CON ĐƯỜNG HOÀ BÌNH

Chúa nhật 4 B Mùa Vọng

                                                  

 Con người tưởng không gì có thể ngăn cản tiến bộ nhân loại.  Nhưng giới hạn vẫn còn đó.  Bao kế hoạch, chương trình dở dang.  Bao uớc mộng ngổn ngang.    Có một Đấng không bị lệ thuộc vào bất cứ giới hạn nào. Người có thể làm tất cả để thực hiện chương trình cứu độ. Cộng tác vào chương trình đó, Đức Maria đã trở thành khuôn mặt phản ánh nguồn ân sủng và quyền năng Thiên Chúa. Mẹ đã làm tất cả những gì cần thiết để đem Con Chúa vào đời.

GIỜ ĐÃ ĐIỂM

Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ con người, nhất là khi hứa với thánh vương Đavít : “Vương quyền ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7:16). Lời hứa đó làm sao thành hiện thực nếu Con Thiên Chúa không làm người để con người trở thành con Thiên Chúa ? Đã đến lúc thực hiện kế hoạch đó. Bởi vậy sứ thần Gabriel đã được Thiên Chúa sai đến với Trinh Nữ Maria tại Nazareth. Trong khung cảnh nhỏ bé và âm thầm hôm đó, tất cả bí mật trời đất được mạc khải. Trời đất đi vào một tương quan mới, tương quan tình yêu.

Tất cả đều diễn ra ngoài sức tưởng tượng. Khi được sứ thần đễ nghị: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:31), Trinh Nữ Maria ngạc nhiên : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c.34). Đó là việc vượt quá sức tưởng tượng và ngoài khả năng của một trinh nữ. Nhưng Trinh Nữ được trấn an ngay : “ Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà.” (c.35).  Tất cả đều dễ như trở bàn tay,“vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (c.37)   Tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, Đức Maria đã dấn thân: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (c.38)

 Thế là kế hoạch cứu độ đã khởi đầu từ thái độ đầy khiêm cung của Đức Trinh Nữ. Chính vì thế, sứ thần mới ca ngợi : “Bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (c.30)   Lời “xin vâng” sẽ ảnh hưởng tới toàn thể cuộc đời và sứ mệnh của Đức Giêsu trong suốt hành trình về nhà Cha. Đức Giêsu đã thừa hưởng một nền giáo dục lý tưởng từ một “Đấng đầy ân sủng” (c.28) và chan chứa niềm vui vì Đức Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn và cuộc sống.   Suốt đời Mẹ không bao giờ sợ hãi như khi mới gặp sứ thần, vì Con Mẹ “sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (c.35), nhất là vì “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít.” (c. 33)  Bởi vậy dù bị dồn tới chân tường, như khi vua Hêrôđê lùng bắt Con hay khi Con bị căng thây trên thập giá, Mẹ không hề khiếp sợ và tuyệt vọng.   Trái lại Mẹ vẫn tin tưởng vào quyền năngï tuyệt đối của Thiên Chúa nơi Người Con độc nhất.

Như thế, Con Mẹ chính là Đấng Messia đã đến thỏa mãn mọi nguyện vọng của dân tộc Israel. Bao nhiêu năm mòn mỏi đợi chờ, nay họ mới được chiêm ngắm dung nhan của Đấng nhân danh Chúa mà đến. Nhiều ngôn sứ đã nhân danh Thiên Chúa đến với dân chúng. Nhưng khác với họ, Đức Giêsu đến với tư cách là “Con Thiên Chúa” (c.35).   Không có tư cách này, Đức Giêsu cũng tầm thường như các ngôn sứ khác. Nhưng với tư cách “Con Thiên Chúa”, Đức Giêsu có thể cứu độ toàn thế giới. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phải can thiệp đặc biệt vào việc truyền tin cho Trinh Nữ Maria, một “nữ tỳ của Chúa” (c.38).

Sau lời “xin vâng”, Đức Maria đã khiến Con Thiên Chúa nhập thể cứu đời.  Mẹ thật là gương mẫu tuyệt vời cho tất cả Kitô hữu.  Lời “xin vâng” của Mẹ không nặng tính thụ động. Trái lại, nhờ đó Mẹ đã tích cực cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ đã làm cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”(Mt 6:10)   Hằng ngày chúng ta cũng đọc một lời kinh như Mẹ. Ý Cha bao giờ cũng nặng tình yêu cứu độ. Dưới lăng kính này, Ý Cha thật tuyệt vời. Chấp nhận và thi hành Ý Cha sẽ biến chúng ta thành những người nhà của Thiên Chúa.

Chính vì luôn thực thi Ý Cha, Mẹ Maria đã trở thành “Đấng dầy ân sủng” (c.28) và luôn “đẹp lòng Thiên Chúa” (c.30). Tuy thế không phải đời Mẹ lúc nào cũng toàn hoa hồng.  Trái lại, Mẹ đã phải phấn đấu rất nhiều, nhất là khi thấy Con Mẹ bị thiên hạ chối bỏ và giết chết.  Không có lời “xin vâng” của Mẹ, không biết chương trình cứu độ sẽ ra sao ?!  Bởi vậy, Mẹ đã góp phần rất lớn vào sự nghiệp Con Chúa trên trần gian.  Lời “xin vâng” đã đưa Con Chúa vào đời.  Trong khiêm cung, Đức Mẹ đã hủy mình ra không để Thiên Chúa trở thành tất cả trong mọi sự.  

