Chúa Nhật 29 mùa Thường niên, B

(2009)

 

          Đau khổ không thể tránh khỏi ở đời này, nó đã gắn liền với thân phận con người cho đến lúc nhắm mắt buông tay.  Đau khổ thường cũng không thể giải thích tại sao và được coi như một mầu nhiệm.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không lý giải về ý nghĩa sự đau khổ, nhưng nêu lên những tấm gương chịu đau khổ để cho ta thấy rằng ý nghĩa của đau khổ không thể tự nó nói lên ý nghĩa, nhưng phải nhờ cách thức con người chịu đau khổ như thế nào thì đau khổ mới mang ý nghĩa đích thực.  Cách thức ấy gặp thấy trước hết ở gương người Tôi trung của Thiên Chúa, nhưng nhất là nơi con người của Chúa Ki-tô.

 

1.     Người Tôi trung của Thiên Chúa chịu đau khổ (bài đọc Cựu Ước – I-sai-a 53:10-11)

 

Bài đọc Cựu Ước trích bài ca thứ tư về người Tôi trung của Thiên Chúa.  Đoạn Kinh Thánh không đặc biệt nói đến những thứ đau khổ nào, mà chỉ đề cao thái độ của người Tôi trung khi chịu đau khổ.  Thái độ ấy là nhìn nhận đau khổ đến với mình là do ý muốn của Thiên Chúa.  Thiên Chúa muốn người Tôi trung chịu bất cứ thứ đau khổ nào hoặc với mức độ nào thì ngài cũng sẵn lòng làm theo ý muốn của Thiên Chúa, thí dụ dù có phải “bị nghiền nát vì đau khổ” hay “hiến thân làm lễ vật đền tội”, người Tôi trung vẫn một lòng một dạ tuân phục.  Thái độ tuân phục khi chịu đau khổ không phải là bạc nhược, thiếu tự quyết hoặc buông xuôi.  Trái lại, đó là biểu lộ lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và ý muốn của Người.  Đối với người Tôi trung, chịu đau khổ là cách cộng tác tích cực với Thiên Chúa để “ý muốn của Người sẽ thành tựu”.  Như vậy, chịu đau khổ không còn mang ý nghĩa tầm thường hoặc sai lầm như đó là hình phạt của Thiên Chúa hoặc do tội lỗi của cá nhân ta nữa, nhưng là cách quảng đại để mình trở thành dụng cụ Thiên Chúa sử dụng mà thực hiện những việc cao cả.

Bình thường ta chỉ nghĩ Thiên Chúa muốn ta làm việc này việc kia để thi hành ý muốn của Người, chứ có mấy khi tin rằng Thiên Chúa lại dùng chính những điều ta không ngờ là chịu đau khổ để làm những việc lớn lao.  Ngay cả đau khổ cũng có những giá trị riêng của nó.  Gương Mẹ Ma-ri-a cho thấy Mẹ đâu có giảng dạy, làm phép lạ... như Chúa Giê-su, vậy mà Mẹ lại là Đấng cộng tác lớn lao nhất vào công cuộc cứu độ của Con Mẹ.  Chỉ là chịu đau khổ theo ý muốn của Thiên Chúa thôi.  Mẹ đồng hành với Chúa Giê-su trong hiệp thông và cầu nguyện trong thời gian Người rao giảng Tin Mừng.  Mẹ cùng đi với Người con đường thập giá lên Can-vê.  Mẹ chia sẻ nỗi đau đớn thể xác và tinh thần của Chúa.  Mẹ làm tất cả những điều ấy không phải bằng quyền năng cao cả, nhưng bằng con tim bình thường của một bà mẹ với những nỗi đau như “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:35).  Kết quả của việc Mẹ chịu đau khổ như thế nào ta đã rõ rồi.  Lời thưa “xin vâng” của Mẹ chính là thái độ Mẹ chịu đau khổ như thế nào.

