CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN - 2002

 

Ðoạn tin mừng chúng ta vừa nghe được thánh Matthêu đặt ngay sau trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Gioan Tiền Hô sai đến hỏi về thân thế của Người, vì thế rõ ràng chúng ta phải hiểu "Mầu nhiệm Nước Trời" ở đây chính là những xác quyết của Ðức Giêsu liên quan đến những lời nói, những việc làm mà Người đã thực hiện từ ngày Gioan làm phép rửa trên sông Giorđan đều là những bằng chứng về Mầu Nhiệm Nước Trời ở giữa nhân loại.

Và đây "Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, " Những điều ai cũng có thể thấy, ai cũng có thể nghe nhưng mấy người đã nhận ra đó là "những dấu chỉ thời đại" của Mầu Nhiệm Nước Trời ? Bởi vì nó không đáp ứng những chờ đợi, những hy vọng của họ. Ðúng như Ðức Giêsu đã nhận định: "Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than." Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi." Những nhận định như thế vẫn còn hết sức thực tế sau 2000 năm : Cho dù lịch sử 2000 năm rao giảng Tin Mừng không bao giờ thiếu những chứng nhân kiệt xuất : chỉ nguyên triều đại Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, Hội Thánh đã tuyên phong hơn 400 vị Thánh, Chỉ trong thế kỷ 20 này, với những vị Thánh như Têrêxa Hài Ðồng, Piô X, Piô XI, Gioan XXIII, Cha Piô Năm Dấu, những Mẹ Têrêxa Calcutta đã thực sự là những ngọn hải đăng xuyên suốt hành trình nhân thế của nhân loại, thế nhưng thế giới hôm nay vốn kiêu hãnh với những thành qủa của khoa học, của văn minh, của phát triển vượt mức những điều kiện sinh hoạt vui chơi và sản xuất, họ vẫn từ khước ánh sáng Hải Ðăng Tin Mừng. Tâm trạng này có ảnh hưởng sâu xa đến ngay cả những tập thể, những cộng đoàn Giáo Hội : Thậm chí, biết bao người trẻ, cách riêng nữ giới vốn là một kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa, một tặng phẩm của Tình Yêu người, thế nhưng hôm nay họ đến đây nói là đi lễ, nhưng thực sự họ đang chỉ muốn lôi kéo mọi người chú ý đến tính hấp dẫn muôn màu muôn vẻ của một thế giới không có Thiên Chúa nơi chính bản thân họ. Làm sao những lời này có thể có được ý nghĩa cứu độ cho những con người luôn thao thức và nỗ lực tiến lên những bậc thang cao hơn trong xã hội "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường"

Nhưng đây chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" Sự khôn ngoan đã được biện minh bằng chính cuộc sống của Ðức Giê su, cuộc sống mà những Kho-ra-din, những Carphanaum, những Bết-sai-đa đã chối từ! Và Thiên Chúa kiên quyết theo đường lối ấy khi vào thời cánh chung Ngài xếp những thành trì ấy vào sự tồi tệ còn hơn cả Tia, Xơ-đôm và Xi-đôn .

Thánh Phaolô đã minh giải đường lối Thiên Chúa qua đoạn thư vắn vỏi gởi tín hữu Roma "Nếu Thánh Thần ngự trong anh em,Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thánh Thần của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới." Thánh Thần là quà tặng, là sự trao ban, là sự hiến dâng trong chính cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính sự hiền hậu và khiêm nhường của Thiên Chúa trong tương quan nội tại cũng như ngoại tại của Người. Và vì lẽ đó mà Thánh Thần được tuyên xưng "Là Ðấng ban sự sống". Con đường hiền hậu và khiêm nhường cũng là con đường thông ban sự sống, con đường của quyền năng sáng tạo và cứu chuộc, đó là mạc khải mầu nhiệm Nước Trời mà Ðức Giêsu loan báo.

Trong cái nhìn xuyên suốt mầu nhiệm ấy, tiên tri Giacaria đã dùng hình ảnh Ðức Vua Sion đang đến cỡi trên lưng lừa con còn theo mẹ. Chính sự hiền hậu và khiêm nhường đã đốt cháy mọi sức mạnh cường bạo và kiêu căng, để thiết lập Vương Quốc yêu thương và an bình.

Nhưng mầu nhiệm này con người không thể thấu đạt, vì mầu nhiệm hiền hậu và khiêm nhường là mầu nhiệm tận trong cung lòng Thiên Chúa, vì thế "không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho." Và cũng vì con người ngay từ đầu trong Ađam và Evà đã khước từ khi chỉ muốn vơ vét và tích lũy cho mình mọi quyền năng và vinh dự "mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."

Qua những gì chúng ta vừa chiêm ngưỡng, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy một Tê rê xa, một Padre Pio, một Gioan XXIII, những con người thực sự là những vĩ nhân trong chính thân phận bé nhỏ hiền hậu và khiêm nhường.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên   


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà