Chúa Nhật IV mùa Chay, B

21-3-2009

 

          Trong cái rủi lại có cái may.  Từ một thực tại xấu, Thiên Chúa có thể rút ra một thực tại tốt.  Từ cuộc đổ vỡ trong công cuộc tạo dựng nhân loại, Thiên Chúa lại tái tạo nó đẹp đẽ hơn theo hình ảnh Con Một Người là Chúa Ki-tô.  Tái tạo hay phục hồi là một đề tài lớn của Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay và Phục Sinh.  Nhưng động lực tình yêu khiến Thiên Chúa thực hiện việc tái tạo này mới là cao điểm suy niệm.  Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua biến cố lịch sử Người giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ, nhưng đó chỉ là hình bóng tiên báo tuyệt đỉnh tình yêu qua hành động Thiên Chúa “sai Con của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17).

1.  Lịch sử Ít-ra-en:  yêu cho roi cho vọt (bài đọc Cựu Ước – 2 Sb 36:14-16.19-23)

          Một đoạn sách Sử biên niên tiêu biểu như bài đọc Cựu Ước hôm nay cũng đủ để phác họa tất cả lịch sử dân Chúa với ba nét chính:  Ít-ra-en bất trung với Thiên Chúa và không chịu hối cải – Thiên Chúa trừng phạt họ, thường là họ bị phát lưu hoặc bị lân bang đánh phá – Thiên Chúa thương xót tha thứ và tái thiết Ít-ra-en.  Lịch sử dân Chúa không chủ yếu xây dựng trên những cột mốc năm tháng, nhưng trên mối quan hệ yêu thương thăng trầm và đổi thay giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en.  Lịch sử khởi đầu bằng một sự tuyển chọn từ phía Thiên Chúa.  Người đã kêu gọi Áp-ra-ham làm tổ phụ của một dân riêng với hy vọng dân này sẽ luôn luôn nhìn nhận Người là Đức Chúa của họ và phụng thờ Người, đồng thời tuân giữ luật pháp Người ban cho họ là Mười điều răn.  Mà đã tuyển chọn và kêu gọi thì cần phải có sự đáp lại của Ít-ra-en.  Do đó, mỗi khi dân Chúa quay mặt về phía các tà thần và không đáp lời gọi sống theo luật Chúa là họ đã lỗi phạm sự trung thành đối với Người.  Với thân phận làm Cha, Thiên Chúa muốn con cái Người luôn luôn ngoan ngoãn nên mới sửa dạy, sửa dạy bằng những hình phạt nhằm đánh thức lương tâm và giúp họ sống theo đường lối của Người.  Việc sửa dạy này đòi hỏi kiên nhẫn và đầy lòng bao dung khoan thứ.  Ta có cảm tưởng Thiên Chúa chạy đua với lỗi phạm của loài người.  Tội lỗi loài người càng nhiều thì lòng nhân từ thứ tha của Chúa càng tăng gấp bội.  Điều này thánh Phao-lô đã phát biểu trong thư gửi tín hữu Rô-ma:  “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (5:20).

          Tuy nhiên ta cũng đọc thấy trong lịch sử dân Chúa không biết bao lần Người đã trừng phạt Ít-ra-en.  Phải chăng Thiên Chúa ghét bỏ Ít-ra-en?  Không bao giờ.  Trái lại những trừng phạt ấy luôn luôn nhằm hai mục đích.  Về phía Thiên Chúa, chúng là dấu chỉ biểu lộ lòng thương xót của người Cha nhân từ không bao giờ nỡ hủy diệt hay loại bỏ những gì Người đã tuyển chọn.  Về phía loài người, trừng phạt của Chúa nhắm mục đích nhắc nhở kêu gọi họ hãy bỏ đường tà mà trở về sống theo luật pháp Chúa.  Cha mẹ nuông chiều con cái, chúng sẽ dễ hư mất.  Trái lại, răn bảo, la mắng hoặc đôi khi đánh đòn sẽ là những phương tiện nhắc nhở chúng sống cho đúng theo ý tốt của cha mẹ.  Cũng vậy, những lần dân Chúa bị ngoại bang xâm chiếm và bắt đi làm nô lệ là những lần giúp họ nhìn lại lỗi lầm bất trung của họ và lối sống đi ngược với Lề Luật.  Những khổ đau nhục nhằn của kiếp sống lưu đày là những ngọn roi tuy làm cho người ta đau đớn nhưng lại đầy yêu thương và nhân từ của vòng tay người Cha hoang đàng về tình thương yêu con cái. 