Trở lại với người Tôi trung của Thiên Chúa, việc ngài vui lòng chịu đau khổ theo ý Thiên Chúa sẽ đem lại hoa trái vô cùng phong phú.  Trước hết “nếu người hiến thân làm lễ đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn”, và “vì đã nếm mùi đau khổ, tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính”.  Áp dụng những lời này vào Chúa Ki-tô, người Tôi trung của Thiên Chúa, ta thấy rõ ràng những kết quả do việc Người vui lòng chịu đau khổ theo ý  Chúa Cha.  Khi hiến thân trên thập giá để đền tội cho nhân loại, Chúa Giê-su sẽ được thấy những kẻ nối dõi Người là “một đàn em đông đúc” của một nhân loại mới (Rm 8:29).  Khi “nếm mui đau khổ và gánh lấy tội lỗi” nhân loại, Người đã làm cho họ được trở nên công chính, tức là được làm con cái Thiên Chúa.

 

2.  Chúa Giê-su tự nguyện chịu đau khổ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (bài Tin Mừng – Mác-cô 10:35-45)

 

          Bài Tin Mừng kể lại lần thứ ba Chúa Giê-su báo trước cuộc Thương khó của Người.  Sau khi Chúa tiên báo, xảy ra một chuyện thật là tréo cẳng ngỗng!  Hai người con ông Dê-bê-đê đến xin xỏ Chúa cho họ được “ngồi bên phải và bên trái Người” khi Người được vinh quang.  Chúa Giê-su tội nghiệp cho hai người môn đệ, Người trách nhẹ:  “Các anh chẳng biết các anh xin gì!”  Vị Thầy đầy lòng nhân từ với anh mắt trìu mến đã nhân cơ hội này dạy cho họ bài học về cách chịu đau khổ.  Người hướng họ về cuộc Thương khó Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem.  Người gọi cuộc Thương khó khổ đau đó là “chén, chén đắng” và “phép rửa”.  Mức đắng của chén đắng và độ đau đớn do phép rửa gây nên như thế nào là tùy thuộc vào sự nặng nề và lớn lao của tội lỗi nhân loại.  Như vậy, ta không thể nào tưởng tượng nổi mức độ đau khổ của cuộc Thương khó Chúa Giê-su sắp phải chịu vì tội lỗi loài người to lớn như thế nào.  Rồi Người hỏi họ có muốn chia sẻ chén đắng và phép rửa với Người không.  Họ trả lời “Thưa được!”  Đúng là điếc không sợ súng!  Có lẽ lòng ham muốn được “ngồi bên phải và bên trái Thầy” đã khiến họ mờ mắt nên không nhận ra được tầm quan trọng của câu trả lời.  Đây là cơ hội để Người dạy anh em Gia-cô-bê và các Tông đồ khác về việc chịu đau khổ.  Người bảo họ:  “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống;  phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”.  Thế có nghĩa là Người mời gọi ta hãy chia sẻ đau khổ với Người.  Đồng thời ta cũng phải bắt chước Người trong cách chịu đau khổ.  Chịu đau khổ trong thái độ hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, chứ không phải để được “ngồi bên phải hay bên trái”.  Nếu khi chịu đau khổ, ta chỉ mong được đền bù hay phần thưởng thì khác nào ta muốn đổi chác với Thiên Chúa, Đấng “đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.  Chúa Giê-su không mặc cả giá cứu độ với Chúa Cha, nhưng Người chỉ biết hoàn toàn vâng phục như người Tôi trung, để “ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu”.

          Suy niệm việc chia sẻ đau khổ của Chúa, thánh Phao-lô giúp ta nhận ra giá trị và ý nghĩa của đau khổ.  Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, ngài coi việc ta được chia sẻ với đau khổ của Chúa là một điều hãnh diện.  Ngài nói:  “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!  Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian… Điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới” (Gl 6:14-15).  Không hãnh diện sao được khi đời ta và thân phận ta được thay đổi nhờ sức mạnh vô song của thập giá.  Quả thực, nhờ thập giá và đau khổ của Chúa Ki-tô, cả thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá, nghĩa là tất cả tội lỗi của nhân loại đã bị bỏ lại trên thập giá để con người được giải phóng và trở nên con cái Thiên Chúa.  Vậy mà giờ đây, ta lại được liên kết đau khổ của ta với đau khổ của Chúa Ki-tô để biểu dương quyền lực của thập giá.  Cũng thế, việc ta chịu đau khổ đã có một ý nghĩa mới và cao đẹp.  Chịu đau khổ không phải là “bị Chúa phạt” hoặc mang bất cứ ý nghĩa tiêu cực nào, nhưng chịu đau khổ với Chúa Ki-tô là điều hãnh diện.  Còn một điều thánh Phao-lô căn dặn ta về việc chịu đau khổ, đó là:  “Điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới”.  Đau khổ tuy làm ta khó chịu, đau đớn, nhưng lại có sức mạnh giúp ta thay đổi con người, trở nên con người mới.

