CHỦ NHẬT THỨ IV PHỤC SINH (A)

CHÚA CHIÊN LÀNH

(21-04-2002)

 

NGHE

* Bài đọc 1: Cv 2,14a.36-41

(36) Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: "Ðức Giê-su mà anh em đã treo trên thập gía, Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Ki-tô"

(38) "Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần"

* Bài đọc 2: 1 Pr 2,20b-25

(20b) Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. (21) Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy Ðức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. (22) Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. (23) Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà không ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Ðấng xét xứ công bình. (24) Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập gía, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. (25) Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục Tử, Ðấng chăm sóc linh hồn anh em.

* Bài Tin Mừng: Ga 20,1-10: Vị Mục Tử nhân lành

(1) "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ." (6) Ðức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

(7) Vậy Ðức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào"

NGẪM

* Câu hỏi gợi ý

1. "Chiên và người chăn chiên" là một hình ảnh đã lạc hậu?

2. Vị mục tử nhân lành có những nét đặc trưng nào?

3. Tại sao Hội Thánh lấy ngày chủ nhật Chúa Chiên Lành làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ?

* Suy tư gợi ý

1. "Chiên và người chăn chiên" có thể là lạc hậu về hình ảnh, nhưng không hề lạc hậu về ý nghĩa tôn giáo:

Ðối với người Việt chúng ta thì hình ảnh "chiên và người chăn chiên" không phải là một hình ảnh gần gũi, vì xứ sở chúng ta không thuộc vùng Cận Ðông với nghề chăn nuôi chiên cừu như Pa-lét-tin xưa. Hơn nữa trong khi cả đất nước đang nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện "đàn chiên với mục tử", thì e rằng chúng ta bị coi là những người lạc hậu! Nhưng nếu đi sâu vào ý nghĩa và biểu tượng tôn giáo của hình ảnh "chiên và mục tử" thì chúng ta lại chẳng thấy lạc hậu tí nào. Vì chưng những người tin ở Thiên Chúa đều xác tín rằng họ luôn được Thiên Chúa và Chúa Ki-tô quan tâm và tận tình chăm sóc, không chỉ về phương diện tâm linh mà về mọi phương diện con người, không chỉ ở đời sau mà ở cả đời này lẫn đời sau. Mối tương quan gắn bó giữa người chăn và con chiên là hình ảnh sống động, cụ thể của mối tương quan giữa Thiên Chúa và người tín hữu.

2. Những nét đặc trưng của Vị Mục Tử nhân lành

Ðức Giê-su đã công bố Người là Vị Mục Tử nhân lành, với những nét đặc trưng sau đây:

* Vị Mục tử nhân lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Người quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì? họ cần gì? họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào?

* Vị Mục tử nhân lành luôn đi đầu, đi trước tức hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, tức đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Vị ấy sẽ đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát và cỏ xanh, để chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Thậm chí vị Mục tử sẽ hy sinh mạng sống vì chiên.

3. Lý do Hội Thánh lấy ngày chủ nhật Chúa Chiên Lành làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ

Bản tin Hiệp Thông (tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt Nam) số 11, ra ngày 15 tháng 02 năm 2002 (trang 8-9) cung cấp cho chúng ta những con số cụ thể và đáng chúng ta suy nghĩ trong ngày hôm nay:

(1): Tổng dân số của Việt Nam hiện là: 80.489.857 người (76.683.203 dân tộc kinh + 3.806.654 dân tộc thiểu số). (2): Tồng số công giáo của 25 giáo phận: 5.324.492 người (5.065.105 dân tộc kinh + 259.387 dân tộc thiểu số). (3): Tổng số linh mục của 25 giáo phận: 2.526 Lm (2.133 triều + 393 dòng). (4): Tổng số tu sĩ trong 25 giáo phận: 11.282 Ts (1.524 nam + 9.758 nữ). (5): Tổng số chủng sinh của 25 giáo phận: 1.765 Cs (1.044 đang học + 318 học xong + 403 dự bị). (6): Tổng số giáo lý viên của 25 giáo phận: 45.858 Glv (671 giáo phu + 219 có lương + 44.968 không có lương).

Nếu chia bình quân số giáo dân cho số linh mục (triều dòng, khoẻ yếu) thì một linh mục phải phục vụ 2.107 giáo dân. Nếu chia bình quân tổng số dân Việt Nam cho số linh mục (triều dòng, khoẻ yếu) thì một linh mục phải phục vụ 31.865 người. Nếu chia bình quân số giáo dân cho số tu sĩ (nam nữ, khoẻ yếu) thì một tu sĩ phải phục vụ 472 giáo dân. Nếu chia bình quân tổng số dân Việt Nam cho số tu sĩ (nam nữ, khoẻ yếu) thì một tu sĩ phải phục vụ 7.134 người. Nếu chia bình quân tổng số người VN không công giáo cho tổng số người VN công giáo thì một người VN công giáo phải giúp cho 14 người VN không công giáo biết Chúa và gia nhập Giáo hội.

Nguyên nhìn vào những con số trên, chúng ta cũng đã thấy được nhu cầu to lớn về nhân sự của Giáo hội Việt Nam trong sứ mệnh sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng mà Giáo hội đã nhận được từ chính Chúa Giê-su. Ðã đành rằng ngày nay trách nhiệm sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng không chỉ của riêng các linh mục, tu sĩ mà của mọi Ki-tô hữu. Nhưng các linh mục, tu sĩ vẫn là lực lượng quan trọng nhất, là lực lượng nòng cốt và đầu tầu trong lãnh vực này. Thế nhưng ơn gọi linh mục, tu sĩ càng ngày càng giảm sút trong các Giáo hội địa phương, thậm chí giảm trầm trọng trong một số Giáo hội. Riêng tại Việt Nam, thì tình hình có mấy nét riêng sau đây: (1) Việc thanh niên nam nữ muốn vào chủng viện, dòng tu còn gặp nhiều cản trở từ những qui định của Nhà Nước. (2) Việc các Giám mục, Dòng tu gửi các linh mục, tu sĩ đến nơi cần gửi, đặc biệt đến vùng sâu vùng xa, cũng chẳng dễ dàng gì. (3) Ơn gọi tu trì đã có dấu hiệu sút giảm ở thành thị, nhất là ở các quận nội thành.

Vì thế cho nên chúng ta không chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội -nhất là Giáo hội Việt Nam- nhiều linh mục, tu sĩ tài đức thánh thiện, nhiệt thành mà chúng ta còn phải nài xin Thiên Chúa tạo thuận lợi cho các ứng sinh linh mục tu sĩ được đào tạo đến nơi đến chốn và cho các linh mục tu sĩ có điều kiện cần thiết để thực thi sứ vụ của mình.

NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa Cha là Chủ cánh đồng truyền giáo, là Chủ vườn nho: xin Cha gửi nhiều thợ gặt, thợ hái nho lành nghề đến những nơi, những người cần các thợ ấy!

Lạy Chúa Giê-su là Mục Tử nhân lành, Chúa đã hiến tặng cuộc đời của Chúa cho nhân trần: xin Chúa hãy lôi kéo các linh mục, tu sĩ sống theo gương Chúa, sống giống như Chúa: hy sinh, quảng đại và yêu thương để mọi người được sống và sống dồi dào!

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Khí, là Lửa: xin Chúa đổ tràn lửa nhiệt thành truyền giáo vào mọi tâm hồn Ki-tô hữu, nhất là tâm hồn các linh mục, tu sĩ và người trẻ, để biến họ thành những thợ gặt hăng say nhiệt thành trong cánh đồng của Thiên Chúa.

 

Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà