LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         2 Cô-rin-tô 13:11-13

          Ba câu của bài đọc hôm nay là lời chào kết luận thư 2 Cô-rin-tô. Thư được viết trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba, năm 53-58, có lẽ từ Ê-phê-xô. Có nhiều người cho rằng bốn chương cuối của thư 2 Cô-rin-tô đã được "viết trong nước mắt" vì cao điểm thái độ chống đối của tín hữu Cô-rin-tô đối với thánh Phao-lô. Tuy nhiên ở phần kết thư, ngài lại tỏ ra hết sức nhân từ, khẩn khoản xin họ hãy sống hiệp nhất, thuận hòa và lành thánh. Lời cầu chúc cuối thư đã được Giáo Hội sử dụng làm lời chào tín hữu khi bắt đầu Thánh lễ ngày nay. Tuy nhiên trong lời cầu chúc ngắn gọn ấy lại chứa đựng một giáo lý phong phú về Mầu nhiệm Ba Ngôi, cô đọng trong ba hình ảnh: Tình thương của Thiên Chúa Cha, ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô và ơn hiệp thông của Thánh Thần.

          a) Tình thương của Chúa Cha: Do tình thương này, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta từ hư vô, ban cho chúng ta một giá trị vượt trên mọi thụ tạo trên mặt đất. Trước tình yêu tạo dựng này, con người nhận thức được chỗ đứng của mình trong tương quan với các tạo vật khác và nhất là với Ðấng Tạo dựng (Tv 8 và 139). Tình yêu trung thành và vĩnh cửu đã không bỏ mặc con người khi họ muốn tự ý rời xa Thiên Chúa. Nhưng tình yêu ấy đã từ trời cao cúi xuống đỡ con người dậy và dìu về với mình trong một kế hoạch cứu chuộc. Kế hoạch ấy là "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3:16).

          b) Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô: Thiên Chúa trao ban cho nhân loại tình yêu của Người qua việc "ban Con Một". Chúa Ki-tô trở thành một quà tặng, nói khác đi, Ngài là một Ân sủng. Do đó, có lẽ chúng ta nên nói "Ân Sủng Giê-su Ki-tô" thay vì nói ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô. Kế hoạch cứu chuộc được thể hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô, nên Ngài vừa là Ðấng Cứu Thế, vừa là chính sự Cứu độ. Tư tưởng Thiên Chúa là Ðấng Cứu độ trong Cựu Ước và Ðức Ki-tô là Ðấng Cứu độ trong Tân Ước đã hòa nhập với nhau để nói lên cùng một chân lý: Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta. Nhìn Chúa Giê-su Ki-tô như là Ân sủng của Thiên Chúa giúp chúng ta dễ dàng khám phá ra chiều kích cứu độ của tình yêu Thiên Chúa và lời mời gọi tiếp nhận sự Cứu độ.

          c) Ơn hiệp thông của Thánh Thần: Kế hoạch cứu chuộc đã phát xuất từ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, được thể hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô và được tiếp tục do Thánh Thần. Công việc của Thánh Thần là tiếp tục hiệp nhất loài người trong Chúa Giê-su Ki-tô để đem về với Thiên Chúa. Thánh Thần thúc giục chúng ta nhìn nhận tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha được biểu lộ qua Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Thần cũng mở lòng chúng ta tiếp nhận Ân sủng là Chúa Giê-su Ki-tô. Nếu chúng ta đáp lại, nghĩa là nhận thức Chúa yêu chúng ta và bước theo lối sống gương mẫu của Chúa Giê-su, thì đó là chúng ta đang ở trong tiến trình hiệp thông của Thánh Thần để trở về với Tình Yêu Vĩnh Cửu.

          Lời cầu chúc của thánh Phao-lô không đòi chúng ta phải học hỏi những suy tư thần học cao sâu về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng nó đề cao những nét độc đáo của Tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu tạo dựng, cứu độ và dẫn đưa nhân loại về sống trong sự hiệp nhất vĩnh cửu. Lời cầu chúc cho thấy Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hoạt động hài hòa với nhau để thực hiện kế hoạch cứu chuộc như thế nào. Ðồng thời nó cũng nhắc nhở chúng ta phải có thái độ nào trước tình yêu vô điều kiện ấy. Như vậy, khi mừng kính Ba Ngôi Thiên Chúa với tất cả ý thức ấy, chúng ta sẽ có được những tâm tình thích hợp như tạ ơn, hạnh phúc, hy vọng, quyết tâm sống xứng đáng..., nhất là những gì thánh Phao-lô mong ước gặp được nơi tín hữu Cô-rin-tô: sống hiệp nhất, thuận hòa và nên trọn lành.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Khi suy niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi thường có khuynh hướng suy nghĩ về giáo lý hay về những gì cụ thể Ba Ngôi làm cho chúng ta? Ðề tài cầu nguyện "Ba Ngôi Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ tôi" sẽ giúp tôi thấy rõ hơn mối quan hệ giữa tôi với Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào?

          Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa. Vậy tôi đã nhận ra và đáp lại tình yêu ấy như thế nào?

          Làm dấu Thánh giá, lắng nghe lời chào của chủ tế lúc đầu Thánh lễ... có thực sự là những dịp để tôi "cầu nguyện" về Thiên Chúa Ba Ngôi không?

          Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ được sống trong đời sống của tôi như thế nào?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm hát một bài thích hợp, hoặc cùng đọc kinh sau đây:

          Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

          Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

          Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

          xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

          Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

          xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

          Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.

          Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

          Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

                   (Lời nguyện 32, trích trong RABBOUNI, 120 lời nguyện của bạn trẻ)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà