Chúa Nhật 21 mùa Thường niên, B

2009

 

          Kết thúc bài giảng về bánh trường sinh, Chúa Giê-su mời gọi ta:  “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:56).  Lời mời gọi này đòi người ta phài dứt khoát quyết định:  hoặc bỏ Người mà đi, hoặc trung thành theo Người.  Đó là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay được quảng diễn qua sự kiện dân Chúa trong Cựu Ước quyết tâm phụng thờ Đức Chúa và sự kiện các Tông đồ trung thành làm môn đệ của Chúa Giê-su.  Bài học trung thành ấy được áp dụng vào mối quan hệ giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội.

 

1.  Dân Ít-ra-en quyết tâm trung thành với Chúa (bài đọc Cựu Ước – Gs 24:1-2a.15-17.18b)

 

          Sau khi hoàn tất nhiệm vụ đưa dân Chúa vào đất hứa và nhận thấy ngày cuối đời đã gần kề, ông Giô-suê triệu tập đại hội toàn dân tại Si-khem.  Nói với họ, ông nhắc lại những điều Thiên Chúa thực hiện cho Ít-ra-en, kể từ thời các tổ phụ tới thời gian sống nhờ bên Ai-cập, cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ô và trở về đất hứa.  Rồi ông yêu cầu họ dứt khoát quyết định phụng thờ Chúa hay phụng thờ các thần ngoại.  Ông cũng không ngại cho dân chúng biết ông và gia đình nhất quyết phụng thờ Thiên Chúa.  Toàn dân đồng thanh đáp lời kêu gọi của ông:  “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24:18b).

          Quả thực đây là một trang sử đẹp của dân Ít-ra-en.  Cảm nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa còn đậm nét và những biến cố lịch sử mới xảy ra không lâu đã giúp cho họ dễ dàng nhận ra “Người là Thiên Chúa” thật của họ và họ quyết tâm phụng thờ Người.  Nhưng lịch sử dân Ít-ra-en lại hầu như đầy dẫy những bất trung của họ trong quan hệ với Chúa.  Họ bị lôi cuốn theo lối sống của dân ngoại thay vì theo Lề Luật.  Họ đã lấy các thần ngoại để thay thế chỗ đứng của Thiên Chúa, thí dụ như “các thần cha ông họ đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc các thần của người E-mô-ri” (Gs 24:15).  Câu truyện cha ông họ đúc con bê bằng vàng để tôn thờ (Xh 32) cũng chỉ là một trong rất nhiều câu truyện được ghi lại trong Cựu Ước về sự bất trung của Ít-ra-en.  Trong tình huống này, “ông Mô-sê đứng ở cổng trại và hô:  “Ai thờ Đức Chúa thì theo tôi!”  Tất cả con cái ông Lê-vi đều tập họp bên ông Mô-sê” (Xh 32:26).

          Dân Chúa bất trung như thế đó, vậy mà ngược lại, Thiên Chúa luôn trung thành với dân Người.  Người tìm đủ mọi cách để giúp họ thức tỉnh và sám hối sau những sa ngã tày trời ấy.  Khi thì Người dùng hình phạt, chiến tranh, lưu đày để làm cho họ gắn bó với Người.  Khi khác Người thiếu điều “năn nỉ ỉ ôi”, nhắc lại những việc tốt lành Người đã thực hiện cho họ, để xin họ hãy trung thành với Người.  Câu truyện hôn nhân của ngôn sứ Hô-sê (Hs 1-3) là một biểu tượng sống động diễn tả sự quan tâm và lòng trung thành của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en.  Cho dù Thiên Chúa có phải dùng đến hình phạt để đưa họ về đường ngay nẻo chính thì cũng là yêu cho roi cho vọt mà thôi, giống như cha mẹ một tay đánh con, một tay gạt nước mắt.

          Lịch sử bất trung của Ít-ra-en tuy là một sự kiện cụ thể, nhưng cũng là lịch sử tái diễn nơi tâm hồn ta.  Nhìn vào cuộc sống thiêng liêng của ta, ta dễ dàng nhận thấy những bất trung lớn có, nhỏ có, trong mối quan hệ với Chúa.  Những lúc quyết tâm phụng thờ Chúa thật quá ít so với những lỗi lầm ta xúc phạm đến Chúa và anh chị em.  Vậy mà Chúa vẫn một lòng yêu thương ta, như Chúa Ki-tô đã yêu thương những người tội lỗi và khốn khổ, hoặc như suy niệm của thánh Phao-lô qua bài đọc thứ hai về lòng yêu thương và chăm sóc của Chúa Ki-tô đối với Giáo Hội.

 

2.  Ki-tô hữu quyết tâm trung thành làm môn đệ Chúa Ki-tô (bài Tin Mừng – Gio-an 6:54a.60-69)

 

           Bài Tin Mừng ghi lại phản ứng của những người nghe Chúa giảng về Bí tích Thánh Thể và lời mời gọi “chướng tai” của Người.  Lời ấy là:  “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6:54a).  Nghe thế, có nhiều môn đệ không tin và bỏ đi, mặc dù Người đã giải thích:  “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.  Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6:63).  Giải thích như vậy, Chúa Giê-su muốn nhắc lại sứ mệnh của Người.  Người là Ngôi Lời nhập thể để trở nên thần khí và sự sống đời đời cho ta nếu ta tiếp nhận Người.

