CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         5: 12-19

          Phần thứ hai của chương 5, thư gửi giáo đoàn Rô-ma, trình bày một so sánh giữa A-đam và Ðức Ki-tô. Trình bày này rất quan trọng đối với giáo lý của Giáo Hội về tội nguyên tổ. Mặc dù lối lý luận của thánh Phao-lô lòng vòng, nhưng điểm chính của vấn đề có thể coi như cô đọng ở câu 18:

          Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.

          Một người đã sa ngã. Ðó là A-đam đã không vâng lời Thiên Chúa, ăn trái cây sự sống mà Người đã cấm trong Vườn Ðịa đàng. Hành động bất tuân của ông đã gây nên hậu quả là con cháu ông bị lên án. Nhưng một người đã thực hiện lẽ công chính: Chúa Ki-tô. Hành động công chính của A-đam mới, tức là Chúa Ki-tô, Ðấng đã vâng lời Chúa Cha suốt cuộc đời và nhất là trong Vườn Dầu, vâng lời cho đến chết trên thập giá (xem Pl 2:6-11), đã giải án và phục hồi sự sống cho mọi người.

          Mục đích của so sánh là để làm nổi bật lên dung mạo Chúa Ki-tô và lượng hải hà của ân sủng và tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại tội lỗi. Nơi A-đam và nơi Chúa Ki-tô có sự đối chọi giữa sự chết và sự sống, giữa Lề Luật và ân sủng, giữa tội lỗi và ơn được nên công chính. Bố cục bài đọc hôm nay rõ ràng. Phần đầu của bài đọc (cc. 12-14) đề cập tới con người A-đam, hành động của ông, hậu quả của hành động ấy là sự chết và sự hiện diện của Lề Luật giúp người ta nhận ra mình yếu đuối chứ không ngăn chặn được quyền lực của tội lỗi. Phần thứ hai của bài đọc (cc. 15-19) nói về Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô đã khéo léo sử dụng cách song đối, nêu lên việc làm của A-đam cùng với hậu quả, rồi ngay sau đó khẳng định một thực tại đối nghịch của ân sủng Thiên Chúa. So sánh nào cũng đưa tới kết luận: ân sủng Thiên Chúa dồi dào hơn cả hậu quả tác hại do sự sa ngã của A-đam (cc. 15 và 20).

          Giáo lý trên của thánh Phao-lô trình bày về tội nguyên tổ và ơn công chính hóa giúp chúng ta nhận ra điều này: tình trạng tội lỗi của mọi người trong A-đam đối nghịch với tình trạng đầy ân sủng của mọi người trong Chúa Ki-tô. Như thế, A-đam và Chúa Ki-tô là hai vị nguyên thủ của hai thứ nhân loại: nhân loại tội lỗi và nhân loại được cứu chuộc. Cuộc sống chúng ta thuộc về một trong hai thứ nhân loại ấy. Nếu chúng ta vẫn còn ở trong A-đam, tức là trong con người tội lỗi, thì chúng ta sống trong tội lỗi và sự chết, làm nô lệ cho những dục vọng và ước muốn xấu xa. Nhưng nếu chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, chúng ta sống trong ân sủng và Thánh Thần (thánh Phao-lô dành nguyên chương 8 Thư Rô-ma để nói về đời sống này); chúng ta không còn làm nô lệ cho dục vọng và ước muốn xấu nữa, vì quyền lực của Thần Khí Chúa Ki-tô hoạt động trong chúng ta và giúp chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa.

          Hiểu được ý của thánh Phao-lô qua đoạn thư hôm nay, chúng ta mới thấy rõ tại sao Phụng vụ Lời Chúa chọn nó làm bài đọc Tân Ước cho Chúa Nhật I mùa Chay. Có thể Giáo Hội muốn đề cập tới vấn đề tội lỗi vào đầu mùa Chay, để chúng ta biết nhìn nhận tình trạng tội lỗi mình để đáp lời gọi của Chúa qua Giáo Hội mà ăn năn hối cải. Cũng có thể Giáo Hội muốn trình bày khởi đầu lịch sử cứu rỗi để dần dần đưa chúng ta tới cử hành Mầu nhiệm Phục Sinh là tột đỉnh của Phụng vụ. Nhưng nếu nhìn theo khía cạnh thực hành thì bài đọc Tân Ước hôm nay đề ra cho chúng ta một chương trình sống mùa Chay. Giữa hai chọn lựa, sống trong A-đam và sống trong Chúa Ki-tô, chúng ta phải dứt khoát chọn một, vì không ai làm tôi hai chủ. Song song với bài học luân lý, chúng ta cũng không quên là bài đọc đề cao quyền lực của tình yêu Thiên Chúa, sự phong phú của ân sủng. Nhất là điều thánh Phao-lô ngầm hiểu ở đây: ân sủng cần hiểu theo chính giá trị của nó hơn là theo nhu cầu của nhân loại. Nói khác đi, ân sủng là chính Ân Sủng, nghĩa là Chúa Ki-tô. Bởi vậy, tâm tình xứng hợp nhất chúng ta phải luôn có, đó là luôn nhận biết và đáp lại Ân Sủng của Thiên Chúa: "Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!" (Rm 7:25).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi thường chỉ nghĩ về những tội lỗi của tôi theo con số và loại tội hay là nghĩ về tình trạng tội lỗi của tôi? Khác biệt nhau thế nào? Và suy xét về tình trạng tội lỗi sẽ giúp tôi hối cải như thế nào?

          Giáo lý của thánh Phao-lô có giúp tôi ý thức thêm về tội xã hội, hoàn cảnh xã hội tội lỗi, và quyết tâm góp phần vào việc xây dựng một cộng đoàn, một xã hội lành mạnh hơn không? Nhóm và tôi có thể làm gì trong khả năng của mình?

          Tôi phải vạch ra một chương trình "sống trong Chúa Ki-tô" cho mùa Chay này. Chia sẻ chương trình ấy với nhóm và xin nhóm nâng đỡ mình.

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, hoặc đọc Thánh ca "Ðức Ki-tô, tôi trung của Thiên Chúa" (Pl 2:6-11) trong Kinh Chiều I các Chúa Nhật, Các Giờ kinh Phụng Vụ.

          Ðức Giê-su Ki-tô

          Vốn dĩ là Thiên Chúa,

          Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

          Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,

          Mặc lấy thân nô lệ,

          Trở nên giống phàm nhân,

          Sống như người trần thế.

          Người lại còn hạ mình,

          Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

          Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

          Và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

          Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,

          Cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,

          Muôn vật phải bái quỳ;

          Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,

          Mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:

          "Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa."


Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà