CHÚA NHẬT THỨ XXVI THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 9, 38-43.45.47-48

LỰA CHỌN KHÓ KHĂN

 

Phụng Chúa nhật hôm nay, đặc biệt bài đọc 2 và bài Tin Mừng  làm cho người nghe cảm thấy khó chịu, chói tai. Bài đọc 2, thánh Giacôbê có những lời lẽ chẳng dễ nghe đối với những người giầu có :” …hỡi những người giầu có, các ông hãy khóc lóc than van về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ông”. Lẽ dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên chúng ta nghe thánh Giacôbê nói lên những điều xem ra khó nghe này, nhưng mấy Chúa nhật trước đây, thánh Giacôbê đã từng cay cú nói về những người giầu có. Bài Tin Mừng của thánh Marcô 9, 38-43.45.47-48, Chúa Giêsu cũng đã tỏ ra cương quyết, cực đoan khi Ngài nói:” Nếu tay anh làm cho anh phạm tội, thì chặt nó đi: thàcụt tay mà được vào trường sinh còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, sa vào lửa không hề tắt bao giờ”. Nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tỏ ra rất gay gắt đối với những người giầu có, no đủ, dư đầy, Ngài nói:” Khốn cho các ngươi, những kẻ giầu có, vì các ngươi đã được ủi an rồi. Khốn cho các ngươi, những kẻ no đủ bây giờ, các ngươi sẽ phải đói khát”.

NHỮNG ĐÒI HỎI TRIỆT ĐỂ CỦA TIN MỪNG: Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, thính giả có lúc cười, có lúc khóc, có lúc cảm thấy được thoa dịu, có lúc cảm thấy bị chói tai, bị cay cú.Tin mừng của Chúa Giêsu luôn nói lên những chân lý và dậy nhân loại những bài học thật thích đáng. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm cho người đọc, nhân loại, con người hiểu được giáo huấn và  đạo lý của Đức Kitô. Quả thực, Chúa Giêsu đã có những lúc công kích, cương quyết lên án Pharisiêu, ký lục, kinh sư, biệt phái về những hành động giả hình của họ. Ngài đã có những lời gay gắt đối với những ông bà nhà giầu chỉ muốn hưởng thụ, ăn trên ngồi trốc, không biết chia sẻ, không nhân từ, sống bo bo ích kỷ: đọc dụ ngôn Lazarô và người phú hộ ta sẽ thấy cảnh tượng trái ngược giữa người giầu kếch sù và người nghèo đến tàn mạt, đến tận cùng. Đến nỗi có một lần Chúa Giêsu đã nói:” Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Trời”. Cái trớ trêu vẫn là những sự thật thực phũ phàng đã diễn ra xung quanh Chúa Giêsu trong đất nước Do Thái lúc đó, nên Chúa Giêsu dùng ngay những hình ảnh thực tế ấy để dậy dỗ các môn đệ và dân chúng. Tin Mừng luôn câu thúc con người, luôn đặt con người trước việc phải chọn lựa hoặc chọn Chúa hoặc chọn tiền của. Đã có lúc người ta muốn giản thiểu sự gay gắt của những lời Chúa dậy hoặc giáo huấn của các tông đồ. Họ đã chẳng trưng ra những ví dụ như trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài đã chẳng nói chuyện với Nicôđêmô là người giầu, có địa vị trong xã hội, Ngài đã chẳng làm bạn với Giuse Arimatia và vào nhà ăn uống với ông Giakêu là người thu thuế giầu có đó sao ? Tuy nhiên, giản thiểu lời Chúa, làm cho lời Chúa và lời các tông đồ dễ nghe, ít gay gắt hơn phải chăng là trốn chạy những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng ? Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn đặt con người trước đòi hỏi có tính quyết định liên quan đến phần rỗi của chính mỗi người chúng ta.Chọn Chúa hay chọn tiền của ?

CỦA CẢI VẬT CHẤT CẦN THẬT NHƯNG PHẢI LIÊM CHÍNH: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, con người, tạo dựng của cải vật chất vì hạnh phúc của con người. Tạo dựng nên Ađam và Evà Chúa không muốn họ túng thiếu, khốn quẩn, nhưng vì ông bà phản nghịch, tội tràn vào trần gian, khiến con người phải vất vả lao động và rồi phải chết. Con người phải đổ mồ hôi, vất vả mới làm ra của cải, vật chất, và lương thực. Thiếu thốn làm cho con người ra túng quẫn, mất quân bình, nhưng ham mê của cải quá lại là cái tội vì chỉ biết ích kỷ, bo bo, giữ riêng cho mình mà không biết chia sẻ, sớt bớt cho kẻ khác. Do đó, con tim của những con người ham tiền, ham của dễ ra chai đá, lì lợm. Bài đọc 2 của thánh Giacôbê tông đồ cho ta thấy một điều gì đó thực bất ổn, bất công: giầu có và bất công, gian lận và bóc lột. Giầu có ở đây theo thánh Giacôbê có một mối giây liên quan tới bóc lột, gian lận đối với người khác. Giầu có này không đi đôi với liêm chính, tự sức mình vất vả, đổ mồ hôi để kiếm ra của cải, nhưng là do ăn gian, biển lận. Thánh Giacôbê đã viết như sau:” Các ông đã lo tích trữ làm giầu trong những ngày sau hết” “ Các ông đã giữ lại tiền lương của những người thợ đi cắt lúa trong ruộng lúa của các ông” “ Trên cõi đất này, các ông đã ăn uống linh đình, đã buông theo khoái lạc, lòng các ông đã được thoả thuê vui thú trong ngày sát sinh “. Chúa Giêsu và thánh Giacôbê lên án, đó là những người giầu đã làm mất con người thật của mình, họ đã làm mất Nước Trời để tích trữ cho họ những điều dễ hư nát, dễ hôi thối, họ đã tích trữ” cơn thịnh nộ”của Thiên Chúa Giavê. Tiền của là phương tiện để nuôi sống con người chứ không phải cứu cánh giải thoát con người…Do đó, đã có biết bao nhiêu người thời xưa cũng như thời nay đã rơi vào cạm bẫy của bả tiền của, danh vọng, thú vui. Họ đã đánh mất tất cả: nhân phẩm, người thật của mình và làm đảo lộn cả trật tự Thiên Chúa đã thiết lập. Chính vì thế, điều hệ trọng không phải là uốn nắn lời Chúa cho phù hợp với con người mà là uốn nắn con người cho phù hợp với lời Chúa. Tin Mừng của Đức Kitô luôn đòi hỏi triệt để và đòi hỏi con người trở lại…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rõ tiền của là phương tiện cần thiết để sống chứ không phải là cứu cánh giải thoát chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống theo đòi hỏi câu thúc của Tin Mừng và không ngừng trở lại. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B