CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - 2002

 

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay đặt ra một vấn đề rất gần với những suy nghĩ và nếp sống của con người : vấn đề phân biệt đối xử. Ngày nay có phân biệt chủng tộc, có phân biệt phái tính, có phân biệt giai cấp, có phân biệt Bắc-Nam, phân biệt đảng phái... và phân biệt giàu-nghèo. Trong Lời Chúa có đề cập đến phân biệt tôn giáo : Dân ngoại với Dân Chúa. Trong thực tế còn nhiều thứ phân biệt không nói thành lời !

Vào thời của Isaia, dân Chúa đang đứng trước thảm họa bị dân ngoại giày xéo. Vào thời của Phaolô có xu hướng dường như dân ngoại bị coi là không thể được tiếp nhận vào Hội Thánh. Ðó là hậu qủa của một truyền thống thâm căn cố đế trong Israel, mà có thể hình dung điều ấy qua kiểu nói dân gian mà Ðức Giê-su đã mượn để trả lời cho lời kêu cầu của người đàn bà xứ Canaan :"không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó".

Mọi sự phân biệt đều rõ ràng nhằm tiêu diệt phẩm giá và cả sự sống của một thành phân nhân loại. Và điều ấy chẳng bao giờ có thể phù hợp với Thiên Chúa, và cách riêng với Ðức Giê-su. Khẳng định có thể rút ra từ Lời Chúa hôm nay.

Trước hết, ngay Isaia cũng đã loan báo mỗi một con người không thể bị đánh giá chỉ dựa vào danh xưng, vào nghi thức, vào giai cấp, vào sự phân loại của xã hội. Ðối với Thiên Chúa, con người phãi được nhìn theo chính sự thể hiện trong cuộc sống của họ. Những ai có cuộc sống thể hiện điều chính trực, thi hành điều công minh, gắn bó với Thánh Danh, họ đều là Dân Người, dù họ là người ngoại kiều, là dân ngoại theo danh xưng, nghi thức hay giai cấp. Isaia còn loan báo tính phổ quát của Nhà Thiên Chúa, nơi quy tụ mọi dân tộc, mọi tiếng nói, mọi mầu da.

Thánh Phao-lô cho rằng tính phổ quát của ơn Cứu Ðộ không những không mâu thuẫn với ơn đặc tuyển của Israel, mà còn làm cho ơn gọi của Israel thêm phong phú và vinh dự : khi Thiên Chúa xót thương và cứu độ dân ngoại, vì như thế Israel có cơ hội thấy hồng ân Chúa gọi họ, chọn họ thật lớn lao, bởi vì họ khám phá ra rằng "Suốt ngày Ta dang tay kêu gọi một dân không vâng lời và ngỗ nghịch".. Những số sót của Israel trong đó có Phao-lô chứng tỏ Thiên Chúa không bỏ rơi dân Chúa chọn, nhưng khi Israel tin nhận ra và trở về với hồng ân Chúa, thì tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy : sự tốt đẹp như "từ cõi chết bước vào cõi sống".

Về phần Ðức Giê-su, thái độ bước đầu đối với người phụ nữ Canaan chỉ là một sự thử thách lòng tin và sám hối của bà, khi cho bà thấy bà là ai dưới con mắt một người do thái. Cho dù xem ra thái độ do thái này là qúa đáng, nhưng nó cũng nói lên tình trạng khốn quân của dân ngoại. Một khi nhận thức được không ai có thể giải thoát mình khỏi tình trạng khốn cùng ấy ngoài Ðức Giê-su, bà không ngần ngại để khiêm tốn tuyên xưng lòng tin. Và Thiên Chúa, Ðấng trung tín, chẳng bao giờ bỏ rơi những kẻ tin cậy Ngài. Ðức Giê-su đến để loan báo tình yêu trung tín của Chúa, Người là sự hoàn thành mọi lời hứa và hy vọng dành cho kẻ tiqu1 Ðức Giê-su khi nhận lời kêu cầu, và lòng tin của người phụ nữ ngoại kiều này, Người đích thật là NHÀ CẦU NGUYỆN cho mọi dân tộc.

Trong Tin Mừng, cũng như trong thư của Phao-lô, còn có một chi tiết mà người Kitô hữu không thể không đón nhận : Họ phải là "số sót còn lại của Israel" giữa mọi dân tộc. Họ phải trở thành chứng từ, trở thành người cầu thay nguyện giúp cho dân ngoại khám phá ra và được hưởng lòng thương xót của Chúa. Ðó là sứ vụ phải được chính họ quý trọng và cần mẫn, như Phao-lô và các môn đệ Ðức Giê-su. Thánh Phao-lô khi nói về số sót ấy, đã xác định cuộc sống căn bản của họ là chấp nhận được tháp vào gốc sự sống, Ðức Giê-su Ki-tô, bằng tin giữ Lời Người. Và như vậy họ cũng ý thức được việc loan báo Lời là sứ vụ của lòng Tin. Hơn thế, còn là vinh dự của kẻ tin.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà