CHÚA NHẬT V-TN 2002

 

          Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu có một nhận định thật sinh động : "Niềm tin của Giáo Hội vào Ðức Giêsu vừa là một qùa tặng Giáo Hội nhận được, vừa là món qùa để chia sẻ...Xác tín như thế, các nghị phụ lại càng ý thức trách nhiệm bản thân của mình là phải học hỏi, cầu nguyện và gẫm suy để lĩnh hội chân lý vĩnh cửu là Ðức Giêsu, hầu có thể đem sức mạnh và sinh lực của chân lý ấy đồi diện với những thách đố đang và sẽ đặt ra cho công cuộc phúc âm hóa tại Á Châu".

 

          Không ai có thể hơn Phaolô về nhận thức giá trị lớn lao của món qùa mình đã nhận lãnh : "Tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngòai Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh". Trong thư gửi tín hữu Galata, thánh Phaolô còn nói mạnh mẽ hơn thế "Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập gía. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi." Và thánh tông đồ có một ước vọng "Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngòai thập giá của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian".

 

          Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh theo Phaolô đó là "bằng chứng của Thiên Chúa...sự giãi bày của thần trí và quyền năng". Lời qủa quyết này mãi mãi còn là một điều khó hiểu và khó chấp nhận. Vào thời của Phaolô, cũng như vào thời đại chúng ta đang sống, con người vẫn không ngừng khát vọng được gỉai thóat khỏi mọi áp bức và bất công. Những ai sống trên đất Mỹ đều đã có thể cảm nghiệm được cái nhu cầu ngàn đời ấy trước những viễn tượng bị khủng bố qua biến cố 11.9 đen tối. Người ta thấy trong mọi nhà thờ, ngay cả chỉ là để lần hạt chung, cũng đã đông kín người! Thế nhưng họ đến đó cũng chỉ là cầu mong cho đời sống được an bình...có thể nói họ đi tìm một lá bùa hộ mệnh! Nhưng Ðức Giêsu của thời đại Phaolô, hay của thời đại hôm nay, và mãi mãi, Ngài vẫn chỉ là "Ðấng Bị Ðóng Ðanh". Ðã rất nhiều cố gắng tìm hiểu lý do của sự kiện ấy, y như đã có nhiều nỗ lực tìm lý do để kết án Người. Ðọan Tin Mừng chúng ta vừa cử hành muốn là lời gỉai đáp.

 

          Thực vậy, đọan Tin Mừng này được thánh Matthêu đặt liền sau "Bài Giảng Trên Núi", đó là "Hiến Chương Nước Trời" như người ta thường nói như thế. Theo đó cuộc sống của chính Ðức Kitô và những ai đi theo Ngài, đều có liên hệ mật thiết với những khát vọng cụ thể và thẳm sâu của nhân lọai, một nhân lọai chìm ngập trong nghèo khó, trong bạo lực, trong tang tóc, trong bất công, trong xua đuổi đọa đày, trong đam mê nhục tình...một lối sống mở lối cho con người đi vào một thế giới an bình thịnh vượng và được tôn trọng, một thế giới mà nhân phẩm được nâng lên hàng thần thánh. Chính vì gắn bó cuộc sống mình vì hạnh phúc của đại đa số nhân lọai lầm than cay cực ấy, chính vì đòan lũ đông đảo con người đi theo các Ngài, mà lối sống ấy đụng chạm tới những cơ cấu, những tổ chức, những tập đòan quyền lực. Và bản án phải là điều tất yếu vậy. Lối sống là "muối men", là "ánh sáng" để làm cho những cuộc đời vốn bị chà đạp, bị bỏ rơi, bị bóc lột, bị xiềng xích trở thành cuộc đời là ân huệ, là sung túc và tự do vươn lên khỏi những "đáy thùng" thâm u sự chết.

 

          Từ ngàn năm trước, Isaia đã nói về lối sống như là "Ân Huệ" này bằng những thể hiện rất cụ thể của nó : "Chia bán của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng kinh bỉ xác thịt của ngươi..." "Nếu ngươi lọai bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm dọa,lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách và làm cho những người đau khổ được vui thích..."

 

          Những Lời Kinh Thánh hôm nay chính là nguồn ánh sáng chiếu rọi Niềm Tin qủa đúng là một qùa tặng nhận lãnh được để chia sẻ. Khi một Giáo Hội để cho "những chiếc thùng"vây kín cuộc sống đạo nhân danh muôn vàn quy định và nguyên tắc, Giáo Hội ấy không còn trung thành với Niềm Tin. Tôi muốn suy nghĩ về những hệ thống tổ chức công việc Bác Ái nơi này nơi khác, đã bóp nghẹt sự nhậy cảm trước muôn vàn nhu cầu cấp bách của con người, và đã cướp đi những cơ hội để con tim tiếp cận với những con người nghèo khó. Tôi nghe nói nhiều nhà thờ tại Mỹ hôm nay đã từ chối việc các linh mục đến từ các xứ nghèo xin tiền giúp đỡ của giáo dân , nếu không có sự ưng thuận của Tòa Giám Mục. Lý do là vì đã có nhiều lạm dụng, hay là bị lừa gạt, bị mất mát ...Những lý do thật chính đáng.

 

Nhưng rõ ràng mầu nhiệm của Ðức Kitô, mầu nhiệm "Hiến Chương Nước Trời", "mầu nhiệm Ánh Sáng và Muối Men" là một sự chấp nhận đành mất tất cả để có thể trở nên người bạn chí tình của ngững kẻ bị bỏ rơi, không phân biệt họ là ai. Ðức Giêsu đã chết cho Phêrô, nhưng cũng đã chết cho Giuđa, một tên phản bội. Vì thế hậu qủa là, khi con người bị cướp đi cơ hội tiếp cận với người đau khổ, họ cũng đã bị tước đọat cơ hội sống Niềm Tin của mình, và Giáo Hội trở nên già nua chỉ còn biết phung phí sự sống trong những kèn cựa lợi danh. Ðó là nguyên nhân của những giai đọan trì trệ và tàn lụi trong lịch sử Giáo Hội. Vào những thời điểm đó, lịch sử chỉ có thể được làm lại nhờ những con người biết rũ bỏ mọi cơ chế để hòa mình và đồng hành với người khổ đau như Phanxicô thành Assisi, như Gioan Bosco ở Turin, như Gioan Vianney ở xứ Ars....

 

Niềm Tin mãi mãi là "một qùa tặng nhận được, vừa là món qùa để chia sẻ".

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà