CHÚA NHẬT V MÙA CHAY (A)

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 8: 8-11

          Từ Chúa Nhật thứ ba tới thứ năm mùa Chay, Phụng vụ Lời Chúa năm A gắn liền với Nghi thức Sát hạch ứng viên lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hướng về chủ đề Ðức Ki-tô là nước ban sự sống, là ánh sáng và là sự sống thật, để giúp cho những dự tòng chuẩn bị tâm hồn, đặt hết lòng tin vào Chúa Ki-tô, trước khi họ được lãnh nhận những bí tích khai tâm vào đêm Phục Sinh. Song song với bài Tin Mừng, bài đọc Tân Ước cũng khai triển cùng một đề tài về sự sống mới trong Thánh Thần do Bí tích Rửa tội đem lại. Sau khi đã trình bày đời sống mới của Ki-tô hữu tân tòng như là đời sống của con cái ánh sáng (xem bài đọc tuần trước), bài đọc Tân Ước hôm nay trở lại với thư Rô-ma để nói đến đời sống mới là sống theo Thần Khí Chúa Ki-to.

Cao điểm của nội dung thư Rô-ma là ở chương 8 này. Thánh Phao-lô cho chúng ta thấy làm sao nhờ đức tin vào Tin Mừng Chúa Ki-tô, Ðấng đã chết và sống lại, Ki-tô hữu đã được giải phóng khỏi tội lỗi, sự chết và Luật Mô-sê. Ðược giải phóng như thế có nghĩa là họ được đem ra khỏi "hướng đi của tính xác thịt là sự chết" để được đưa vào "hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an" (c. 6). Khi nói đến "hướng đi", thánh Phao-lô muốn hiểu ý nghĩa sâu xa của một lối sống bao gồm những suy nghĩ, tư tưởng, xác tín và cả những tâm tình nữa. Do đó, theo hướng đi của Thần Khí có nghĩa là "anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Ki-tô Giê-su" (Pl 2:5).

Tương tự như đoạn thư Ga-lát 5:16-25, đoạn thư Rô-ma 8:5-13 trình bày hai nguyên lý sống đời Ki-tô hữu và những hậu quả do hai nguyên lý sống ấy đem lại, tức là sống theo xác thịt và sống theo Thần Khí. Cũng theo đó, người ta phân biệt hai hạng người: hạng người sống theo tính xác thịt và hạng người sống theo Thần Khí. Hai lối sống và hai hạng người ấy đối nghịch nhau. Sống theo tính xác thịt sẽ "bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu" và đi dần tới cái chết, không phải chỉ cái chết thể xác mà cả phần hồn nữa (x. Ga 6:63). Tuy nhiên ở đây thánh Phao-lô muốn đề cao đời sống theo Thần Khí cùng những hiệu quả đời sống ấy mang lại. Vậy thế nào là sống theo Thần Khí?

Ðiều kiện để sống theo Thần Khí trước hết phải là "thuộc về Ðức Ki-tô". Khi chúng ta thuộc về Ðức Ki-tô là chúng ta hoàn toàn để cho mình chịu ảnh hưởng, được đưa dẫn, soi sáng do tinh thần Ki-tô. Hoặc nói cụ thể theo cách diễn tả của thánh Phao-lô trong thư Phi-líp-phê: chúng ta "có những tâm tình như chính Ðức Ki-tô Giê-su." Ðức Ki-tô suy nghĩ, nói năng, hành động những gì và thế nào, thì chúng ta cũng "cóp-pi" lại y như vậy; Ðức Ki-tô đã đối xử, phản ứng như thế nào với tha nhân, thì chúng ta cũng phải làm y như thế, đến độ không còn là chúng ta sống mà là Ðức Ki-tô sống trong chúng ta. Lời mời gọi của Ðức Ki-tô mang ý nghĩa rõ ràng hơn lúc nào hết: "Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15:12).

Một trong những phương thức cụ thể để sống theo Thần Khí là "diệt trừ (= làm cho chết) những hành vi của con người ích ky" nơi chúng ta. Phương thức duy nhất của ma quỷ là muốn hướng mọi hành vi của chúng ta tới mục đích phục vụ cho chính chúng ta. Những cám dỗ của ma quỷ và của xác thịt là xúi giục chúng ta thỏa mãn những ham muốn của chính mình mà quên đi Thiên Chúa và tha nhân. Trái lại, Ðức Ki-tô, con người gương mẫu của nhân loại, không sống cho mình. Ngài đã sống cho Thiên Chúa, nên sẵn sàng vâng lời, "trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế". Ngài đã sống cho nhân loại, nên "hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". Nơi Ðức Ki-tô, mọi hành vi của con người ích kỷ đã hoàn toàn bị diệt trừ. Từ ngữ thần học gọi là kenosis, self-emptying, hy sinh tự ngã. Chính nhờ đời sống vị tha ấy, nhờ sống theo Thần Khí mà Ðức Ki-tô đã được sống lại từ kẻ chết, được siêu tôn và được muôn loài tuyên xưng là Chúa.

Thánh Phao-lô cũng không quên nói đến hiệu quả của việc sống theo Thần Khí, đó là được sống. Ngài không chỉ nói đến sự sống linh hồn, mà còn nói đến sự sống mới của thân xác nữa. Từ việc Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào A-đam cho đến việc Ðức Ki-tô sống lại từ kẻ chết, vai trò của Thần Khí là ban sự sống. Tiếp đến, "nếu Thần Khí ngự trong anh em... thì Ðấng đã làm cho Ðức Ki-tô sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới."

Nhịp độ của Nghi thức Sát hạch dự tòng mỗi lần một tăng, đòi hỏi người dự tòng phải hoàn toàn tin vào Ðức Giê-su Ki-tô. Nhưng chính nhờ cách trình bày của Phụng vụ Lời Chúa như thế đã giúp chúng ta có cái nhìn rộng rãi hơn về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và vai trò tối quan trọng của Ðức Ki-tô trong kế hoạch ấy. Ðồng thời lối trình bày thần học này cũng mời gọi chúng ta hãy tích cực sống đời sống mới theo tinh thần và tâm tình của Ðức Ki-tô để chúng ta được sống vĩnh cửu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Qua những suy niệm của thánh Phao-lô về sống theo Thần Khí, chúng ta có thể hiểu như thế nào về định nghĩa "Chúa Thánh Thần là tinh thần của Thiên Chúa hoặc tinh thần của Ðức Ki-tô"?

          "Anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Ki-tô" là lời mời gọi chúng ta hãy học biết về Chúa Ki-tô. Vậy tôi đã học biết về Chúa Ki-tô bằng cách nào? Kết quả thế nào? Tôi đã sống những tâm tình ấy làm sao?

          Trong đoạn tiếp theo, thánh Phao-lô viết: "Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Áp-ba! Cha ơi!" Tôi hiểu được hồng ân này và sống phận làm con như thế nào?

          Nghi thức Sát hạch dự tòng (Scrutinies) và Phụng vụ Lời Chúa trong ba Chúa Nhật (3-5) mùa Chay giúp tôi có thêm kiến thức và sắp đặt cuộc sống thế nào để chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp của mùa Chay.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà