TỔ ẤM

Lễ Thánh Gia


"Gia đình chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa Á Châu" (Giáo hội tại Á châu:1999). Nét đặc sắc của văn hóa dân tộc cũng phát xuất từ gia đình. Thành công hay thất bại cá nhân thường tùy thuộc vào gia đình. Do đó không thể không xét đến vai trò gia đình trong những liên hệ tới cá nhân, xã hội và Giáo hội.

Nhưng làm sao có thể thấy được tất cả mọi ngõ ngách cuộc sống gia đình, nếu không nêu lên được một lý tưởng gia đình ? Còn lý tưởng nào cao đẹp hơn Thánh Gia, nơi chính Con Thiên Chúa đã được dưỡng nuôi, giáo dục và trưởng thành ? Chính Người đã thánh hóa đời sống gia đình và biến Thánh gia thành nguồn suối tuôn trào ơn cứu độ cho toàn thể gia đình nhân loại.

THEO BƯỚC THÁNH GIA

Một cảnh thật đầm ấm, Thánh gia quây quần trong đền thờ. "Cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người"(Lc 2:27). Tinh thần vâng phục lề luật được thể hiện rõ ràng, vì cha mẹ Người đã nhìn thấy thánh ý Thiên Chúa trong tập tục thánh đó.

Khi tiến vào đền thánh để thi hành lề luật, Thánh gia đã đem cả hai giao ước tới điểm cánh chung. Chính trong việc vâng lời lề luật của Thánh gia, Cựu ước đã đạt tới mức viên mãn. Đồng thời một chế độ Tân ước đã mở ra với những nét khai phóng. Nét mới lạ ở đây tập trung quanh những nhân vật chính là Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Tất cả Thánh gia đã được cụ già Simêon đón tiếp vào trong đền thờ Thiên Chúa như những thượng khách, hơn nữa như những nhân vật chính sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Từ nay đền thờ sẽ mang một khuôn mặt mới, vì chính Đấng thánh hóa đền thờ đã ngự đến.

Tất cả những lời cụ già Simêon đều liên quan tới sứ mạng hai Mẹ Con sẽ thực hiện cho toàn thể nhân loại. Simêon vui sướng vì đã được thấy tất cả chiều kích lớn lao của ơn cứu độ : "Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân.   Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, Là vinh quang của Israel Dân Ngài." (Lc 2:30-32)    Vinh quang đó chính là "ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người", nhưng thế gian lại không nhận biết Người. "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận." (Ga 1:10 -11)   Đó chính là bi kịch Simêon tiên báo với cha mẹ Đức Giêsu : "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng." (Lc 2:34) Thánh giá đã giãi bóng vào đền thờ. Nếu không có Thánh giá, ơn cứu độ cũng chẳng đến với muôn dân. Thánh gia cùng chia sẻ Thánh giá khi lời tiên tri hướng thẳng về Mẹ : "Còn chính bà, thì một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra."(c.35)

Chính nhờ sự cộng tác chặt chẽ với Đức Giêsu, Thánh gia đã góp phần lớn lao vào công cuộc cứu độ muôn dân.    Khó khăn lớn nhất trong công cuộc lớn lao đó chính là dưỡng dục Hài nhi Giêsu để làm sao "ngày càng lớn lên thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa."(c.40)  Cha mẹ đã vâng phục "như Luật Chúa truyền,"(c.39) và đã uốn nắn Hài Nhi theo đúng tinh thần con cái Chúa. Nhờ vậy, suốt đời Đức Giêsu mới luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Đó chính là hoa trái tốt đẹp nhất của gia đình. Nhìn thấy Đức Giêsu ngày càng trưởng thành trong ân sủng như thế, cha mẹ Người chắc chắn phải hài lòng và thầm cảm tạ Thiên Chúa. Cha mẹ Người đã tìm thấy được tất cả ý nghĩa cuộc đời trong thành quả lớn lao đó. Mồ hôi, nước mắt đổ ra không uổng công. Chắc hẵn nhiều lần, cũng như bà tiên tri Anna, cha mẹ Người cũng "nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem."(c.38)

GIÁO HỘI TẠI GIA

Dõi vết chân Thánh gia, "các gia đình Kitô hữu ngày nay được kêu gọi làm chứng cho Tin Mừng." (Giáo hội tại Á châu:1999) Nhưng muốn thi hành được sứ mạng cao cả đó, trước hết gia đình phải được thánh hóa trong sự thật. Nghĩa là "gia đình Kitô hữu, cũng như Giáo hội nói chung, phải là một nơi mà chân lý Tin Mừng là luật sống và là ân huệ mà các phần tử gia đình mang đến cho cộng đồng rộng lớn hơn."(GHTAC:1999) Tin Mừng chỉ thực sự trở thành động lực thúc đẩy gia đình dấn thân, khi mọi người đều được Phúc Aâm hóa. Thánh Phaolô khuyên : "Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Anh em hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo."(Cl 3:12-14) Đây không phải chỉ là những đức tính nhân bản. Vì chính nhờ Thánh gia, những đức tính ấy đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn người.

Một đức tính nổi bật nhất trong khung cảnh gia đình, đó là lòng hiếu thảo. Đức Giêsu đã là một đứa con ngoan khi vâng lời cha mẹ giữ tất cả những điều luật lệ và cha mẹ truyền. Nếu không, chắc chắn Người đã không thể trưởng thành như vậy. Người ý thức rất rõ "luân lý Do thái đề cao việc thảo kính cha mẹ. Mệnh lệnh này trổi bật trong mười điều răn, tiếp ngay sau giới răn mến Chúa và trước các liên hệ với tha nhân."(Ex 20:12; Đnl 5:16) (Faley:1994)  Luân lý đó rất phù hợp với thiên nhiên và phong tục của các dân tộc Á châu, trong đó có Việt Nam. Thật vậy, "các giá trị gia đình như lòng hiếu thảo, tình yêu và sự chăm sóc kẻ già và bệnh hoạn, tình yêu trẻ con và sự hài hòa, đều được quý trọng nhiều trong tất cả các nền văn hóa và truyền thống tôn giáo Á châu."(GHTAC:1999)

Cha mẹ chiếm một chỗ đứng thật quan trọng trong cuộc sống, con tim và truyền thống Việt Nam. Chữ hiếu không bao giờ lỗi thời, vì không bao giờ có thể quên : “Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Chính khi thi hành đạo hiếu, chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa và "sống ơn gọi Kitô hữu cách khiêm tốn và trong tình yêu."(GHTAC: 99) Cha mẹ trở thành điểm gặp gỡ giữa đất trời, điểm qui tụ "Giáo hội tại gia"(LG 11)  Thực vậy cha mẹ có thể "cử hành những nghi lễ xứng hợp do cha mẹ chủ sự" và "tạo dịp thuận tiện để cầu nguyện, đọc và suy niệm Kinh Thánh." (GHTAC:1999)  Đó là những lúc giáo dục tốt nhất vì "điều đó sẽ giúp gia đình Kitô hữu trở nên tổ ấm Tin Mừng hóa, nơi mỗi phần tử kinh nghiệm tình yêu Thiên Chúa và truyền sang cho người khác."(GHTAC: 99)  Sức mạnh gia đình càng tăng triển khi liên kết với sinh hoạt giáo xứ, "chia sẻ các bí tích, nhất là bí tích Thánh thể và Sám hối, và dấn thân phục vụ người khác." (GHTAC:99)

Giáo hội đang quan tâm rất nhiều tới gia đình, vì "gia đình là một trong những thành viên hữu hiệu nhất trong việc rao giảng Tin Mừng", và vì "tương lai thế giới và Giáo Hội thông qua gia đình."(GHTAC:99)    Nhờ gia đình, ngay cả trẻ em cũng có thể trở thành những tông đồ tí hon xây dựng Nươc Chúa. Thực vậy, "các trẻ em có vai trò trong việc rao giảng Tin Mừng, vừa ở gia đình của chúng vừa ở trong cộng đồng rộng lớn hơn."(GHTAC:99)  Biết bao cha mẹ đã trở lại vì con cái  . . .

 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B