CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU

Chúa Nhật 27 B Thường Niên

St 2:18-24

Mc 10:2-16

Dt 2:9-11

 

Hôn nhân là một cộng đồng tình yêu, qui tụ những nét tươi đẹp nhất của cả vũ trụ này. Nếu không, tại sao thánh Phaolô dám so sánh hôn nhân với cuộc kết hiệp giữa Đức Giêsu và Giáo Hội (Ep 5:32) ? Nhưng vì tội lỗi, hôn nhân đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề về mọi mặt, đã đánh mất nét tinh nguyên thuở ban đầu. Bởi đó, Đức Giêsu đã đến để phục hồi những nét tươi đẹp nhất của hôn nhân trong gia đình nhân loại hôm nay.

LÝ TƯỞNG HÔN NHÂN

Mấy người Pharisêu đã giương bẫy khi chất vấn Đức Giêsu về vấn đề hôn nhân (Mc 10:2). Nếu chấp nhận ly dị, Người đã ủng hộ những thủ tục ly dị của họ. Nếu đả phá ly dị, Người sẽ bị một số người dùng luật ly dị (Dnl 24:1) chống đối. Quan trọng hơn nữa, Người có thể chọc giận vua Herod vì ông này mới giết thánh Gioan Tẩy giả dám chống lại việc ly dị và ngoại tình (Life Application Study Bible 1991: 1754). Nhưng Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Dựa trên Thánh Kinh, Người muốn mọi người trở về nguồn để thấy hình ảnh tươi đẹp của hôn nhân : “Cả hai sẽ thành một xương một thịt." (St 2:24; Mc 10:8)  Thật là một hòa hợp tuyệt vời !

Từ khởi thủy, “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà” (St 2:22). Không còn sự gắn bó nào khăng khít hơn. Trong cơn đê mê, Ađam vui sướng kêu lên : “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông.” (St 2:23)  Sự gắn bó này không dừng lại ở xác thịt, nhưng vươn tới sự hiệp nhất trong bình đẳng. Trong hôn nhân, “con người tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” (St 2:20) Hôn nhân gắn bó nam nữ trong một tình yêu sâu xa và bền chặt. Chỉ khi nào trung thành trong tình yêu đó, con người mới khám phá ra chính mình và đạt được những chiều kích lớn lao trong kế hoạch Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không tạo dựng người nữ từ hư vô hay từ bùn đất, nhưng từ cạnh sườn Adam. Sự hiệp nhất thực sự chỉ thể hiện khi hai bên tôn trọng giá trị của nhau. Trong hôn nhân, người ta không đánh mất chính mình, nhưng tìm được mình trong người khác. Mỗi người là một nhân vị độc lập, nhưng hiệp nhất trong sự tương trợ, gắn bó với nhau. Sự tương trợ không phá hủy tính độc lập. Sự hiệp nhất là một hòa điệu tuyệt vời giữa tính độc lập và tương trợ. Độc lập quá mức sẽ đẩy người ta đến chỗ phân ly hay ly dị. Nhưng “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly,” (Mc 10:9) vì tình yêu hôn nhân bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Quả thực, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:28), nhưng không giống trong sự cô độc. Chính vì thế Thiên Chúa mới phán : “Con người ở một mình thì không tốt.” (St 2:18)  Không tốt vì sự đơn độc làm giảm đi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Cũng như Thiên Chúa, con người chỉ thực sự là con người khi sống cùng và với người khác. Tự bản chất, Thiên Chúa không đơn độc, nhưng hiện hữu trong một cộng đồng Ba Ngôi. Tình yêu bao giờ cũng đòi tương quan. Tình yêu không thể thành hình nơi một cực hay một chiều. Chỉ tình yêu mới phản ánh tình yêu. Con người chỉ thực sự là hình ảnh Thiên Chúa khi yêu thương nhau. Bởi đó con người cô độc Adam phải ra khỏi chính mình, để tìm đến đối tượng tình yêu là Evà. Evà và Adam làm thành cộng đoàn tình yêu. Như thế cộng đồng Ba Ngôi tìm thấy hình ảnh viên mãn trong cộng đồng tình yêu hôn nhân. Ngược lại, hôn nhân tìm thấy lý tưởng tuyệt vời nơi tương quan Ba Ngôi. Khi đã khắn khít trong hôn nhân, người ta tìm được hạnh phúc tròn đầy, vì thể hiện được độ sung mãn tình yêu Thiên Chúa trong chiều kích nhân loại. Tình yêu nhập thể trong một bối cảnh và xác thân cụ thể. Bởi đấy càng sống trọn vẹn ơn gọi hôn nhân, càng cảm thấy sâu xa mầu nhiệm kết hiệp giữa Đức Giêsu và Giáo Hội, càng cảm thấy thấm thía tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại được mạc khải trong Diễm Tình Ca và sách Ngôn sứ Hôsêa.

