CHIỀU KÍCH VŨ TRỤ CỦA TIN MỪNG

Chúa Nhật Thăng Thiên, B

 

Cv 1:1-11

Mc 16:15-20

Ep 1:17-23

 

    Mặt trời, trung tâm của thái dương hệ, phải cách xa trái đất gần 145.000.000 cây số mới có thể tỏa sáng trên khắp trái đất. Dù cách xa như thế, nhưng sức hoạt động của mặt trời vẫn rất thiết thân và ảnh hưởng sâu xa tới sự sống trên mặt đất. Càng lên cao càng tìm được chiều kích mở rộng. Chính vì thế, Đức Giêsu hôm nay lên cao chín tầng trời để đem lại cho Tin Mừng một chiều kích vũ trụ và vĩnh cửu bằng chính sức mạnh Thánh Linh.

    Đức Giêsu đã chứng tỏ tất cả quyền năng tuyệt đối khi Phục Sinh từ cõi chết. Vinh quang Phục Sinh không thể cầm giữ Người mãi trên trái đất. Trái lại, vinh quang đó phải đạt tới mức trọn vẹn trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Nếu không đạt tới mức toàn hảo đó, chiều kích Tin Mừng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, sẽ bị trói chặt trong biên giới Do thái. Để chuẩn bị cho cuộc ra đi đó, Đức Giêsu đã củng cố niềm tin Phục Sinh nơi các ông. “Người còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”(Cv 1:3). Đó là nội dung sâu xa nhất và khẩn thiết nhất của Tin Mừng. Vì nếu Chúa không sống lại, việc xây dựng Nước Thiên Chúa không thể bắt đầu được.

    Cho đến lúc Chúa sắp về trời, các tông đồ vẫn chưa hiểu nổi chiều kích vũ trụ của Nước Thiên Chúa. Các ông còn mơ màng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Isael không”? (Cv 1:6). Chẳng lẽ Nước Thiên Chúa chỉ có chiều kích hẹp như nước Israel ? Bởi thế, dù xuất hiện với các môn đệ nhiều lần sau khi sống lại, Thầy cũng vẫn bị các Tông Đồ trì kéo vào quan niệm hẹp hòi và trần tục. Thầy cần phải lên cao, dẫn theo đám tù nhân đang bị trói buộc vì những tư tưởng nông cạn của mình. Chính khi Thầy lên cao, mắt họ đã mở “lên trời phía Người đi” (Cv 1:10). Ít nhất họ thấy Nước Thiên Chúa cũng có một chiều cao như chính thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu. Họ sẽ không còn cắm đầu xuống đất, để chỉ thấy những sự thuộc về đất. Vì “Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16:19), nên họ cũng được giải thoát khỏi những tăm tối và bừng tỉnh trước một siêu thực tại : Nước Thiên Chúa thuộc về Thiên Chúa và nằm dưới quyền của Đấng uy nghi cao cả.

    Sau khi mắt mở ra, cõi lòng cũng phải được nung nấu bằng một ngọn lửa đặc biệt đốt cháy những hàng rào giả tạo. Ngọn lửa đó chính là Thánh Linh. Ngay trong chính giới hạn trần gian, họ sẽ chứng kiến nét kỳ diệu vĩ đại. Họ không cần phải bay xa thực tế. Đức Giêsu đã kéo họ về một giấc mộng lớn sắp thành hiện thực. “Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1:4). Đã đến giờ niềm hi vọng lớn lao nhất sẽ đạt đến tận điểm. Chúa Thánh Linh sẽ đến thực hiện tất cả những điều Chúa Cha đã hứa. “Anh em trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần, anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (Cv 1:5, 8). Việc kỳ diệu nhất Thánh Linh đã thực hiện cho Giáo Hội chính là làm cho các Tông Đồ thấy được chiều kích vũ trụ của Nước Thiên Chúa và sứ mạng vô biên giới của các ngài. “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).

    Một cái nhìn như thế sẽ hướng dẫn các Tông Đồ thoát ra khỏi cảnh tù đầy tư tưởng. Tương quan sẽ mở rộng tới vô biên. Công việc thật mới lạ và vô cùng khó khăn. Thế nhưng các Tông Đồ đã hoàn toàn thành công. Đức Giêsu hoàn toàn toại nguyện vì những bước đường làm chứng vô cùng can đảm của các môn đệ. Đó là một dấu chỉ bảo đảm niềm tin Kitô không phi lý khi hướng lên “Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16:19). Nếu Đức Giêsu không được ngồi bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là không có uy quyền của Thiên Chúa và không được phong làm vua vũ trụ (Life Application Study Bible 1991:1780), các Tông Đồ mất hẳn sức mạnh làm chứng và chiều kích vũ trụ của Tin Mừng. Như thế, Người lên cao để hiện diện sâu xa hơn với Giáo Hội. Sự lớn mạnh của Giáo Hội chính là dấu chỉ về sự hiện diện sống động và mãnh liệt đó.

