LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 42:1-4, 6-7; Cv 10:34-38;  Mt 3:13-17)

          Giáo Hội cử hành việc Chúa tỏ mình ra qua ba sự kiện:  các đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi, Chúa Giê-su chịu phép rửa và Chúa Giê-su làm phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na.  Trong bài đọc 2 và bài Tin Mừng, Thiên Chúa đóng vai giới thiệu Con Một Người với nhân loại.  Người tỏ cho chúng ta biết Chúa Giê-su là “người tôi trung sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân và đức công chính của Thiên Chúa”.  Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an, Chúa Cha ân cần tôn vinh Chúa Giê-su là “Con yêu dấu” của Người, để nêu gương cho tất cả chúng ta là những kẻ được người Con ấy phục hồi cho chức phận làm con cái Thiên Chúa.  Riêng với thánh Phê-rô, trên cương vị là tông đồ đầu tiên rao giảng ơn cứu độ cho dân ngoại, ngài đã giới thiệu cho họ biết về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su Ki-tô.

          Vậy trước hết, qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa Cha đã nói gì về Con của Người?  Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc ngay rằng tại sao Chúa Giê-su được giới thiệu như “người tôi trung” thay vì là Ngôi Hai Nhập Thể, là Ngôi Lời hoặc Con Một Thiên Chúa.  Người tôi trung này là người được Thiên Chúa “tuyển chọn và hết lòng yêu mến”.  Như vậy rõ ràng đoạn sách ngôn sứ I-sai-a ở đây muốn khẳng định rằng, mặc dù là Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã mặc lấy thân phận con người chúng ta.  Theo kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa sai Con Một xuống trần gian để làm một người “khuôn mẫu” cho mọi người theo đó mà sống.  Khuôn mẫu này được ngôn sứ I-sai-a mô tả bằng những nét độc đáo phản ánh những đức tính của Thiên Chúa.  Thí dụ:  người tôi tớ này sẽ biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, vì “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi”;  hoặc người sẽ trung thành phục vụ Thiên Chúa, vì người “không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu”.  Cũng vì đức trung thành và khiêm nhường phục vụ ấy, Thiên Chúa đã trao cho người tôi trung sứ mệnh cao cả là “làm sáng tỏ đức công chính” của Người, nghĩa là giúp cho mọi người biết rằng công cuộc Thiên Chúa cứu độ đã thực sự khởi đầu.  Để đóng ấn cho việc cứu độ này, Thiên Chúa đã đặt người tôi trung là Con Một Người làm “giao ước với dân Người”, một giao ước bằng xương bằng thịt.  Cao điểm của giao ước mới này được thể hiện bằng Máu Chúa Ki-tô đổ ra trên thập giá.

          Qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa sai tôi tớ trung thành của Người là Chúa Giê-su đến thế gian để khởi đầu sứ mệnh thiết lập Triều Đại cứu độ.  Tuy nhiên nghi thức khởi đầu này lại được cử hành trong một khung cảnh tuy giản dị nhưng vô cùng long trọng, đó là khung cảnh Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an tại sông Gio-đan.  Người tôi trung đã được I-sai-a nói đến giờ đây đang có mặt tại bờ sông Gio-đan.  Chúa Giê-su đến trong thái độ khiêm nhường, vì mặc dù Người không có tội nhưng vẫn sẵn sàng mặc lấy thân phận tội lỗi của chúng ta.  Khi Gio-an ngần ngại không muốn làm phép rửa cho Người thì Người khuyên ông:  Không sao! Chúng ta đang là những người thi hành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cho nên anh “cứ làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, để anh tiếp tục sứ vụ của anh và tôi bắt đầu sứ vụ của tôi.  Chúng ta cùng nhau giúp cho đức công chính của Thiên Chúa thể hiện và giúp nhân loại đón nhận và thực hành sám hối, vì Nước Trời đã đến rồi.  Đó là khung cảnh chuẩn bị cho hai nhân vật chính là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần xuất hiện.  “Các tầng trời mở ra…, Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người (Chúa Giê-su).  Và có tiếng từ trời phán rằng:  ‘Đây là Con yêu dấu của Ta.  Ta hài lòng về Người’”.  Quả thực là một cuộc thần hiện có một không hai, vì tất cả ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng tỏ mình ra cho nhân loại!  Mục đích duy nhất của sự xuất hiện cả ba Ngôi Thiên Chúa là để chính thức giới thiệu người Con Yêu Dấu là Chúa Giê-su trước khi Người lên đường thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Lời giới thiệu tuy ngắn gọn, nhưng chứa đầy ý nghĩa sâu xa.  Chỉ cần một tĩnh từ “yêu dấu” đã đủ diễn tả con người Đức Giê-su!  Chỉ cần một biểu lộ tình cảm “hài lòng” đủ cho thấy sự tin tưởng Chúa Cha đặt nơi Chúa Giê-su!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Hôm nay thánh Phê-rô dạy chúng ta đón nhận Chúa Giê-su như ngài đã dạy ông đại đội trưởng Co-nê-li-ô và gia đình ông.  Trong bài giảng, thánh Phê-rô đã nói về Chúa Giê-su Ki-tô và sứ mệnh của Người:  “Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.  Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.  Chúng ta khoái bài giảng của Phê-rô, vì nó vừa ngắn gọn, vừa sâu sắc, gợi ý bắt ta phải suy nghĩ, tìm hiểu về con người và sứ mệnh của Đức Giê-su!  Làm sao ta biết được Chúa Giê-su?  Thánh Giêrônimô trả lời:  “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô”.  Câu trả lời tuyệt vời chưa!  Đúng vậy, chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội biết Kinh Thánh để biết Chúa Giê-su:  đọc và suy niệm riêng, nghe Lời Chúa trong Thánh lễ, cầu nguyện hằng ngày với Lời Chúa, đọc sách tu đức, học hỏi Kinh Thánh, nghe giảng… Tham dự vào những sinh hoạt này, ta mới hiểu được lời Chúa Cha phán:  “Đây là Con yêu dấu của Ta!”

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A