CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN

Thánh Thần tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giê-su trong Giáo Hội

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 1:1-11;  Ep 1:17-23;  Mt 28:16-20)

          Cho đến lúc Chúa Giê-su trở về với Chúa Cha sau khi Người đã hoàn thành sứ mệnh ở trần gian, các tông đồ vẫn còn ngây ngô hỏi Người:  “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?”  Điều này chứng tỏ các ông vẫn còn ôm mộng được chia phần khi Chúa Giê-su làm vua Ít-ra-en!  Các ông lầm to rồi.  Trả lời họ, Chúa Giê-su nói về một vương quốc khác, không phải vương quốc trần thế, nhưng là Nước Thiên Chúa, vương quốc của Chúa Thánh Thần.  Trong vương quốc ấy, môn đệ Chúa không nắm giữ chức vụ này nọ, nhưng họ sẽ là “chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”.  Chúa nhấn mạnh đến sứ mệnh:  Người đã hoàn tất sứ mệnh và bây giờ Người trao lại sứ mệnh ấy cho các tông đồ tiếp tục, mà phải là dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày sự chuyển tiếp sứ mệnh từ Chúa Giê-su qua Thánh Thần và Giáo Hội.

          1.  Kết thúc sứ mệnh của Chúa Giê-su là khởi đầu sứ mệnh của Chúa Thánh Thần.  Một điều rất thích thú là từ Chúa Nhật Phục Sinh đến giờ, Phụng vụ Lời Chúa luôn cho chúng ta nghe bài đọc 1 trích sách Công Vụ, kể lại khởi đầu lịch sử Giáo Hội.  Mục đích là để chúng ta nhận ra rằng mặc dù Chúa Giê-su đã về với Chúa Cha trong biến cố Thăng Thiên, nhưng Thần Khí của Người vẫn tiếp tục ở lại và hành động trong các sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội.  Có thể nói:  khi Chúa Giê-su còn ở trần gian, Người thi hành việc truyền giáo bằng cách rao giảng và chữa lành;  sau khi Người trở về với Chúa Cha thì Chúa Thánh Thần tiếp tục rao giảng và chữa lành qua các chứng nhân của Chúa Giê-su.  Cũng là một sứ mệnh, nhưng được thực thi cách khác nhau thôi.  Trong đoạn sách Công Vụ hôm nay, Chúa Giê-su nói đến vai trò của Thánh Thần.  Thánh Lu-ca ghi lại rằng:  “Trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”.  Bốn mươi ngày là con số biểu tượng cho bốn mươi tuần lễ đứa con nằm trong bụng mẹ chờ ngày ra đời.  Đúng vậy, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh của Giáo Hội Chúa Ki-tô, do đó Chúa Phục Sinh đã dùng “thời gian cưu mang” bốn mươi ngày để dạy các môn đệ biết rằng vương quốc Người không phải là một quốc gia, nhưng là Nước Thiên Chúa.  Trong ngày khai sinh Nước Thiên Chúa, các môn đệ “sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần” và nhờ sức mạnh này họ mới có thể trở thành chứng nhân của Chúa Giê-su.  Người còn cho họ biết:  Nước Thiên Chúa không chỉ hiện diện ở Giê-ru-sa-lem, Giu-đê, Sa-ma-ri, nhưng “cho đến tận cùng trái đất”.

          2.  Sau khi Chúa Giê-su về trời với Chúa Cha, sứ mệnh của Người trong Giáo Hội là gì?  Mặc dù sách Công Vụ đã tường thuật việc chuyển tiếp sứ mệnh của Chúa Giê-su, nhưng thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-xô còn cho chúng ta một suy niệm tuyệt vời về việc “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh”.  Chúng ta có thể gọi sứ mệnh này của Chúa Giê-su là “sứ mệnh hậu-Phục Sinh”.  Mỗi biến cố là một giai đoạn lịch sử cứu độ: Giáng Sinh, thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cuộc Thương Khó, Phục Sinh, Thăng Thiên và Hiện Xuống.  Công cuộc cứu độ do Chúa Cha hoạch định, Chúa Con thực thi, Chúa Thánh Thần tiếp tục và hoàn tất trong ngày tận thế.  Ở đây, thánh Phao-lô mời ta dừng lại để chiêm ngưỡng sứ mệnh hậu-Phục Sinh của Chúa Ki-tô.  Đã có lần chúng ta nghe Chúa Giê-su tuyên bố Người là con đường, là sự thật và là sự sống để đưa ta tới sự viên mãn của Người, tức là được cứu độ.  Chúa Giê-su là đường duy nhất đưa ta tới Chúa Cha.  Do đó, việc Thiên Chúa đặt Chúa Ki-tô làm Đầu toàn thể Giáo Hội là lẽ đương nhiên, vì Đầu ở đâu thì các chi thể ở đấy, “Thầy ở đâu thì anh em cũng được ở đấy với Thầy”.  Ở đâu, nếu không phải cuối cùng là “ở với Cha Thầy” sao?  Hơn nữa, kế hoạch của Thiên Chúa là “đặt tất cả (chúng ta) dưới chân Đức Ki-tô” để Đức Ki-tô đưa ta về với Chúa Cha.  Vậy sứ mệnh hậu-Phục Sinh đòi hỏi gì nơi chúng ta là chi thể của thân mình Đức Ki-tô?  Thưa đơn giản là đòi ta phải trở nên giống Chúa Ki-tô (Christlike, hoặc đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô), tức là nên thánh hoặc là đạt tới sự viên mãn của Người.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          3. “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.  Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…  Đoạn mở đầu sách Công Vụ cho ta thấy biến cố Thăng Thiên đánh dấu sự chuyển tiếp sứ mệnh từ Chúa Giê-su sang Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.  Còn thánh Phao-lô thì giúp ta hiểu rằng dù đang ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục ở lại với chúng ta trong sứ mệnh “làm Đầu toàn thể Giáo Hội” để hoàn tất ơn cứu độ nơi mỗi người Ki-tô hữu.  Tuy nhiên Giáo Hội phải bành trướng ngoài lãnh vực Giê-ru-sa-lem… để đi tới tận cùng trái đất.  Vì thế Người trao cho chúng ta sứ mệnh đem Tin Mừng cứu độ đến cho anh chị em khắp nơi.    Vậy Chúa Giê-su được trao toàn quyền trên trời dưới đất nghĩa là gì?  Có thể chúng ta cũng sợ hãi vì cảm thấy sứ mệnh Chúa trao quá lớn và vượt ngoài khả năng chúng ta.  Có thể chúng ta muốn “bán cái” sứ mệnh này cho các linh mục hay tu sĩ… Còn nhiều cái “có thể” khác nữa.  Vậy chúng ta hãy dẹp bỏ những “có thể” ấy, vì Chúa hứa chắc:  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”!

 

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A