RA ĐI

    Một lối nhìn khô khan và chai cứng về sứ mạng làm chứng sẽ cô lập Giáo Hội. Chính vì thế, Đức Giêsu đã thúc giục các môn đệ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Các ông không thể ngồi yên một chỗ mà thấy được sức mạnh Tin Mừng lan tỏa khắp nơi. Nhưng họ phải ra đi. Ra đi khỏi chính lòng mình. Ra đi khỏi khung cảnh chật cứng của Do thái. Ra đi chấp nhận rủi ro và thách đố khắp nơi để loan báo một Tin Mừng có sức giải thoát mọi loài thọ tạo khỏi cảnh rên siết vì những ngóng chờ ơn cứu độ (x.Rm 8:22).

    Ra đi có nghĩa là phục vụ. Theo thánh Marcô, “khi nắm giữ toàn quyền trên trời dưới đất, Đức Giêsu đã chọn con đường phục vụ tha nhân” (Life Application Study Bible 1991:1780). Chính qua con đường phục vụ này, quyền bính Thiên Chúa được mọi người nhìn nhận. Vinh quang chiếu tỏa qua bóng thập giá. Không học được bài học phục vụ này, quyền bính sẽ trở thành trò hề cho thiên hạ đàm tiếu. Trái lại, sức mạnh Tin Mừng chỉ tỏ lộ khi những người rao giảng Tin Mừng biết hết lòng phục vụ. Phục vụ cho công lý và hòa bình. Phục vụ người nghèo, bệnh tật, già cả, cô đơn. Không phục vụ không thể Phúc Âm hóa môi trường và vũ trụ theo lệnh Chúa. Khắp hang cùng ngõ hẻm phải vang lên lời mời gọi của Tin Mừng. Lời mời gọi đó được nghe rõ trong cung cách phục vụ của chứng nhân Tin Mừng.

    Làm sao có thể trở thành người thực sự phục vụ Tin Mừng ? Được chia sẻ quyền bính của Đức Giêsu, nhiều người đã coi đó như một nguồn lợi kinh tế và cơ hội bước lên thang danh vọng mà ngoài đời mình không thể có được. Khi nhìn vào họ, mọi người không thấy Chúa Kitô. Nói khác, họ đã biến mình thành một thứ trung tâm. Thiên Chúa trở thành phương tiện để phục vụ cho quyền lợi của họ. Trái lại, những người phục vụ Tin Mừng đích thực luôn luôn “đặt Thiên Chúa vào trung tâm đời sống mình và xem việc tìm kiếm và mở rộng Nước Trời như mục đích của cuộc đời mình” (ĐGH Gioan Phaolô II, VietCatholic 30/5/2000). Trung tâm đó sẽ chi phối mọi hoạt động, tâm tư và cuộc sống. Ýù nghĩa cuộc sống không còn tùy thuộc vào cuộc sống, nhưng vào chính Đấng vượt trên cuộc sống. Nói khác, nếu suốt đời chỉ loan báo Tin Mừng nhằm qui tụ muôn dân vào trong vương quyền Thiên Chúa, người môn đệ Đức Kitô sẽ tạo được một giá trị cao cả nhất cho cuộc đời.

    Giá trị cao cả đó nằm ở chỗ tiếp giáp giữa văn hóa và đức tin, giữa khoa học và những giá trị tinh thần. Hơn lúc nào, giá trị đó đang gặp cơn khủng hoảng vì sự cách ly giữa tinh thần và vật chất. Người môn đệ Chúa Kitô được kêu gọi để giúp con người “vượt qua sự tách biệt chết người giữa tiến bộ khoa học và những giá trị tinh thần đang cổ võ những tập quán duy vật, đưa tới một xã hội theo nếp sống cá nhân và cạnh tranh, nguồn sinh ra bất công và bạo động, khinh thường và kỳ thị, đối kháng và chiến tranh” (ĐGH Gioan Phaolô II, L’Osservatore Romano, số 21, 24/5/2000). Chỉ nơi Đức Giêsu, Đấng đã vượt lên chín tầng trời, người ta mới tìm được một trung tâm đích thực liên kết mọi đối lực và “một giá trị khách quan và phổ quát : sự hiệp thông giữa con người và các dân tộc, một sự hiệp thông bắt nguồn từ sự kiện chúng ta là con cái một Cha, một Thiên Chúa duy nhất "là tình yêu" (1 Ga 4:8). Trong Đức Kitô, Người đưa chúng ta vào ‘thời gian viên mãn’(Gl 4:4), kêu gọi chúng ta vào một đời sống tự do đích thực đầy yêu thương và liên đới” (ĐGH Gioan Phaolô II, L’Osservatore Romano, số 21, 24/5/2000).

Lm. Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B