Sự kết hiệp sâu xa đó như một chứng từ mạnh mẽ về tình yêu và niềm hi vọng. Giữa bao nhiêu đổ vỡ hôn nhân hôm nay, can đảm sống ơn gọi và lý tưởng hôn nhân, Kitô hữu đã chứng minh cho mọi người thấy tình yêu là sức mạnh liên kết hai trái tim bền vững trong hôn ước giữa bao sóng gió cuộc đời. Khi ly dị, người ta vừa phản bội nhau vừa phản bội Thiên Chúa. Tâm hồn phản bội sẽ không tìm được bình an, vì “hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.” (Ga 8:34)  Ly dị không xóa nhòa được dấu ấn Chúa đã ghi trong tình yêu hôn nhân ban đầu. Vì “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”(Mc 10: 12) Cuộc kết hiệp này không phản ánh tình yêu Thiên Chúa. Tâm hồn con người trở thành phức tạp, không còn đơn sơ xứng đáng với Nước Thiên Chúa nữa.

Đó là lý do tại sao sau khi đề cập tới đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân, Đức Giêsu ôm các trẻ em để mạc khải về điều kiện vào Nước Thiên Chúa : “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.”(Mc 10: 15)  Không ai thành thực hơn trẻ em. Không đâu cần thành thực hơn đời sống hôn nhân. Khi bỏ cuộc sống hôn nhân, bất chấp ý định phối hợp của Thiên Chúa, con người không còn thành tâm với chính mình và người bạn đời nữa. Mỗi đứa con là một nhắc nhở hôn nhân nhớ rằng “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”(Mc 10:14) Người ta không thể trở nên như trẻ em. Nhưng nhờ sự trung tín trong tình yêu, họ có thể tìm được nét tuyệt vời của hạnh phúc hôn nhân. Tấm lòng mỗi người sẽ mở ra như tờ giấy trắng. Họ có thể tin nhau vì hiểu rõ nhau. Nói khác, khi yêu, phải đơn sơ thành thực như trẻ em, người ta mới có thể bước vào thiên đàng trần giới tức là hạnh phúc gia đình.

CHỨNG TỪ HÔN NHÂN

Càng tìm cách tránh né thực tế, hôn nhân càng rơi vào cơn hỏa mù tình yêu. Chỉ có một cách thoát cơn hỏa mù đó là bước theo “Đức Giêsu, (Đấng) trải qua gian khổ đã trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.” (Dt 2:10) Quả thế, nếu theo Đức Giêsu, họ sẽ đi vào cuộc sống hôn nhân cũng giống như Đức Giêsu đến thế gian “không phải để lên án thế gian (mặc dù thế gian đáng bị lên án) nhưng là để thế gian được cứu độ.” (Ga 3:17)  Khi không còn yêu nhau nữa, họ chỉ sống với tâm trạng buồn bực và thái độ lên án. Họ không còn cảm thấy dịu ngọt của hoa trái tình yêu. Họ không thấy phải hi sinh và ban tặng cho nhau hạnh phúc tình yêu nữa. Họ không thể mở mắt học bài học yêu thương nơi Thiên Chúa.  Chính vì tình yêu ấy, “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.” (Dt 2:9) Khi hi sinh trọn vẹn cho nhau, vợ chồng đang thực hiện ơn cứu độ do nguồn ơn bí tích hôn phối mang lại. Như thế hôn nhân trở thành một con đường nên thánh. Chỉ khi hiến thân cho nhau, vợ chồng mới chứng tỏ mình là bạn đời của nhau. Từ đó thực tế sẽ chứng minh “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).

Ngoài đặc tính cứu độ, tình yêu còn đầy năng lực sáng tạo. Cũng như Thiên Chúa đã chứng tỏ tất cả sức mạnh tình yêu khi sáng tạo con người, vợ chồng cũng cảm thấy năng lực vô biên ấy khi thấy kết quả tình yêu nơi người con, hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa và của chính mình. Mỗi người con là một hồng ân làm phong phú tình yêu và củng cố cộng đoàn tự nhiên là gia đình. Bởi vậy, phá vỡ cộng đồng này sẽ kéo theo những hậu quả trầm trọng, không thể cứu vớt được. Thiên Chúa muốn cứu con người nên đã kêu gọi họ nhớ lại “lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ,” để “phối hợp” (Mc 10:6,8) họ thành vợ chồng. Đó là thánh ý Thiên Chúa. Sống theo thánh ý là con đường nên thánh nhanh nhất và chắc chắn nhất. Thiên Chúa muốn hôn nhân phải là hình thức tốt đẹp nhất nối kết con người trong một cộng đồng tình yêu, ở đó “con người tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” (St 2:20) Trước những thảm cảnh gia đình đổ vỡ hôm nay, Thiên Chúa cần đến hôn nhân như dấu ấn tình yêu của Người đặt giữa nhân loại.


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B