Để hiểu rõ hơn mục đích của những trừng phạt này, ta cứ đọc kỹ ba đoạn Kinh Thánh trong bài đọc Cựu Ước hôm nay.  Đoạn thứ nhất (2 Sb 36:14-16) cho thấy lỗi lầm to lớn của dân Ít-ra-en làm cho Thiên Chúa “bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa”.  Đoạn tiếp theo (2 Sb 36:19-21) cho thấy mức độ vô phương cứu chữa.  Làm sao có thể tái thiết Giê-ru-sa-lem và nhất là thoát ách nô lệ của vương quốc Ba-tư!  Đoạn thứ ba (2 Sb 36:22-23) ghi lại sự kỳ diệu của việc Thiên Chúa can thiệp.  Ai có thể ngờ được Thiên Chúa dùng chính bàn tay của kẻ thù Ít-ra-en để tạo điều kiện và hô hào dân Ít-ra-en xây dựng Nhà Chúa tại Giê-ru-sa-lem?  Nhất là lời động viên dân Chúa trong sắc chỉ của vua Ky-rô càng khiến ta suy nghĩ:  “Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên…!”  Rõ ràng là Thiên Chúa không “quá giận mất khôn” như ta nghĩ.  Nhưng Đấng thấu suốt lòng dạ con người biết con cái mình sẽ hối lỗi ở mức độ nào của sự trừng phạt.  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói đến cái biết này của Thiên Chúa:  “Cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn” (2 Sb 36:21).  Đất có được nghỉ một thời gian thì sau đó mới có thể trồng trọt phì nhiêu.  Cũng vậy, những năm tháng lưu đày sẽ là thời gian để Ít-ra-en tăng triển lòng tin và trung thành với Thiên Chúa.  Đó cũng chính là điều thường xảy ra trong cuộc đời tín hữu.  Gian nan cuộc đời thường là những nhắc nhở hoặc chuẩn bị ta thêm lòng tín thác nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

2.  Thiên Chúa định nghĩa tình yêu là gì (bài Tin Mừng – Ga 3:14-21)

          Con người tốn bao nhiêu giấy mực để định nghĩa tình yêu mà cũng chẳng nói hết được ý nghĩa của nó.  Còn Thiên Chúa có lối định nghĩa tình yêu hoàn toàn khác, nhưng lại vô cùng sâu sắc và thực tế.  Tình yêu chỉ có thể định nghĩa đầy đủ bằng hành động, chứ không thể diễn tả bằng lời nói suông.  Cho nên đối với Thiên Chúa, yêu là ban tặng.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

          Thiên Chúa yêu thương Ít-ra-en nên đã cứu họ thoát khỏi cái chết đời này, cái chết trong nô lệ cho ngoại bang, như bài đọc I hôm nay đã nhắc tới.  Đó là hình bóng nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại đang bị kiềm tỏa do cái chết đời đời bởi tội lỗi.  Thiên Chúa yêu nhân loại nên tìm đủ mọi cách để cứu vớt nhân loại khỏi cái chết đời đời ấy.  Với dân Ít-ra-en, Người dùng vị thủ lãnh của nước Ba-tư để giải phóng dân Người và tái thiết Giê-ru-sa-lem.  Còn với toàn thể nhân loại, Thiên Chúa đã trao nộp Con Một là Chúa Ki-tô cho họ, để Ngài phải hy sinh mạng sống mà cứu họ khỏi cái chết vĩnh cửu.  Trên thế gian, người ta yêu thương và tặng quà, có thể là những món quà thật đắt tiền, nhưng chẳng ai dám lấy mạng sống con ruột mình để làm quà tặng cả.  Vậy mà Thiên Chúa đã làm như thế.  Với Người, Con Một thật đáng quý giá chừng nào, nhưng Người lại đánh đổi để lấy lại nhân loại, như thế đủ biết Người yêu thương nhân loại đến mức ta không thể lấy gì mà đo lường được.  Món quà càng trân quý đối với người tặng bao nhiêu thì tình yêu của người tặng dành cho người được tặng càng lớn lao bấy nhiêu. 

“Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã phục hồi mọi sự”, đó là một luận đề chính trong giáo lý của thánh Phao-lô.  Không những Chúa Ki-tô đã khởi đầu công cuộc phục hồi cho ta danh nghĩa làm con Thiên Chúa nhờ cuộc Thương khó và Phục sinh của Người, Người còn trở nên gương mẫu và nguyên lý phục hồi quyền dưỡng tử của ta.  Nói khác đi, chẳng những ta được làm con Thiên Chúa nhờ Bí tích Rửa tội, mà ta còn được cùng đồng hành với Chúa Ki-tô để sống tình con cái với Thiên Chúa là Cha của Chúa Ki-tô và của ta nữa.  Chúa Ki-tô là sự thật và ánh sáng.  Sự thật ấy cho ta biết Thiên Chúa yêu thương ta đến độ hy sinh Con Một vì ta.  Ánh sáng ấy là gương mẫu và dẫn dắt ta sống như con cái Thiên Chúa.  Do đó để kết thúc cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, Chúa Giê-su đã khẳng định:  “Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ:  các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:21).  Nghĩa là nếu ta muốn sống đúng với Sự Thật là Thiên Chúa yêu thương ta, thì ta hãy đến với Ánh Sáng là Chúa Giê-su, để tất cả đời ta, lời nói, việc làm, tư tưởng đều được diễn tiến trong Thiên Chúa.

3.  Qua Chúa Ki-tô, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người dành cho ta (bài đọc Tân Ước – Ep 2:4-10)

          Thánh Gio-an diễn tả tình yêu của Thiên Chúa là việc trao ban Con Một, còn thánh Phao-lô lại muốn nói cách thức Thiên Chúa yêu thương ta qua cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Ki-tô.  Hai nhà thần học tiên khởi của Ki-tô giáo cùng nhìn một vấn đề, nhưng dưới khía cạnh khác nhau.  Nhưng cả hai đều muốn nói lên một điểm chung:  Thiên Chúa rất mực yêu thương và giàu lòng thương xót.  Tuy nhiên thánh Phao-lô muốn khai triển về phía con người được lãnh nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.  Tình yêu Thiên Chúa đã cho ta là những kẻ đã chết vì sa ngã của tổ tông lại “được cùng sống với Đức Ki-tô”.  Đây chính là điều ta cần phải suy nghĩ để biết cách đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.  Vì yêu ta nên Thiên Chúa mới tạo điều kiện cho ta “được cùng sống với Đức Ki-tô”, nghĩa là cùng với Chúa Ki-tô làm một cuộc biến đổi, một cuộc sống mới.  Chúa Ki-tô đã khai mào cho một cuộc Tạo dựng Mới.  Trong cuộc Tạo dựng Mới này, “chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10).  Như vậy là thánh Phao-lô đã cho ta thấy rõ ra phải làm gì rồi, nghĩa là ta phải “sống mà thực hiện công trình tốt đẹp” của Thiên Chúa, tức công trình cứu độ của Người.  Mỗi ngày sống của ta là một ngày ta thực hiện một chút công trình cứu độ của Chúa nơi ta.  Cứ thế, sau khi ta đi hết những ngày trên trần gian này, ta sẽ đạt tới đích là “được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2:6).

4.  Sống Lời Chúa

          Càng gần lễ Phục Sinh, Phụng vụ Lời Chúa càng cho ta thấy rõ hơn vai trò cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô.  Người đã lấy tất cả cuộc đời Người để nói cho ta biết Thiên Chúa yêu mến và muốn cứu độ ta.  Người mời gọi ta đến với Người để bắt đầu một hành trình sức sống mới, sống như “tác phẩm Thiên Chúa đã dựng nên trong Đức Ki-tô”.  Mời gọi này quả thực là một thách đố cho ta nếu ta muốn thành tâm đáp lại.  Tuy nhiên ta cũng phải ý thức rằng được mời gọi làm cuộc hành trình sức sống mới này còn là một “ân sủng” Thiên Chúa ban cho ta vì Người yêu thương ta.  Ân sủng là do Thiên Chúa, nhưng lòng tin là đáp lại từ phía chúng ta vậy.

Suy nghĩ:  Chúa Giê-su lập đi lập lại nhiều lần:  “Ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.  Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi đã sống niềm tin này như thế nào?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa.  Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động, để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật IV mùa Chay).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B