SUY NIỆM CHÚA NHẬT III-MV 2001

 

"Biết được cái thế giới trong đó Ðấng Cứu Thế "cư ngụ giữa chúng ta" là chìa khóa...."

          "Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được..." (Is.35,5)

          "Các anh cứ về thuật lại cho ông những điều mắt thấy tai nghe...". (Mt 11,4)

          Theo Chúa Giêsu, "Những điều mắt thấy tai nghe" đều mật thiết có thể trả lời cho những thắc mắc "Thầy có phải là Ðấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác". Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu vì vậy đã viết "Cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa,...,đã diễn ra trong một bối cảnh lịch sử và địa lý nhất định. Bối cảnh ấy cũng có một tầm ảnh hưởng quan trọng trên cuộc đời và sứ mạng của Ðấng Cứu Thế trong thân phận làm người. "Nơi Ðức Giêsu người Nazareth, Thiên Chúa đã nhận lấy những yếu tố đặc thù của bản tính nhân lọai, kể cả việc thuộc về một dân tộc nhất định và một xứ sở nhất định. Nét đặc thù vật lý của xứ sở và những yếu tố địa lý của miền đất ấy là điều không thể tách rời được với sự thật là Ngôi Lời đã nhận lấy thân xác con người." "Những điều mắt thấy tai nghe" cũng chính là những hòan cảnh cụ thể của không gian và thời gian, những biến cố, những thực tại xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế.

          Tuy nhiên, cũng còn phải đọc thấy trong Tin Mừng cách thức khám phá ra ý nghĩa của "những dấu chỉ thời đại" ấy. Thực vậy, "Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng...", tất cả những biến cố ấy đã được hằng trăm nghìn con mắt chứng kiến, nó cũng chỉ là những sự việc như muôn vàn sự việc khác. Cũng như bản thân Gioan Tẩy Giả một nhân vật gây chấn động khắp mọi miền đất nước vì cách ăn mặc, lối sống, những bài thuyết giảng, phép rửa và nhất là sự cương quyết bảo vệ giá trị của lề luật hôn nhân không lùi bước trước vua chúa. Nhưng mọi người đã thấy gì nơi ông? Người ta đã tống giam ông, và cuối cùng cho ông một cái chết nhục nhã. Chính Ðức Giêsu mời gọi con người tìm lại trong Thánh Kinh những quy chiếu để nhận biết thực tại : "Chính ông là người Thánh Kinh đã nói tới khi chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến". Và những gì người ta thấy Ðức Giêsu đã làm nếu quy chiếu vào lời tiên tri Isaia 35, 5 - 10, người ta sẽ nhận ra căn tính Thiên Sai Cứu Thế của Người.

          "Sự thật là Ngôi Lời đã nhận lấy thân xác con người" đã được Thánh Kinh loan báo không chỉ trong những tường thuật về biến cố Nhập Thể, Giáng Sinh, Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Giêsu, mà đúng như chính Người đã nói với hai môn đệ trên đường về Emmaus "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ." "Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh". Và thánh Gioan trong Tin Mừng còn ngược giòng về tận "Lúc Khởi Nguyên" để thấy "Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có". Sự thật là như thế, thế nên Công đồng Vaticanô II và sau đó Tông Huấn Người Kitô hữu Giáo Dân đã không ngần ngại để khẳng định "...từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngòai xã hội, tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống...học hỏi, làm việc, thiết lập những tương quan bạn bè, xã hội, nghề nghiệp, văn hóa...thực sự là một thực tại nhằm tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của mình nơi Ðức Kitô" "Chính Ngôi Lời Nhập Thể đã muốn chia sẻ tình liên đới này..."

          Những suy nghĩ trên đây mở ra trước mắt người kitô hữu giáo dân chúng ta một sự trân trọng đối với thực tại trần thế, cách riêng những truyền thống và di sản của dân tộc mình. Ðiều ấy đòi hỏi một sự kiên nhẫn và chịu đựng chờ đợi "cho tới ngày Chúa quang lâm", ngày mà thánh Phaolô vẫn thường nói là ngày "Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người"

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà