CHÚA NHẬT XVIII - THƯỜNG NIÊN 2002

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô

 

Câu chuyện trong Tin Mừng đã cho chúng ta cơ hội cảm nhận những nét cơ bản của Tình Yêu này :

Trước hết Tình Yêu của Ðức Kitô luôn quan tâm đến mọi nhu cầu của chúng ta. Tin Mừng viết "Ra khỏi thuyền, Ðức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ". Chính điều này đã lôi kéo đoàn lũ dân chúng đến với Ngài, đi theo Ngài bất chấp những tin tức ảm đạm và đầy đe dọa về cái chết bi thảm của Gioan Tiền Hô. Có thể mượn lời Thánh Vịnh đáp ca để khẳng định là "Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa."

Thánh Phaolô bằng kinh nghiệm bản thân cho thấy rằng, ngay trong "gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo" Người yêu thương chúng ta, và nhờ tình yêu này, chúng ta đã toàn thắng.Chúng ta có thể nói rằng đây chính là khía cạnh rực sáng trong cuộc sống của Ðức Giê-su. Tin Mừng đã tường thuật biết bao câu chuyện để nói về điều ấy. Có những con người tưởng như đã vĩnh viễn bị chôn vùi trong sự khinh bỉ của đồng loại : vì bệnh tật, như kẻ bại liệt ở bờ hồ Bết-da-tha, 38 năm chờ chực không một ai cứu giúp (Gioan 5); vì tội lỗi, như người phụ nữ ngoại tình (Gioan 8) bị lôi đi ném đá; vì những mâu thuẫn sắc tộc, mầu da, tiếng nói như người đàn bà xứ Samaria (Gioan 4); vì giai cấp, vì nghề nghiệp như Lêvi (Lc 5), hay như ông Gia-Kêu Lc 19; chúng ta cũng không thể không nhắc lại ở đây cái nhìn của Ðức Giê-su dành cho Phê-rô ở sân nhà thầy cả Thượng tế trong đêm Người bị nộp Lc 23,61. Chính sự quan tâm của Ðức Giê-su đã cho tất cả được chỗi dậy trong một cuộc sống chan hòa hạnh phúc và niềm vui. Và còn hơn thế nữa, chính vì họ, vì những con người bị loại trừ ấy, vì những kẻ tội lỗi... mà Người đã đến trong trần gian. "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 6,32). Tình Yêu của Ðức Giê-su thực hiện điều Isaia đã loan báo từ 600 năm trước "Ðến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.". Và cũng vì họ, những con người bất hạnh, tội lỗi ấy, Người còn lôi kéo hết bạn hữu mình vào cuộc thương yêu này "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn."Theo lệnh Ngài, không phải chỉ trong câu chuyện Tin Mừng này, mà từ 2000 năm qua Giáo Hội của Người đã không ngừng quan tâm đến những phận người cùng khổ về tinh thần cũng như vật chất.

Nhưng có lẽ điều khiến thánh Phaolô phải viết rằng "cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta." đó chính là biến cố xảy ra trên Ðồi Sọ "Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta". Ở Ðồi Sọ, Ðức Giê-su không chỉ hiến mạng sống mình, không chỉ là lôi kéo bạn hữu của mình vào cuộc thương yêu, mà rõ ràng Người muốn Cha và Thánh Thần cùng vào cuộc tha thứ và thương yêu "để cho con người được sống và được sống dồi dào hơn": "lạy Cha, xin Cha tha cho chúng...". Vào chính thời điểm của cái chết, mà Thánh Phaolô đã được nghe lời kỳ diệu "Hôm nay, Cha sinh ra Con": con người được sinh vào sự sống vĩnh hằng.

Ngôn sứ Isaia vì nhìn thấy trước Tình Yêu mãnh liệt và quyền năng ấy đã mời gọi Dân Chúa "Hãy chăm chú nghe Ta, Hãy lắng tai và đến với Ta. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu," Sau này ở tiệc cưới Cana Người Mẹ dân mới cũng nói được là chia sẻ cùng một niềm tin và một ý chí của vị ngôn sứ đã nói với các gia nhân "Người bảo gì, anh em cứ làm theo". Vì Lời Người là Lời Yêu Thương, là Lời cho "ăn ngon, thưởng thức cao lương mỹ vị." và hơn thế còn cho "các ngươi được sống".

Chúng ta cũng cần phải nhắc lại ở đây là : Qúa trình yêu thương và ban bố Lời là quá trình của một sự cộng tác, một sự hiệp thông sâu xa, một sự lôi kéo tất cả vào cuộc. Chính sự hiệp thông này là bản chất sự sống phát xuất từ Thiên Chúa. Và do đó là quyền năng cho chúng ta được toàn thắng sự chết và mọi gian truân thử thách.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà