĩa vụ truyền bá và bảo vệ đức tin thì đồng nghĩa với việc làm hổ Danh Cực Trọng Chúa Giêsu. Thái độ như vậy chỉ có thể dẫn đến cái chết thiêng liêng mà thôi.

 

Cha mẹ được mời gọi để rao giảng Tin Mừng cho con cái mình. Vợ chồng được kêu gọi để rao giảng Tin Mừng cho nhau. Kitô hữu đích thực được kêu gọi rao giảng Tin Mừng cho gia đình, bạn bè, tại nơi làm việc và tại bất cứ nơi nào Thiên Chúa tạo cơ hội cho họ truyền bá Phúc Âm và bảo vệ đức tin.

 

Chúa Thánh Thần đã ban cho mỗi người chúng ta những ân sủng thiêng liêng. "Những ân sủng mà Ngài ban là một số sẽ ... làm người loan báo tin mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô" (Ep 4: 12).

 

Xem lại Bài đọc I hôm nay trích Sách Khải huyền (Kh 7: 2-4, 9-14), chúng ta nghe nói rằng "có một đoàn người đông đảo không ai đếm được, từ mọi quốc gia, từ mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ, đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế, họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta”. Đây là những vị tử đạo, "những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên (Kh 7:14). Đây là các vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay.

 

Bài đọc thứ hai trích thư thứ nhất của Thánh Gioan (1Ga. 3: 1-3) nhắc nhở chúng ta về tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn chúng ta làm con cái Người. Trong cuộc nên thánh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta đang được biến đổi nên giống Chúa Kitô. "Nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3: 2).

 

Bởi chúng ta đang được biến đổi nên giống Chúa Kitô, nên người đời không biết và không thể nhận biết chúng ta. Vì thế gian tìm kiếm danh vọng, thú vui, của cải, nên họ không biết Chúa Giêsu. không nhận biết Chúa Giêsu, nên họ không hiểu được tình yêu chúng ta dành cho người khác, cũng như hoa trái Chúa Thánh Thần chiếu tỏa qua chúng ta. Đối với họ, chúng ta là những tạo vật "kỳ quặc".

 

Khi bị người đời từ chối, chúng ta nên "vui mừng, vì phần thưởng của chúng ta rất lớn trong Nước Trời" (Mt. 5: 12). Nước Thiên Chúa không thuộc về người giàu mà là của người tinh thần nghèo khó. Nước Thiên Chúa không thuộc về những kẻ bách hại người khác, nhưng là của những người đói khát sự công chính. Nước Thiên Chúa không thuộc về những người suốt ngày tiệc tùng hay những người không có thời gian dành cho người nghèo, người góa bụa hay trẻ mồ côi. Trái lại, Nước Thiên Chúa thuộc về những người đang than khóc. Nước Thiên Chúa không thuộc về những kẻ luôn nuôi dưỡng tâm trí bằng tội lỗi dục vọng, nhưng  Nước Thiên Chúa dành cho ai có lòng trong sạch.

 

Khi tiếp tục cử hành Thánh Lễ, chúng ta hãy nhớ rằng Nước Thiên Chúa thuộc về những ai vác thập giá, những ai kiên trì trong đức tin sống động, những ai biết nhìn vào Chúa Giêsu. "Và cầu xin Người củng cố tâm hồn chúng ta trong sự thanh khiết để chúng ta có thể không bị chê trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta khi Chúa Giêsu đến cùng với tất cả các thánh của Ngài" (1Tx. 3: 13; 2Ts. 1: 10).

 

 

Nguồn: https://www.catholicdoors.com/homilies/2020/201101.htm

 

Chuyển ngữ: GB. Đào Ngọc Điệp


Suy Niệm Lời Chúa Năm A