CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Chúng ta hãy chiếu tỏa ánh sáng Chúa Ki-tô

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 58:7-10;  1 Cr 2:1-5;  Mt 5:13-16)

          Ánh sáng là đề tài được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh.  Thiên Chúa là ánh sáng.  Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân ta.  Chúa là ánh bình minh người người mong đợi.  Chúa Ki-tô xưng mình là ánh sáng thế gian.  Nhưng đặc biệt Phụng vụ Lời Chúa hôm nay lại hướng về chúng ta và khẳng định chúng ta là ánh sáng.  Lời khẳng định này chúng ta gặp trong đoạn trích sách ngôn sứ I-sai-a nói về người công chính.  Nhưng rõ ràng nhất, đó là lời quả quyết của Chúa Giê-su, hoặc nói đúng hơn, là mệnh lệnh Người truyền cho chúng ta phải thi hành:  “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.  Một mẫu gương làm ánh sáng cho trần gian là thánh tông đồ Phao-lô, người đem ánh sáng là mầu nhiệm Đức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá đến cho anh chị em dân ngoại.  Vậy chúng ta phải là ánh sáng như thế nào và làm sao chiếu tỏa ánh sáng ấy?

          a)  Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông (bài đọc 1).  Trong Cựu Ước, ánh sáng thường được nhắc đến như một đặc tính thuộc về Thiên Chúa, tuy nhiên đôi khi ánh sáng cũng được áp dụng cho con người.  Không phải chỉ Thiên Chúa mới chiếu sáng cho chúng ta, mà chính chúng ta cũng phải làm cho đời sống mình trở thành một thứ ánh sáng phản ánh những sự tốt lành của Thiên Chúa.  Vậy Chúa dạy ta phải làm thế nào để trở thành ánh sáng?  Qua ngôn sứ I-sai-a, khi nói với chúng ta về cách ăn chay làm sao để đẹp lòng Thiên Chúa, Chúa đã dạy ta những cách sống thực tế để đối xử với anh chị em.  Ăn chay không chỉ là việc riêng tư của chúng ta, nhưng nó phải trải hiệu quả ra bên ngoài tới cuộc sống của anh chị em nữa.  Thí dụ lúc ta chia sẻ cơm áo với người đói rét, tiếp đón kẻ không nhà là chúng ta chiếu tỏa ánh sáng của lòng Chúa thương xót.  Khi ta loại bỏ mọi áp bức tha nhân, không nói hoặc làm điều gì đe dọa hãm hại người khác, “thì ánh sáng của ta sẽ chiếu tỏa trong bóng tối”.  Không chỉ chiếu tỏa trong bóng tối chung quanh ta, mà còn trong bóng tối của chính tâm hồn mình nữa.  Nhưng chiếu tỏa ánh sáng của chúng ta có nghĩa là chiếu tỏa sự công chính của ta và vinh quang của Thiên Chúa.  Ngôn sứ I-sai-a sử dụng hình ảnh rất sống động:  “Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi”.  Như thế, người phía trước cũng như phía sau và bên cạnh đều có thể nhìn thấy ánh sáng của chúng ta và nhận biết Thiên Chúa qua chúng ta.

          b)  Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (bài Tin Mừng).  Nghe Chúa Giê-su tuyên bố những lời trên, chắc các thính giả của Người phải ngạc nhiên hoặc giật mình:  Chúng con là ánh sáng cho trần gian sao?  Không được đâu, vì nhìn lại bản thân, chúng con thấy mình chỉ là thứ bóng tối mà thôi!  Làm sao chúng con trở thành ánh sáng được?  Được chứ.  Chúng ta thử giải thích theo quang học nhé.  Mắt chúng ta nhận ra được những vật chung quanh là nhờ ánh sáng, nhưng chúng ta không thấy được ánh sáng.  Sở dĩ chúng ta biết có ánh sáng vì ánh sáng bị các vật chung quanh chúng ta cản lại, nên nhờ đó chúng ta nhận ra được các vật.  Sự tốt lành của chúng ta là thứ ánh sáng người khác không thấy được, nhưng khi nó bị “cản lại” do những công việc tốt đẹp của chúng ta, thì người ta mới nhìn thấy những công việc ấy là tốt đẹp.  Như vậy, công dụng của ánh sáng giúp người ta nhìn rõ các vật thế nào, thì ánh sáng của sự tốt lành nơi chúng ta cũng giúp người khác nhận rõ được những công việc tốt lành của chúng ta.  Kết quả là nhờ thế, “họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

          c)  Thêm vào đề tài ánh sáng, Chúa Giê-su còn dùng một hình ảnh khác để nói lên ảnh hưởng tốt khi chúng ta sống giữa anh chị em, đó là:  Chính anh em là muối cho đời”.  Ánh sáng để soi; muối để làm cho đậm đà và bảo trì khỏi hư thối.  Một cách gián tiếp, ánh sáng giúp người khác “tôn vinh” Thiên Chúa;  còn muối thì trực tiếp giúp thay đổi chính con người và môi trường sống của người khác.  Dù là cách nào, Chúa cũng muốn cuộc sống chúng ta phải trở thành một khí cụ Người sử dụng để thay đổi hoặc làm cho cộng đồng chúng ta tốt đẹp hơn.  Bản chất và tác dụng của muối chính là ở vị mặn.  Tất cả đời sống chúng ta phải mang vị mặn, nhưng có lẽ khó mà xác định được vị mặn ấy là gì.  Không thể diễn tả, nhưng chúng ta có thể nhận ra vị mặn trong các hành vi, lời nói và cả những ý nghĩ của chúng ta nữa.  Một khi chúng được thấm nhuần Muối Nguyên Thủy là chính Chúa Ki-tô, thì chúng sẽ trở nên mặn và sẽ có tác dụng mạnh.  Bởi thế, thánh Phao-lô mới dạy chúng ta phải “mặc lấy những tâm tình của Chúa Ki-tô”, phải “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”, đó là cách chúng ta làm cho “muối” luôn được duy trì và tăng thêm độ mặn!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Lời Chúa hôm nay lại muốn đem thánh Phao-lô ra làm gương mẫu cho ta.  Quả thực Phao-lô đã là muối và ánh sáng của Chúa Ki-tô.  Ngài không loan báo Tin Mừng của một Chúa Ki-tô anh hùng bách chiến bách thắng, nhưng một Chúa Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.  Vì thế, ngài không giảng cho tín hữu Cô-rin-tô bằng lời lẽ hùng biện, nhưng bằng khiêm nhường.  Ngài chỉ muốn làm một tia sáng và hạt muối, rồi để cho “quyền năng Thiên Chúa” hành động.  Bạn có muốn là tia sáng và hạt muối không?

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi        


Suy Niệm Lời Chúa Năm A