CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Xin cho con tâm hồn biết lắng nghe và phân biệt phải trái

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 V 3:5, 7-12;  Rm 8:28-30;  Mt 13:44-52)

        Các nhà lãnh đạo trần gian thảo ra những kế hoạch cai trị trước khi nhậm chức.  Khác với họ, khi lên ngôi, vua Sa-lô-môn đã đến với Chúa và cầu xin Người ban cho ông một đức tính cần thiết nhất để giúp ông đảm nhận việc lãnh đạo Ít-ra-en:  một tâm hồn biết lắng nghe và phân biệt phải trái, tức là đức khôn ngoan.  Khi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giê-su thường trình bày kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và kêu gọi người ta hãy khôn ngoan đặt giá trị Nước Trời lên trên mọi giá trị khác.  Có sự tương đồng giữa sự khôn ngoan để cai trị vương quốc trần gian với sự khôn ngoan để đón nhận Nước Trời qua bài đọc 1 và bài Tin Mừng.  Đối với thánh Phao-lô, Thiên Chúa đã ban cho ta đức khôn ngoan nhập thể là Chúa Giê-su, để chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” và được hưởng phúc vinh quang.

        1.  Đức khôn ngoan giúp vua Sa-lô-môn trị quốc.  Sau khi dẹp tan các địch thủ, Sa-lô-môn lên làm vua Ít-ra-en.  Việc đầu tiên là ông đến Ghíp-ôn để dâng lễ tế lên Thiên Chúa và khấn xin Chúa giúp ông trong sứ vụ mới.  Trước mặt Chúa, ông nhận mình “còn trẻ người non dạ” và bất xứng đối với trọng trách cai trị dân Chúa.  Vậy ông phải cầu xin Chúa điều gì đây?  Ông không cầu xin những điều người thế gian thường xin, như được sống lâu, được giàu có, ngay cả xin cho kẻ thù phải chết.  Nhưng ông chỉ xin Chúa một điều thôi, là có được một tâm hồn biết lắng nghe và phân biệt phải trái.  Đây chính là xin đức khôn ngoan, một điều Kinh Thánh Cựu Ước rất thường nói đến, đặc biệt là sách Khôn Ngoan.  Định nghĩa đức khôn ngoan theo Cựu Ước là biết thực thi thánh ý Thiên Chúa và tuân giữ các thánh chỉ của Người.  Sứ mệnh làm vua Ít-ra-en của Sa-lô-môn là giúp dân chúng sống đức khôn ngoan, tức là phụng sự Thiên Chúa và tuân giữ lề luật Người truyền dạy phải yêu thương anh chị em.  Tuy nhiên, muốn dạy dân chúng thực hành đức khôn ngoan thì bản thân Sa-lô-môn phải là người sống đức khôn ngoan trước nhất.  Do đó, ông đã nhận ra được sự cần thiết của đức tính này và cầu xin Chúa ban cho ông có được tâm hồn biết lắng nghe và phân biệt phải trái.  Ông cần lắng nghe Thiên Chúa dạy dỗ ông, như Người đã dạy Đa-vít thân phụ ông.  Ông cần lắng nghe dân chúng để hiểu được những nhu cầu chính đáng của họ mà đáp ứng.  Ông cần biết phân biệt phải trái để chọn lựa đúng và giúp người khác chọn lựa tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự.   Ông đã cầu xin đúng, nên Thiên Chúa lập tức ban cho ông điều ông cầu xin.       

        2.  Đức khôn ngoan theo Chúa Giê-su dạy là phải tìm Nước Trời trên hết mọi sự.  Chúa Giê-su không trực tiếp dạy chúng ta về đức khôn ngoan khi Người kể các dụ ngôn nói lên giá trị tuyệt đối của Nước Trời.  Nhưng khi đề cao giá trị của Nước Trời, Chúa đã gián tiếp bảo chúng ta rằng chọn lựa điều giá trị trên hết mọi điều khác chính là thực hành đức khôn ngoan vậy.  Chúng ta có nghĩ rằng một người khi khám phá ra kho tàng chôn giấu trong ruộng đã bán hết mọi sự để mua lại thửa ruộng ấy là khờ dại không?  Dĩ nhiên là không dại chút nào, vì mọi sự người ấy có không thể so sánh với kho tàng.  Cũng vậy, chúng ta không cho thương gia kia là khờ dại khi ông ta bán tất cả những gì mình có để mua viên ngọc quý ông đã tìm thấy.  Giá trị tuyệt đối của kho tàng và ngọc quý là hình ảnh nói lên sự trổi vượt vô đối của Nước Trời.  Vậy muốn sống đức khôn ngoan khi đi tìm Nước Trời trên hết thì người ta phải làm gì?  Để trả lời, Chúa Giê-su đã lập lại hai lần cùng một hành động, là “bán tất cả những gì mình có mà mua” Nước Trời.  Đó là cách sống đức khôn ngoan của những ai đi tìm kiếm và mở lòng đón nhận Nước Trời.  Nhưng qua dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển gom được đủ thứ cá, dường như Chúa Giê-su muốn ám chỉ đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Đấng thiết lập Nước Trời và cũng là Đấng đón nhận người ta vào Nước Trời.  Thiên Chúa muốn gom hết nhân loại trên biển trần gian này trong ngày tận thế, rồi tách biệt hàng ngũ người công chính ra khỏi những kẻ xấu xa tội lỗi.

        3.  Chúa Ki-tô là gương mẫu sống đức khôn ngoan của Thiên Chúa.  Khi sai Chúa Giê-su xuống trần gian để thiết lập Nước Trời, Thiên Chúa đã để cho đức Khôn Ngoan của Người trở thành người phàm sống giữa nhân loại.  Thiên Chúa muốn “làm cho mọi sự sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người”.  Vậy “mọi sự” Thiên Chúa muốn sinh lợi ích cho chúng ta là gì nếu không phải là Chúa Ki-tô?  Chúa Ki-tô đã trở thành “mọi sự cho mọi người” rồi!  Vai trò của Chúa Ki-tô giữa nhân loại là làm “trưởng tử giữa đàn em đông đúc”, để chúng ta trông vào người anh trưởng ấy mà sống và để chúng ta được trở nên “đồng hình đồng dạng” với người anh ấy.  Chúa Giê-su là gương mẫu sống đức khôn ngoan khi Người đã đặt việc rao giảng Tin Mừng lên hàng đầu và đánh đổi mọi sự, ngay đến tính mạng Người, để thiết lập và xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Vua Sa-lô-môn dạy chúng ta cầu xin điều tốt nhất, đó là có một tâm hồn biết lắng nghe và phân biệt phải trái.  Chúa Giê-su thì đề cao giá trị tuyệt đối của Nước Trời và khích lệ ta hãy hy sinh mọi sự để chiếm được Nước Trời.  Sau cùng là thánh Phao-lô mời gọi ta nhìn vào Chúa Giê-su như một gương mẫu sống đức khôn ngoan, bắt chước Người để tìm kiếm và xây dựng Nước Chúa trên trần gian.

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A