CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Sám hối là con đường dẫn tới ơn cứu độ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 11:1-10;  Rm 15:4-9;  Mt 3:1-12)

          Nhờ Phụng vụ Lời Chúa tuần I mùa Vọng, chúng ta đã hiểu được ý nghĩa và mục đích của việc Con Thiên Chúa giáng trần:  Người đến thiết lập triều đại cứu độ.  Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta đi trên con đường dẫn vào triều đại ấy:  con đường sám hối.  Trước khi bước vào con đường sám hối mà thánh Gio-an Tẩy Giả đã rao giảng và mời gọi, chúng ta dừng một chút với bài đọc 1 để chiêm ngưỡng hình ảnh triều đại cứu độ được ngôn sứ I-sai-a mô tả.  Tiếp đến là bài đọc 2 với lời thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta hướng về nhân vật chính đã thiết lập và điều hành triều đại ấy là Chúa Ki-tô, Đấng cứu độ mọi người, để ta “được đồng tâm nhất trí với nhau” mà tôn vinh Thiên Chúa.  Cuối cùng, chúng ta lắng nghe những đề nghị thực tế thánh Gio-an Tẩy Giả nói với những ai muốn thực hành việc sám hối và đó cũng có thể là những lời khuyên cho ta nữa.

          Vậy ngôn sứ I-sai-a đã nhìn thấy trước triều đại cứu độ sẽ xuất hiện như thế nào?  Đấng thiết lập triều đại ấy giống như “một mầm non” đâm ra “từ gốc tổ Gie-sê”.  Mà Gie-sê là cha của vua Đa-vít, cho nên Đấng cứu độ xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.  Người sẽ được đầy tràn Thánh Thần của Thiên Chúa là “thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mạnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”.  Những đức tính này chúng ta đều gặp thấy nơi con người Chúa Giê-su, vì sách Tin Mừng đã mô tả Chúa Giê-su “được Thánh Thần xức dầu tấn phong” để thi hành sứ vụ và Người luôn hành động dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần (Lc 4:14, 18-19).  Đặc biệt cách hành xử của Đấng thiết lập triều đại là cách hành xử của lòng Chúa thương xót:  Người không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài hoặc theo sự phê phán của kẻ khác, luôn bênh vực người thấp cổ bé miệng và kẻ nghèo hèn.  Nhưng Người lại thẳng tay trừng trị kẻ gian tà.  Nhờ việc cai trị của Người, triều đại cứu độ sẽ là triều đại đầy ắp bình an của Thiên Chúa.  Bình an ấy được nói lên qua những hình ảnh thật dễ thương:  Nào là cảnh sống chung hòa bình, như sói ở với chiên con, beo với dê nhỏ, bò tơ với sư tử, thêm vào là khung cảnh thực sự gây ấn tượng: “một cậu bé sẽ chăn dắt chúng”!  Rồi lại một hình ảnh không thể tin được, là “bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang”.  Ở đây sự đối nghịch giữa thiện và ác, độc dữ và hiền hòa không phải chỉ nói lên thực tại “sống chung hòa bình”, mà còn quả quyết rằng Đấng cứu độ sẽ thiết lập một triều đại để hoán cải.  Sám hối có sức mạnh thay đổi ác tính của sói, beo và sư tử.  Cũng vậy, bản chất độc hại của rắn rết không còn tác dụng giết hại đối với trẻ thơ nữa.  Tất cả chỉ còn là sự bình an giữa người với người và giữa con người với Thiên Chúa!

          Làm sao chúng ta được thu nhận vào triều đại cứu độ ấy?  Phải đi qua con đường sám hối.  Song song với việc sai Chúa Giê-su đến trần gian, Thiên Chúa còn sai một người đến trước để giúp chúng ta chuẩn bị tiếp nhận Con Một Người, đó là thánh Gio-an Tẩy Giả.  Ngài xuất hiện trước Chúa Giê-su và lời giảng của ngài quy tụ vào chủ đề duy nhất:  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”.  Lời kêu gọi đã được hưởng ứng nhiệt tình.  Rất nhiều người đến với ngài, họ thú tội và nhận phép rửa của ngài như một dấu chỉ chứng nhận họ quyết tâm thi hành sứ điệp “Anh em hãy sám hối”.  Mọi người đều phải sám hối, nhưng các sách Tin Mừng chỉ ghi lại vài ba thành phần tiêu biểu trong xã hội đã được thánh Gio-an chỉ dạy phải sám hối cách nào.  Đặc biệt thánh Mát-thêu, ngài “quan tâm” đến nhóm Pha-ri-sêu và Xa-đốc!  Tại sao?  Vì độc giả của ngài là người Do-thái, mà nhóm Pha-ri-sêu và Xa-đốc có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc họ.  Thật ra nhóm này đến không phải để thực tâm sám hối.  Họ chỉ muốn nhận phép rửa Gio-an như dấu hiệu bề ngoài để “trình diễn” với thiên hạ rằng họ sám hối, nhưng tâm hồn họ thì “vũ như cẫn” (vẫn như cũ).  Thánh Gio-an đã lột mặt nạ giả hình của họ bằng những lời nghiêm khắc, kèm theo lời cảnh báo:  Này, cái rìu đã đặt sát gốc cây rồi đấy!  Liệu sám hối cho mau!  Đấng đến sau tôi và phép rửa của Ngài mới quan trọng.  Phép rửa tôi làm là để kêu gọi các anh sám hối thôi, chứ không tha thứ tội lỗi cho các anh được.  Chỉ có phép rửa của Ngài, phép rửa bằng Thánh Thần và lửa, mới xóa bỏ tội lỗi cho các anh và mọi người.  Ôi, chỉ Chúa biết có bao nhiêu người Pha-ri-sêu và Xa-đốc sám hối!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Vậy chúng ta, nếu muốn có được một lời khuyên thực tế để sống tinh thần sám hối, ta hãy lắng nghe thánh tông đồ Phao-lô nhắn nhủ.  Trước hết ngài dạy chúng ta cứ tin vào Đấng Cứu Độ là Chúa Giê-su đã được  Kinh Thánh nói đến, để ta được “kiên nhẫn”, được “an ủi” và “vững lòng trông cậy”.  Theo ngài, những ơn vừa kể sẽ giúp chúng ta “đồng tâm nhất trí” mà tôn vinh Thiên Chúa.  Rồi khi chúng ta đã đồng lòng phụng sự Thiên Chúa, thì hệ quả tất nhiên là sẽ yêu thương đón nhận nhau để làm rạng danh Thiên Chúa.  Thực hiện được lý tưởng này có nghĩa là chúng ta đã quay một trăm tám mươi độ, từ bỏ con người tội lỗi, ích kỷ, thù địch với Chúa và anh chị em để trở thành công dân chân chính của Nước Trời.  Không phải trong nháy mắt là chúng ta quay một trăm tám mươi độ đâu, nhưng đòi hỏi thời gian.  Sống sám hối là một diễn trình kéo dài suốt cuộc đời.  Nhưng Chúa Giê-su, Đấng cứu độ đã tới gần và đang đợi chúng ta!

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi       


Suy Niệm Lời Chúa Năm A