ĐỪNG SỢ !

Chúa Nhật 23B Thường Niên

 

Is 35:4-7a

Mc 7:31-37

Gc 2:1-5

Thế giới tràn ngập những con người nhát sợ.  Đó là điều kiện cho sự dữ sinh sôi nảy nở.  Sự dữ càng tăng cường độ khi con người thích tổng quát hóa những thực tại chỉ nhìn thấy từ  một góc độ nào đó.  Chính vì muốn tránh thảm họa cho nhân loại, Tin mừng đã muốn chúng ta nhìn thấy toàn diện thực tại, nhất là thực tại về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu thế đã đến trong thế gian.

ƠN CỨU ĐỘ MUÔN DÂN

Tin mừng Marcô hôm nay mở đầu bằng một dòng vắn tắt mô tả bước đi ngoằn ngoèo của Đức Giêsu tới miền Thập tỉnh.  “Hành trình này phần lớn qua những lãnh thổ dân ngoại.  Có lẽ thánh Marcô chủ ý nói thế để tiên báo trước về sứ mạng Giáo hội giữa chư dân.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990: 613)  Ngay trong hành trình đã có chiều hướng mở ra, chứ không khép kín trong lãnh thổ Do thái.  Người muốn cho mọi người thấy một chiều kích phổ quát và toàn diện của Tin mừng trong cộng đồng nhân loại.  Tin mừng không thể đóng khung trong một cái nhìn phiến diện nào.  Nhưng càng thấm sâu tinh thần Tin mừng, càng thấy nhiều chiều cạnh mở tung ra thế giới.

Chính vì thế, khi bắt tay vào việc mở mắt cho người mù hôm nay, Đức Giêsu cũng muốn giải thoát mọi người khỏi cảnh tăm tối với những giới hạn vô nghĩa.  Quả thực, sau khi chữa cho “một người vừa điếc vừa ngọng,” (Mc 7:32) “Đức Giêsu cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả.” (Mc 7:36)  Vừa giải thoát anh, Người lại muốn ngăn chặn đám đông muốn tôn vinh mình.  Lệnh cấm đó chỉ muốn giúp mọi người vượt quá tầm nhìn bình thường.  HoÏ chết dí vào sự kiện trước mắt, không thể đi xa hơn được.  Quả thế, khi chứng kiến phép lạ đó, họ tấm tắc : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc 7:37)  Dưới cái nhìn của họ, Đức giêsu chỉ là một ông lang tài gioÛi.  Thế thôi !  Một cái nhìn như thế cứ phóng tới chắc chắn sẽ kẹt kinh khủng cho sứ vụ của Chúa.  “Có lẽ thánh Marcô muốn nhấn mạnh: Đức Giêsu còn hơn một thầy thuốc chữa bệnh.  Căn tính của Người chỉ hoàn toàn được mạc khải trên thập giá và trong ngày phục sinh.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990: 613) 

Quả thực, trên thập giá, Người mới có thể mạc khải hoàn toàn bản chất đầy lòng thương xót của mình.  Nhưng ngay hôm nay mọi người đã chứng kiến một phần lòng thương xót đó.  Khi nhìn thấy anh chàng điếc và ngọng đó, Đức Giêsu đã động lòng trắc ẩn biết chừng nào.  Đây là một dấu chỉ về tình cảm đặc biệt Chúa dành cho anh : “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước mếng mà bôi vào lưỡi anh.” (Mc 7:33)  Đó cũng là một cử chỉ đầy ý nghĩa biểu tượng.  Chúa muốn tách anh khỏi đám đông tăm tối.

Ngón tay quyền năng trực tiếp giải thoát các chi thể anh khỏi những giới hạn lầm than và đưa anh vào cuộc sống.  Tai và lưỡi là những phương tiện cần thiết để trao đổi với mọi người và nhận những nguồn thông tin cần thiết cho cuộc sống.  Trước mặt người đời, anh  chỉ là con số không, vì thiếu cả những phương tiện căn bản nhất để sống một cuộc sống bình thường.  Bởi thế, khi trả lại cho anh khả năng nghe và nói, Đức Giêsu đã dành lại cho anh tất cả quyền làm người.  Anh có cả một cơ hội lớn để tiếp tục hòa nhập và lớn lên như mọi người trần thế. 

Chỉ cần một lời “hãy mở ra !” (Mc 7:34) Đức Giêsu đã khai thông tất cả.  Từ đám đông, anh chẳng có gì.  Nhưng nhờ quyền năng Thiên Chúa, anh có tất cả khi trở lại đám đông.  Anh có tất cả vì anh đã tin vào quyền năng Thiên Chúa.  Quả thế, “Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu có đức tin và thừa hưởng vương quốc Người hứa cho những ai yêu mến Người hay sao ?” (Gc 2:5)

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

          Anh thực sự hạnh phúc.  Nhưng tại sao anh hạnh phúc như thế ?  Anh hạnh phúc vì đã cảm nghiệm sâu xa lòng Chúa xót thương.  Chúa biến đổi đời anh.  Có lẽ không ai hiểu thấu lòng Chúa thương xót bằng anh.  Lòng Chúa xót thương là chỗ dựa duy nhất cho người tín hữu.  Có kinh nghiệm về lòng thương xót đó, mới có thể sống hạnh phúc và bình an. 

          Khi suy gẫm về lòng Chúa thương xót trong thánh vịnh 50, ĐGH Gioan Phaolô II đã coi Thánh vịnh là “một ốc đảo dành cho việc suy gẫm, nơi đó con người có thể khám phá sự dữ đang ẩn núp trong lương tâm và cầu xin Chúa thanh tẩy và tha thứ.  con người thì giới hạn và mỏng dòn, nhưng lại có khả năng xấu xa khi gieo rắc sự dữ và bạo lực, ô uế và sai lầm.” (Zenit 30/07/03)  Nhân loại thật đáng thương !  Họ rơi vào tăm tối.  Vì thế không còn nhận ra ánh sáng chiếu tỏa từ lòng Chúa xót thương. 

          Giữa một thế gian đầy tăm tối như thế, người tín hữu hãy lắng nghe một “sứ điệp hi vọng” : “Thiên Chúa có thế ‘hủy bỏ, thanh tẩy’ lỗi lầm của một tâm hồn biết thống hối.  Bởi đấy, người tín hữu ý thức mình được Thiên Chúa tha thứ.  Chính nhờ trung gian là Đức Giêsu, Đấng đã hiến dâng của lễ toàn hảo lên Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 30/07/03)  Chỉ trên thập giá Đức Giêsu mới có thể mạc khải tất cả sự thật về lòng Chúa xót thương, nguồn hi vọng duy nhất cho toàn thể vũ trụ.  Lời ngôn sứ đã loan báo từ xưa về niềm hi vọng này : “Chính Người sẽ đến cứu anh em.” (Is 35:4)  Bởi thế, dù bị bao vây tứ bề và đe dọa muôn mặt, người tín hữu vẫn được Chúa khích lệ : “Can đảm lên, đừng sợ !” (Is 35:4) vì “Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi.” (Tv 27:1)

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B