Ý CHA TRONG THIÊN NIÊN KỶ MỚI

Chính vì thế, Đức Mẹ đã trở thành tụ điểm hiệp nhất Kitô hữu.    Giáo sư  Stephan Tobler thuộc đại học Tubingen Đức, một nhà thần học Tin Lành Cải cách hàng đầu, đã nói : “Thiết tưởng các giáo hội Tin Lành có thể lại thấy Đức Maria như hình ảnh con người hoàn toàn mở lòng ra với Thiên Chúa khi thưa ‘xin vâng’, khi nói ‘hãy làm tất cả những gì Người nói với các anh’, khi đứng dưới chân cây thánh giá, khi hiện diện trầm lặng bên các môn đệ.” (Zenit 12/12/2002)    Thực vậy, “đi qua các cảnh tượng trong kinh Mân Côi với Mẹ Maria như đi vào trường học Mẹ Maria để học về Chúa Kitô, thấm nhuần các mầu nhiệm, thấu hiểu sứ điệp của Người.  Chuỗi Mân côi còn đẩy mạnh cả tinh thần đại kết.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 12/12/2002)  Giáo sư  Stephan Tobler cùng chia sẻ  quan điểm đó với Đức Thánh Cha khi nói : “Trong bức tông thư, ĐGH nói cần phải tái phát động kinh Mân côi trong kinh nguyện Kitô giáo.   Người nhấn mạnh rằng còn hơn một lời nguyện, kinh Mân côi là một sự chiêm ngắm mầu nhiệm.  Ngày nay chắc chắn tính nhậy cảm và sự tìm kiếm trước tiên đòi tái khám phá  một nơi cho trái tim ngủ yên, linh hồn chiêm nghiệm những mầu nhiệm Thiên Chúa và cả những đường lối có thể thực hiện điều đó.   Trong truyền thống riêng, chúng tôi phải tái khám phá những phương thức tương đương, tương tự.” (Zenit 12/12/2002)   Sau bao năm đối thoại với Giáo hội Công giáo, anh em Tin Lành mới bắt đầu thấy được con đường đến với Chúa Giêsu ngang qua Đức Maria. Thực tế, nhiều người thành tâm cũng đã gặp Chúa Cứu thế, khi thấy bóng dáng Đức Maria nơi các tín hữu.  Thực vậy, nếu tất cả Kitô hữu đều sống niềm tin Maria, chắc chắn ơn cứu độ sẽ đến với mọi người.  Niềm tin ấy đã khiến Đức Maria hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa và luôn suy niệm để tìm ra thánh ý Thiên Chúa qua các sự kiện trong cuộc đời (x. Lc 2:15-20).

Còn một cuộc đối thoại khác, vô cùng cần thiết cho việc Phúc âm hoá và nền hoà bình thế giới.   Thật vậy, trong khung cảnh văn hóa Á châu, không có gì tế nhị cho bằng việc đối thoại với các tôn giáo để tìm ra thánh ý Chúa.  Thánh Linh đã và đang hoạt động trong tất cả các tôn giáo, chứ không riêng Kitô giáo.  Không cộng tác với các tôn giáo khác, không thể khám phá ra đường nét tuyệt vời của Thánh Linh trong tâm hồn những nguời dân Á châu.  Cụ thể hơn, trên quê hương chúng ta các tôn giáo như  Cao đài, Hòa hảo cũng tôn kính Đức Giêsu như một vị tiên tri (?)    Số tín đồ lớn lao trong các tôn giáo hứa hẹn một mùa gặt lớn lao cho Giáo hội.  Thánh ý Chúa đang xoay chuyển về Á châu để cứu độ muôn dân. 

Từ các tôn giáo lâu đời đó, một truyền thống cầu nguyện vô cùng quí báu sẽ giúp chúng ta khám phá một đường lối kết hợp với Thiên Chúa phù hợp với lòng tin dân tộc đặt nơi Oâng Trời.   Sau bao thế kỷ chung nhịp với quê hương, Đạo Phật vẫn không xóa nổi hình ảnh Ông Trời trong niềm tin dân tộc. Từ lòng tin đó phát xuất một lối cầu nguyện đầy tình cảm.   Hơn lúc nào, cầu nguyện là nối kết mọi lòng tin khác nhau cho nhu cầu hoà bình thế giới. Thật vậy, “cầu nguyện cho hoà bình là mở rộng trái tim con người cho quyền năng Thiên Chúa xâm nhập vào để canh tân mọi sự.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Thông Điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2002)   Trong chiêm niệm và cầu nguyện, Đức Maria đã đón rước Thái tử Hoà bình vào cuộc sống nhân loại.

 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B