SUY NIỆM

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA 2002

 

        Những lời thư của Thánh Phaolô chắc chắn có liên hệ đến những lạm dụng và tục hóa trong cử hành "Bữa Tiệc của Chúa" nơi cộng đoàn Corintô. Thánh Tông Ðồ muốn tái lập lại trật tự thuở ban đầu, trật tự đặt nền tảng trên Mầu Nhiệm của chính Ðức Kitô và Thân Thể Người.

        Chắc chắn là những lạm dụng và tục hóa ấy đều xuất phát từ những bữa "agape" mà người ta thường chia sẻ trong bối cảnh "Bữa Tiệc của Chúa", mà lúc ban đầu nó thực sự đượm mầu yêu thương huynh đệ. Nhưng có lẽ người ta đã để những bữa ăn huynh đệ ấy lấn át chính cử hành "Bữa Tiệc của Chúa".

        Và lịch sử vẫn có những tái diễn.

        Giáo Hội trong trách nhiệm do sứ vụ, đã không ngừng canh tân để cử hành "Bữa Tiệc của Chúa" luôn sinh hiệu qủa tối ưu cho Dân Chúa, đồng thời vẫn trung thành với Mầu Nhiệm của Ðức Kitô và Thân Thể Người. Chính trong chiều hướng ấy, Công Ðồng Vaticanô II đã truyền dạy xử dụng tiếng địa phương trong các cử hành Phụng Vụ.

        Trong bối cảnh lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, mặc dù cũng đã có được những bản văn Phụng Vụ bằng tiếng Việt Nam, nhưng hiển nhiên là những bản văn ấy còn mang rất nhiều hạn chế. Trong một lá thư của "Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh" gần đây mang chữ ký của một đại diện, trình bày về những dư luận sau 2 lần Ðức Cha Chủ Tịch UBGMPT của HÐGMVN gặp gỡ với một vị trong Nhóm, có một so sánh giữa bản văn đang được HÐGMVN cho xử dụng với bản văn do Nhóm ấn hành (Sách Bài Ðọc). Theo đó thì bản văn của nhóm "Ðúng, và dễ hiểu". Khi khẳng định như vậy, tác giả đã để mình rơi vào một mâu thuẫn với chính mình. Bởi vì cái "Ðúng và dễ hiểu" của Lời Chúa là "nhằm giúp người ta nhận và tin vào Ðức Giêsu để được cứu độ, như thánh Phêrô khẳng định trong bài giảng đầu tiên ngày Thánh Thần ngự xuống" (xem Dẫn nhập Tân Ước số 4 a. trong Kinh Thánh trọn bộ của Nhóm PVGK). "Và Tin Mừng được rao giảng trước khi được viết thành sách. Như vậy Tin Mừng đã tạo nên nếp sống đức tin... Chính trong cộng đoàn sống đức tin ấy và để phục vụ cộng đoàn đức tin mà các sách Tin Mừng được viết ra. Do đó muốn hiểu cho đúng, phải quy chiếu vào truyền thống vẫn sống động trong Hội Thánh và quyền Giáo Huấn Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ và các Ðấng kế vị..." (sđd tr. 1839). Như thế nếu ta đối chiếu hai bản văn cùng dịch đoạn Tin Mừng hôm nay, khi một bản xủ dụng tiếng "Ta" và bên kia xử dụng tiếng "Tôi", theo thiển nghĩ của tôi, chữ "Ta" có lẽ là gần với "Ðức Tin", gần với "Truyền thống" của Giáo Hội về con người Ðức Giêsu hơn. Ðàng khác vì là bản văn để "Công Bố" Tin Mừng, để Rao Giảng Tin Mừng, bản văn càng phải diễn đạt đức tin hoàn mỹ hơn. Chính nội dung đoạn Tin Mừng cho thấy ý muốn của Ðức Giêsu muốn dùng hình ảnh "Bánh", hình ảnh "Thịt" hình ảnh "Máu" để dẫn về Thiên Tính của Ngài thì chữ "Ta" có lẽ dễ làm cho người nghe lãnh hội điều ấy dễ dàng hơn..

        Trong suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần, khi bản văn của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh và cả trong bản văn Phụng Vụ của HÐGM xử dụng chữ "Thần Khí" để gọi Ngôi Ba Thiên Chúa, thì có lẽ người ta đã qúa quan tâm về mặt phân tích ý nghĩa, mà không tôn trọng ngôn ngữ đức tin của cộng đoàn đang nói tiếng nói ấy, như vậy là cũng không đúng và càng không dễ hiểu. theo quy chuẩn Tin Mừng.

