TRỜI MỚI ĐẤT MỚI

Chúa nhật 2 B Mùa Vọng


Bận tâm duy nhất của Hội Thánh là giới thiệu Chúa Kitô cho muôn dân. Càng ngày sứ mệnh đó càng quá tải vì nhân số tràn ngập, nhất là tại lục địa Á châu, nơi Đức Kitô đã sinh ra. Hội Thánh muốn Đức Giêsu tái nhập thể vào khung cảnh xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo Á châu. Muốn thực hiện được giấc mộng lớn đó, Hội Thánh cần rất nhiều Gioan Tẩy giả len lỏi vào mọi ngả đường Á châu để biến Giáo hội Á châu cho người châu Á, mà vẫn không đánh mất căn tính Công giáo của mình.

HI VỌNG LỚN LAO

Khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã đến với đồng bào bằng một sứ điệp quen tai người Do thái : “Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1:3; Is 40:3)   Kinh nghiệm Giuđa 100 năm cơ cực trước khi Giêrusalem sụp đổ và 70 năm lưu đày đã dạy cho dân biết phải làm gì để chuẩn bị đón Chúa.    Giữa những kinh nghiệm cay đắng và chua chát đó, Chúa đã sai ngôn sứ Isaia đến với dân bằng một giọng ngọt ngào : “Hãy an ủi, an ủi dân Ta : Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem.”(Is 40:1-2)  Lời an ủi đó có sức làm cho toàn dân phấn khởi, vì nhắc lại giao ước Chúa đã thiết lập với dân Người.

 Dân Israel bừng tỉnh trước hình ảnh vô cùng tươi đẹp của Thiên Chúa : “Kìa ĐỨC CHÚA quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền . . . Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40:10-11). Còn gì ấm áp hơn tình yêu Thiên Chúa ! Bởi vậy, họ rất sung sướng và sẵn sàng nghe theo lệnh ngôn sứ : “Trong sa mạc, hãy mở đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đâồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (c.3-5).

Tình yêu Thiên Chúa thật diệu kỳ. Để cải hóa con người, Thiên Chúa không tỏ ra uy quyền, nhưng “Người kiên nhẫn đối với anh em vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người tới chỗ ăn năn hối cải.” (2Pr 3:9)   Không ai có thể kiên nhẫn như Người, vì “đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.” (c.8)  Chính nhờ kiên nhẫn như thế, nên Chúa mới giáo dục được dân Chúa và đưa họ vào miền đất hứa. Con người không đủ kiên nhẫn, nên mới thấy như Chúa nuốt hay quên lời hứa. Nếu Người không thực hiện lời hứa, người ta có thể trách Chúa. Nhưng kỳ thực “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ” (c.9). Cứ nhìn thiên nhiên sẽ thấy cách Thiên Chúa làm việc. Nếu trong thiên nhiên còn kiên nhẫn như thế, làm sao việc cứu rỗi con người Thiên Chúa lại có thể làm một cách hấp tấp được ?

Cuối cùng cái gì phải đến đã đến. Niềm vui toàn thể nhân loại như bùng vỡ.   Đó là lúc “khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1:1). Hình ảnh hấp dẫn nhất khai mở giai đoạn mới của nhân loại là “ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (c.8).  Bộ diện đơn sơ đó hàm chứa cả một nội dung sứ điệp lớn lao. Ông đến để “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” (c.4)  Cả 400 năm, từ thời tiên tri Malachi, chưa có ngôn sứ. Thời gian đủ dài để nuôi niềm hi vọng mong chờ đấng Messia. Đức Giêsu đã xuất hiện đúng lúc đáp ứng niềm hi vọng đó.

Nhưng nếu không chuẩn bị, dân Chúa không thể lãnh nhận niềm hi vọng lớn lao ấy. Bởi vậy Gioan trở thành một biểu tượng của lòng sám hối. Lời kêu gọi của ông hấp dẫn đến nỗi “mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (c.5). Cảnh tượng nhộn nhịp đó đã nói lên niềm vui của toàn dân khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa. “Trong sứ vụ Gioan, phép rửa đã là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy con người đã quyết định thay đổi đời sống, từ bỏ lối sống tội lỗi và ích kỷ và trở về với Thiên Chúa.” (Life Application Study Bible:1991). Tất cả sức mạnh Thiên Chúa đã thể hiện trong kiên nhẫn và trung tín.

Sức mạnh đó đã được thánh Gioan khám phá nơi con người Đức Giêsu Kitô. Người chính là Tin Mừng cứu độ, một sức mạnh lớn lao và siêu việt đến nỗi Gioan cảm thấy như bị choán ngợp trước sự xuất hiện của người : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (c.7)   Sức mạnh đó không phải chỉ đẩy tới việc sám hối, nhưng đem lại sự sống mới cho muôn dân. Chính Gioan đã xác nhận điều đó : “Tôi đã làm phép rửa cho anh em trong nước ; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần,” (c.8) Đấng tác sinh và tác thánh những ai chờ đợi và sống trong nhiệm cục cứu độ vào thời cánh chung.

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

 Thật bất ngờ khi nghe nói Đức Giêsu là “’Đấng Cứu Độ thế gian sinh ra cho chúng ta,’ sinh ra tại Á châu !” (Giáo hội tại Á châu:1999) Thế ra Đức Giêsu là người Á châu ! Một sự thật đã bị bao nhiêu lớp bụi văn hóa và văn minh Âu Mỹ phủ lấp. Chúng ta phải trả Đức Giêsu Á châu cho người Á châu. Sau khi đã đi tới tận hang cùng ngõ hẻm Âu Mỹ, Chúa muốn chiếu cố đến mọi nẻo đường tối tăm và lầy lội tại Á châu, trong đó có nước Việt Nam thân yêu chúng ta.

Cho tới nay, sau hơn 2000 năm Đấng Cứu thế sinh ra tại Á châu, mới hơn hai phần trăm dân số tại đây biết đến Người. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Càng để lâu, vấn đề càng nhiêu khê và quá tải. Số thừa sai trên lục địa chiếm một nửa dân số thế giới đó chỉ như muối bỏ bể. Mọi thất bại tựu chung chỉ vì thiếu đối thoại và can đảm “chia sẻ chân lý của Chúa Giêsu Kitô với kẻ khác.” (Giáo hội tại Á châu:1991)  Chúng ta đã nhìn Á châu trong lăng kính Tây Phương.  Bao ngộ nhận vẫn tác hại đến công cuộc truyền giáo.

Thời gian quả là một thách đố cho mọi nỗ lực Giáo hội hôm nay !   Ngày nay Giáo hội vẫn cần những Gioan Tẩy giả nói với Á châu bằng ngôn ngữ Á châu, một ngôn ngữ nặng phần tinh thần và tình cảm. Tình cảm như ĐỨC CHÚA đã an ủi dân tộc Israel. Nếu không sống bằng tinh thần, dân Á châu đã bị nghiền nát trước định mệnh khắc nghiệt rồi. Phải học nơi Chúa để có thể kiên nhẫn với những con người đau khổ như vậy. Nếu không bền gan, Đức Giêsu cũng không thể cứu độ nhân loại (x.2Pr 3:9).   

Trong khổ đau, người ta mới cảm thấy nhu cầu cứu độ và có nhiều thắc mắc về kiếp sống nhân sinh.   “Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể kéo con người ra khỏi cuộc sống u mê và trả lời được những vấn đề căn bản của họ” (Zenit 1/12/2002) nơi Đức Giêsu Kitô.   “Nếu mất ý thức về Thiên Chúa, nhân loại khép kín trước tương lai và chắc chắn sẽ không thấy dược viễn ảnh lữ hành trần gian.   Tại sao sinh ra, tại sao chết ?   Tại sao hi sinh, tại sao đau khổ ?   Kitô giáo có câu trả lời trọn vẹn cho những vấn nạn đó.   Do đó, Đức Kitô là niềm hi vọng nhân loại.   Người là ý nghĩa đích thực của cuộc sống hiện tại, vì Người là tương lai chắc chắn của chúng ta.   Nhờ gặp gỡ Người và chiêm ngắm thánh nhan, chúng ta mới có sức mạnh truyền giáo để thoát ra cuộc sống tăm tối hằng ngày mà can đảm làm chứng cho Người.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 1/12/2002)    Chỉ trong Lời Chúa và Mình Chúa, Kitô hữu mới có thểø thấy “Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền,” (Is 40:10)  và chiêm ngưỡng dung nhan vị Mục tử đang “chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay” (Is 40:11)  để thiết lập cảnh “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”(2 Pr 3:13) cho “mọi người phàm cùng thấy vinh quang Đức Chúa tỏ hiện” (Is 40:5) khi  Con Chúa giáng sinh cứu độ muôn dân.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B