 

3.  Chúa Ki-tô “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (bài đọc Tân Ước – Do-thái 4:14-16)

 

          Chúa Ki-tô đã lấy đau khổ thập giá mà biến đổi thân phận nô lệ tội lỗi của ta, Người còn để lại cho ta một mẫu gương rất đặc biệt về việc chịu đau khổ.  Đoạn thư gửi tín hữu Do-thái trình bày hình ảnh Chúa Ki-tô là vị Thượng Tế chịu đau khổ và “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta”.  Người là Con Thiên Chúa xuống thế làm người thật như ta. Người chia sẻ mọi nỗi yếu hèn của ta.  Người cũng có những nỗi đau thể xác vì lao động mệt nhọc, vì đói khát thiếu thốn.  Sách Tin Mừng không nói Chúa bị đau ốm, nhưng không có nghĩa là Người chẳng bao giờ bị đau ốm.  Làm sao tránh được những khi trái gió trở trời.  Thân xác Người cũng như chúng ta, chứ đâu phải mình đồng da sắt.  Người cũng có những phiền muộn, những nỗi đau tâm lý và tinh thần.  Người không gây ra cho người khác, nhưng người khác gây ra cho Người.

          Tuy nhiên khi Chúa Ki-tô phải chịu đau khổ thử thách hoàn toàn giống như ta, Người lại có một điểm khác với ta, đó là Người không phạm tội.  Là con người, theo thói thường khi ta gặp phải đau khổ, ta dễ dàng than trách, có khi còn đi xa hơn tới những việc làm tiêu cực như kêu trách Chúa bất công, trả thù kẻ làm ta phải đau khổ, chán nản buông xuôi…  Nhưng khi Chúa Giê-su chịu đau khổ, Người không sa vào những lỗi lầm như chúng ta đã phạm, trái lại, Người càng sống tinh thần phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa hơn, cầu nguyện nhiều hơn, sẵn lòng tha thứ quảng đại hơn, kiên nhẫn hơn.  Tóm lại, đau khổ là phương tiện giúp Người biểu lộ đức tin mạnh mẽ hơn.  Vậy nếu ta liên kết đau khổ của ta với đau khổ của Chúa Ki-tô và bắt chước thái độ chịu đau khổ của Người, thì mỗi khi gặp đau khổ, ta sẽ “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp” nhiều hơn.  Đồng thời đó cũng là cách “ta giữ vững lời tuyên xưng đức tin” vào Chúa Ki-tô vậy.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Đề tài chịu đau khổ không xa lạ với ta, trái lại rất thực tế.  Tuy nhiên là Ki-tô hữu, ta phải có cái nhìn về thái độ chịu đau khổ khác với thái độ người đời.  Người Tôi trung trong sách ngôn sứ I-sai-a và Chúa Giê-su là những mẫu gương sống động cho ta thấy phải chịu đau khổ cách nào để có thể nói lên lòng tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và những ơn lành Người ban cho ta nhờ lòng tin tưởng ấy.  Để làm như vậy, Chúa Giê-su mời gọi ta trước hết hãy đáp lời Người mời gọi mà cùng “uống chén đắng và chịu phép rửa” với Người trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa.

 

Suy nghĩ:  Mỗi khi phải chịu đau khổ, tôi thường rơi vào những tình trạng “phạm tội” nào?  Kêu trách Chúa?  Hận thù anh chị em?  Không muốn cầu nguyện nữa?  Tìm những thú vui khỏa lấp?  Gương Chúa Giê-su dạy tôi điều gì về việc chịu đau khổ hoặc vác thập giá?

 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại, nhất là phải chịu đau khổ, để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Theo ý Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 29 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

            

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B