          Tuy nhiên điều mà bài Tin Mừng muốn nhắm đến hôm nay là sự kiện các Tông đồ đã quyết tâm ở lại với Chúa Giê-su, cho dù nhiều môn đệ và dân chúng đã bỏ Người.  Ông Phê-rô thay mặt anh em, tuyên bố một câu bất hủ:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).  Đúng là cùng một niềm tin, cùng một sự trung thành giống như ông Mô-sê và ông Giô-suê.  Trước hết, ông Phê-rô tuyên xưng sự độc tôn đối với Chúa Giê-su.  Dân Ít-ra-en đã thề hứa trước mặt ông Giô-suê là họ sẽ phụng thờ duy một Đức Chúa mà thôi.  Cũng vậy, Phê-rô muốn phát biểu rằng Chúa Giê-su là Đấng duy nhất ta phải đến, phải gặp gỡ, phải để cho Người biến đổi cuộc sống ta.  Ông đã nhìn nhận chân lý:  chỉ có Chúa Giê-su mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Sứ mệnh và vai trò của Chúa Giê-su thật vô cùng quan trọng đối với tương lai của nhân loại.  Sau khi nói lên chỗ đứng không thể thay thế của Chúa Giê-su, Phê-rô nói về chính mình và các bạn:  “Phần chúng con, chúng con tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:69).

          Ta nhận ra sự xác tín của ông Phê-rô, sự xác tín mạnh mẽ giữa lúc bị giao động do việc bỏ đi của những người khác.  So sánh với việc tuyên xưng đức tin của ông tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, là tuyên xưng theo sự mặc khải của Thiên Chúa (Mt 16:13-20), thì lần tuyên xưng này mới thực sự là những lời phát ra từ đáy lòng của những người quyết tâm làm môn đệ Chúa.  Ông nhấn mạnh đến hành vi “tin” và “nhận biết” rằng Chúa Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa.

          Kết thúc câu truyện bài giảng về Bí tích Thánh Thể của Chúa Giê-su dầu sao cũng là kết thúc có hậu.  Ít ra còn có những người quyết tâm theo Chúa và gắn bó với Người giống như ông Phê-rô và các bạn Tông đồ đã làm.  Tuy nhiên kết thúc ấy cũng là lời mời gọi hoặc thách thức Ki-tô hữu mọi thời hãy đáp lại lời tha thiết của Chúa Giê-su “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”.

 

3.  Chúa Ki-tô luôn trung thành với ta như Người trung thành với Giáo Hội (bài đọc Tân Ước – Ê-phê-xô 5:21-32)

 

          Ta được kêu gọi hãy tiếp nhận Chúa Ki-tô và trung thành theo Người.  Đó là để đáp lại lòng trung thành yêu thương của Chúa Ki-tô dành cho ta.  Thánh Phao-lô đã cho ta những dòng suy niệm rất sâu xa về lòng trung thành yêu thương và chăm sóc của Chúa Giê-su đối với Giáo Hội.

          Thực ra trong đoạn thư gửi tín hữu Ê-phê-xô 5:21-32, thánh Phao-lô bàn về những cách cư xử trong đời sống gia đình của Ki-tô hữu. Ngài đem mẫu gương Chúa Giê-su yêu thương và chăm sóc Giáo Hội áp dụng vào đời sống gia đình, đặc biệt là cách vợ chồng đối xử với nhau.  Vậy thánh Tông đồ đã nhấn mạnh đến những điểm nào trong cách Chúa Ki-tô đối xử với Giáo Hội?  Ở đây, ta đọc được nhiều điều Chúa Ki-tô đã và đang làm cho Giáo Hội.  Người đã “cứu chuộc Hội Thánh” (câu 23), “yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh” (c. 25), “thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước (Bí tích Rửa tội) và lời hằng sống” (c, 26), làm cho Hội Thánh “xinh đẹp lộng lẫy..., thánh thiện và tinh tuyền” (c. 26), “nuôi nấng (Bí tích Thánh Thể) và chăm sóc Hội Thánh” (c. 29).  Tất cả những nghĩa cử này của Chúa Giê-su chứng tỏ lòng trung thành yêu thương của Người đối với Giáo Hội.  Mà Ki-tô hữu là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, được bao bọc bằng tình yêu của Đầu là Chúa Ki-tô, nên ta phải trung thành theo Chúa, tùng phục Người, “như Hội Thành tùng phục Đức Ki-tô” (c. 24).

          Qua lịch sử Giáo Hội, mặc dù có những giai đoạn đen tối, ta vẫn thấy thái độ căn bản của Giáo Hội đối với Chúa Ki-tô, đó là sự tùng phục và trung thành.  Thái độ ấy không hẳn chỉ được biểu lộ qua những công thức tuyên tín hoặc những văn kiện chính thức của Giáo Hội, nhưng còn phải là lòng trung thành của mỗi phần tử trong Giáo Hội, cố gắng sống đúng với căn tính Ki-tô và với niềm xác tín:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.  Niềm xác tín ấy không phải chỉ của riêng Phê-rô, nhưng cũng phải là xác tín của mỗi người Ki-tô hữu nữa.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng trung thành theo Chúa.  Theo Chúa là điều không dễ dàng, như Chúa Giê-su đã nói:  “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”.  Quả thực, khi ban cho ta Con Một để chứng tỏ lòng yêu thương ta, thì Thiên Chúa Cha đã ban cho ta ơn đến với Đức Ki-tô rồi.  Vậy ý thức chân lý yêu thương ầy và xác tín vai trò “lời đem lại sự sống đời đời” của Chúa Giê-su, ta hãy mạnh dạn đến với Người và nhất là trung thành đi theo làm môn đệ Người.

 

Suy nghĩ:  “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”.  Điều này có bao giờ xảy ra cho tôi không?  “Lúc đó” là những hoàn cảnh nào trong đời tôi?  Tôi đã xử trí như thế nào?  Kinh nghiệm “rút lui” dạy tôi bài học nào và có giúp tôi trung thành hơn không?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chùng con nên một lòng một ý;  xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 21 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B