        Phương chi, nếu trở lại với đức tin vào cử hành "Bữa Tiệc của Chúa", chúng ta thấy cốt lõi của Tin Mừng mà Bí Tích này loan báo, là sự hiến dâng chính bản thân của Chúa chúng ta vì yêu thương và vì một Thân Thể yêu thương, thì "cái Ðúng và cái Dễ Hiểu" của Tin Mừng không nằm trong chữ nghĩa, mà nằm trong chính hành vi Ban Tặng, Hiến Dâng, Phó Nộp, không đòi hỏi một "lẽ công bằng", dù là "công bằng tối thiểu nhất" cho chính mình. Trong lá thư ấy, có đề cập đến bản Vulgata, tuy dưới cái nhìn chiếu luật, nhưng trong sự hiểu biết bé nhỏ của tôi, thì sở dĩ bản Vulgata được Giáo Hội quý trọng, là do cung cách của Thánh Giêrônimô đã thực hiện bản dịch này trong sự cầu nguyện và hy sinh hết mực, khiến Giáo Hội cảm nghiệm như có hoạt động tích cực của Chúa Thánh Thần nơi công việc của Người.

        Như vậy Giáo Hội đã ân cần gìn giữ Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Thân Thể Người trong mỗi cử hành Phụng Vụ theo Quy Luật Ðức Tin. Ðó là điều mà chúng ta phải luôn quy chiếu về mỗi khi tham dự vào cử hành và cũng để có một tiêu chuẩn biện biệt một phụng vụ chân thật.

        Theo đó, những yếu tố cấu thành nên phụng vụ thánh, và do đó có giá trị Loan Báo Tin Mừng, không hệ tại giá trị "vật chất" của nó, nhưng là cái "thực tại" nó biểu thị. "Thực tại" tôi muốn nói tới ở đây chính là Tình Yêu Hiến Dâng truyệt đối của Ðức Giêsu nơi bản thân con người xây dựng và cử hành phụng vụ. Cò thể xét về mặt khoa học, bản văn của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh có nhiều ưu điểm, nhưng chưa hẳn đã diễn tả cách trong sáng và nguyên vẹn đức tin của Giáo Hội Việt Nam. Giáo Hội đã có qúa nhiều kinh nghiệm đau đớn khi trong lịch sử của chính mình, những bè phái chia cắt Thân Thể Ðức Kitô đều bắt nguồn từ những khối óc vĩ đại, cách riêng trong lãnh vực Kinh Thánh.

        Giáo Hội Việt Nam cũng nằm trong một địa lý Á Châu với địa lý của Kinh Thánh   , một địa lý của các tôn giáo lớn có thể khi nói về Thiên Chúa thì vẫn thường xử dụng những kiểu nói và danh xưng đầy lòng tôn kính, nhưng không vì thế mà làm suy yếu sự kính trọng đối với con người, vốn là điểm quy chiếu của mọi nỗ lực của họ.

Khi lựa chọn những kiểu nói và danh xưng theo những quy chuẩn triết học và tâm lý học Tây Phương hiện đại, có thể nó trở thành xa lạ nếu không muốn nói là chối bỏ chính tâm hồn mình.

        Viết lên những suy nghĩ trên đây, tôi chỉ dám chia sẻ một nguyện vọng nhỏ bé: Nhìn vào Bí Tích Thánh Thể, và con đường dẫn đến Bí Tích này, tôi chỉ thấy từng lời nói, từng cử chỉ, từng tâm tình, thậm chí ngay cả những yếu tố vật chất nhất như tấm bánh và chén rượu, đó là những lựa chọn của Người Con Một để hiến tặng Sự Sống Thần Linh cho nhân loại, thì những lựa chọn hôm nay để "Tưởng nhớ đến Thầy" đừng đánh mất chính sự trao ban Sự Sống Thần Linh ấy.

        Như thế, việc UBGM về Phụng Tự của HÐGMVN có ý định thực hiện một bản dịch riêng là một điều nhất thiết thuộc trách nhiệm và sứ vụ của Ủy Ban. Chớ gì bản dịch này cũng được thực hiện trong cung cách của thánh Giê rô ni mô khi Người thực hiện bản Vulgata.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà