CHÚA NHẬT 18 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         8: 35.37-39

          Bài đọc Tân Ước hôm nay là điểm thứ hai trong phần kết luận trình bày giáo lý về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Khi suy niệm về kế hoạch cứu độ, chúng ta trước hết nhận biết được tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta qua Ðức Ki-tô. Ðiểm kết luận thứ hai áp dụng vào hoàn cảnh sống của tín hữu Rô-ma cũng như Ki-tô hữu mọi thời: nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì không có ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Người.

 

a) Tình yêu của Ðức Ki-tô hoặc tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Ki-tô

          Thánh Phao-lô nêu lên một câu hỏi giản dị: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô?" Tình yêu của Ðức Ki-tô hoặc tình yêu của Thiên Chúa nơi Ðức Ki-tô được hiểu là tình yêu Ðức Ki-tô hoặc Thiên Chúa yêu chúng ta, tuy nhiên cũng có thể ngầm hiểu là tình yêu chúng ta đáp lại. Ðể hiểu cho đúng ý của thánh Phao-lô hơn, chúng ta có thể đặt lại câu hỏi của ngài như sau: Có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa có đối với chúng ta trong Ðức Ki-tô không?

          Thánh Tông đồ đặt câu hỏi ấy, trước hết là muốn nhắc nhở chúng ta về những đặc tính của tình Chúa thương ta. Tình yêu của Chúa đã trở thành đề tài chính của các Thánh Vịnh. Ca tụng tình yêu vĩnh cửu, trung thành, lân tuất của Thiên Chúa là một điệp khúc lập đi lập lại của hầu hết các Thánh Vịnh. Nếu đọc lại Rm 8:31-33, chúng ta thấy thánh Phao-lô chỉ trưng dẫn một vài sự kiện ý nghĩa nhất để mô tả những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ qua hành động như "bênh đỡ chúng ta, trao nộp Con Một cho chúng ta, rộng ban tất cả cho chúng ta, không buộc tội lên án chúng ta, và đặt Ðức Ki-tô chuyển cầu cho chúng ta."

 

b) Tại sao thánh Phao-lô đặt câu hỏi này?

          Những gì ngài nói trong chương 8 có thể trả lời tại sao ngài đặt câu hỏi câu hỏi này. Từ ngày Ðức Ki-tô đã đến với nhân loại cho đến ngày Người sẽ trở lại trong vinh quang là thời gian các tín hữu phải chịu đựng đau khổ và căng thẳng. Thánh Phao-lô diễn tả việc chờ đợi trong đau khổ và căng thẳng này bằng hình ảnh sống động "rên siết và quằn quại như sắp sinh nở" (8:22). Ki-tô hữu sống giữa thế gian, nhưng thế gian không nhìn nhận họ, và họ cũng không nhìn nhận thế gian. Cho nên họ phải bám chắc lấy niềm hy vọng duy nhất, niềm hy vọng vào ngày thế mạt, sẽ được chia sẻ vinh quang Chúa đã dành sẵn cho những ai Người đã tuyển chọn. Chính vì niềm hy vọng ấy, thánh Phao-lô bảo đảm với Ki-tô hữu rằng không có gì ở trần gian này, kể cả đau khổ, bách hại và cái chết, lại có thể tách họ ra khỏi tình yêu vững bền và trung thành của Thiên Chúa.

 

c) Một câu hỏi có thể có hai câu trả lời khác nhau

          Khi đặt câu hỏi "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô?", thánh Phao-lô mong đợi câu trả lời của tín hữu: "Không có gì tách được chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa." Ðó là câu trả lời làm cho tín hữu được an ủi, nâng đỡ và kiên tâm trong khi chịu đau khổ thử thách. Tuy nhiên câu trả lời cũng có thể làm cho nhiều người khó chịu khi họ không còn sợ mất Chúa nữa, bởi vì họ là những người "sống theo tính xác thịt" (8:5) nên cảm thấy thoải mái và yên ổn với hoàn cảnh sống hiện tại. Ðối với những người tin vào tình yêu của Thiên Chúa và tin vào Ðức Ki-tô, câu trả lời "Không có gì tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa" nói lên một thái độ tin tưởng vào tương lai tốt đẹp Thiên Chúa dành sẵn cho họ. Nhưng đối với những người đi theo "hướng đi của tính xác thịt" (8:6), thì đây quả thực là một đe dọa cho họ, vì nếu gắn bó với Chúa, họ sẽ phải mất đi những gì họ đang bám víu ở thế gian này.

          Với đoạn thư hôm nay, chúng ta kết thúc phần suy niệm giáo lý về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bài đọc của ba Chúa Nhật tới trích chương 9 và 11 sẽ giải đáp một vài thắc mắc liên hệ tới việc rao giảng của thánh Phao-lô. Sau hết, bài đọc của ba Chúa Nhật cuối cùng (22, 23 và 24 quanh năm) trích chương 12, 13 và 14 sẽ là những bài học luân lý áp dụng cho đời sống Ki-tô hữu trong phạm vi cộng đoàn.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Chia sẻ một kinh nghiệm tiêu cực: đau khổ đã khiến tôi kêu trách Chúa, bỏ bê bổn phận thiêng liêng... Và một kinh nghiệm tích cực: đau khổ, khó khăn đã giúp tôi vững tin vào Chúa, cảm nhận được tình Chúa yêu thương tôi rõ ràng hơn lúc nào hết.

          Các triết gia hiện sinh, duy vật... thường mô tả đời sống chúng ta như không có lý tưởng, không có niềm hy vọng. Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II mời gọi chúng ta hãy "bước qua ngưỡng cửa hy vọng" để gặp được Thiên Chúa vĩnh cửu. Vậy tôi đã làm gì để củng cố niềm hy vọng vào vinh quang bất diệt Thiên Chúa hứa ban cho những ai tin kính Người?

          Tôi suy niệm thế nào về "tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta"?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài "Tôi thâm tín rằng" của Hoàng-Ðức, Ca nguyện Linh Thao, tr. 150.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà