Chúa Nhật 5 Thường niên, B

2009

 

          Rao giảng Tin Mừng là sứ mệnh của Chúa Ki-tô và các môn đệ, nhưng rao giảng cho ai cũng là điều hết sức quan trọng.  Người rao giảng không những phải hiểu rõ ý nghĩa điều mình giảng, mà còn phải am hiểu hoàn cảnh của những người đón nhận lời giảng nữa.  Các bài đọc hôm nay cho ta biết một số khía cạnh chính của con người, đối tượng của việc rao giảng Tin Mừng.

1.  Con người thao thức khát mong được nghe Tin Mừng (bài đọc Cựu Ước – G 7:1-4.6-7)

          Đời là bể khổ.  Cuộc sống của con người trên trần gian là “thời khổ dịch, chuỗi ngày lao lung” như ông Gióp đã phát biểu.  Hình ảnh ông Gióp với những thăng trầm trong cuộc sống mô tả thân phận chung của mọi người với “những tháng vô vọng, những đêm đau khổ ê chề”.  Thời gian trôi nhanh càng làm cho con người thêm hoang mang về tương lai của họ.

          Tuy nhiên nỗi lo lắng ưu tư của con người không chỉ là những đau khổ trĩu nặng, cũng không chỉ là sự vắn vỏi của cuộc đời, nhưng là hạnh phúc vĩnh cửu.  Do đó, khi nói lên nỗi ưu tư lớn lao nhất này, ông Gióp đã hướng về Chúa và dâng lời cầu khẩn Người:  “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7:7).  Đấy, lo lắng cuối cùng và lớn lao nhất của con người vẫn là vấn đề hạnh phúc, không chỉ hạnh phúc tạm đời này mà còn là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

          Nhưng hạnh phúc vĩnh cửu không thể tìm thấy ở đời này.  Cuộc đời ông Gióp là một chứng minh hùng hồn.  Đã có lúc ông được mọi sự con người hằng khát mong trên trần gian.  Nào vợ đẹp con khôn, nào nhà cao cửa rộng, giàu có sang trọng, được mọi người kính nể.  Thế rồi sau cơn thử thách, trong chớp mắt mọi sự đều tan biến, bỏ lại một ông Gióp ốm yếu ghẻ lở ngồi bên đống tro tàn và bà vợ không ngớt lời xỉa xói thách thức ông còn tin vào Chúa nữa hay không.  Với ông, nếu không còn niềm tin và hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu Chúa ban thì cuộc sống con người quả là vô nghĩa.  Ông Gióp không mất niềm tin và hy vọng.  Ông nhìn nhận sự vắn vỏi của cuộc sống và nhất là nỗi bất lực của con người.  Tự sức mình, ông “sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.  Ông chỉ còn biết trông cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi và ông xin Người đừng quên ông, đừng bỏ rơi ông.  Giữa những tin buồn người ta dồn dập báo cho ông Gióp, như đoàn vật và tôi trai tớ gái của ông đã bị cướp sạch, con cái ông lăn ra chết hết, gia tài tiêu tan, ngay đến mái nhà trú ngụ cũng bị cháy rụi, ông vẫn thấy bừng lên một tin mừng, là Thiên Chúa vẫn nhớ đến ông, vẫn ôm ấp ông trong vòng tay nhân hậu của Người.

          Ông Gióp là biểu tượng của một nhân loại khát khao đón nghe Tin Mừng.  Khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nhận biết hình ảnh ông Gióp nơi mọi người đến với Người để nghe Người giảng và được Người chữa lành mọi bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn.  Vì thế, thấy họ là Chúa Giê-su “chạnh lòng thương” như sách Tin Mừng thường ghi lại.  Chúa Giê-su ý thức sứ mệnh của Người là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18), Tin Mừng về một cuộc sống vĩnh cửu chứ không phải cuộc sống vắn vỏi dương thế, một hạnh phúc vĩnh viễn chứ không phải hạnh phúc tạm bợ dựa trên những tiện nghi vật chất và thú vui đời này.  Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đem Tin Mừng đến cho ta, những “ông Gióp” của mọi thời.  Nhưng liệu ta có nhìn nhận thân phận khốn khổ của ta và nhu cầu cần được nghe Tin Mừng hay không?  Ông Gióp và niềm tin của ông phải là gương mẫu giúp ta có những thái độ cần thiết để đón nghe Tin Mừng cứu độ Chúa ban cho ta.

2.  Chúa Giê-su chính là Tin Mừng cứu độ Thiên Chúa ban cho ta (bài Tin Mừng – Mc 1:29-39)

          Con người mang kiếp khổ đau như hậu quả của tội lỗi.  Nhưng Thiên Chúa không ngoảnh mặt làm ngơ trước tình trạng tuyệt vọng của họ, bởi vì “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành… Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy; bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 148:3.6).  Nhìn thấu nỗi lòng con người đang sống trong đêm tối mong nhìn thấy trời sáng (G 7:3-4), Thiên Chúa đã sai Con Một đến làm ánh sáng trần gian.  Giữa cảnh tuyệt vọng của nhân loại (G 7:6), Thiên Chúa đặt Chúa Ki-tô như đích điểm để “mọi người đang tìm Thầy” (Mc 1:37).  Người giảng dạy trong hội đường cũng như bất cứ nơi nào, dù là bãi cỏ hay trên con thuyền.  Người chữa mọi bệnh tật của tất cả những ai đến với Người, người thân quen như bà mẹ vợ ông Phê-rô hay những người xa lạ.  Người trị cả căn bệnh tâm hồn gây nên do quỷ ám.  Người chữa bệnh cho mọi người và bất cứ lúc nào, sáng trưa chiều tối.  Địa bàn rao giảng càng rộng càng tốt, không thể bám trụ ở một nơi mãi, vì như thế dễ lo lắng cho lợi nhuận riêng tư.  Do đó, Người ra lệnh cho các môn đệ:  “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1:38).  Thánh Mác-cô tóm tắt sứ vụ của Chúa Giê-su tại Ga-li-lê bằng một câu:  “Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1:39), rao giảng một giáo lý mới đầy uy quyền và khu trừ ma quỷ núp bóng dưới những hình thức như bệnh tật, ám ảnh người ta.

          Chiêm ngưỡng Chúa Giê-su thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, ta không thể không nghĩ đến động lực thúc đẩy Người hành động.  Đó là vì Người cảm thông với thân phận khốn khổ của nhân loại.  Chính Người đã mặc lấy thân phận người phàm để cảm thông với ta và muốn xác tín với ta về Tin Mừng này, là Thiên Chúa yêu thương ta đến nỗi trao nộp Con Một Người cho ta để cứu độ ta (Ga 3:16).  Làm như thế, trước hết Người nhắc nhở ta về thân phận yếu đuối bất lực của ta và mời gọi ta hãy tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Những người “đang tìm Thầy” trong câu truyện Tin Mừng hôm nay phải là chính ta, những kẻ ý thức mình đang cần Chúa.  Bài Tin Mừng không chỉ nói đến một ngày sinh hoạt của Chúa Giê-su, nhưng còn gián tiếp nói đến thực trạng của một nhân loại cần được cứu độ.  Một nhân loại hãy đưa tay ra cho Người nâng dậy như Người đã đỡ bà mẹ vợ ông Phê-rô dậy.  Một nhân loại đang bị quỷ ám cần được Người thanh tẩy.  Một nhân loại mắc đủ thứ bệnh tật thể xác và tâm hồn mong chờ bàn tay chữa lành của Người chạm đến.  Mỗi người chúng ta thuộc về tập thể nhân loại ấy, nên cũng không thể chối bỏ thân phận mình và tình thương cứu độ của Thiên Chúa đến với ta qua Đức Ki-tô.

3.  Rao giảng Tin Mừng cũng là bổn phận của mọi Ki-tô hữu không trừ ai (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 9:16-19.22-23)

          Tin Mừng là chính Chúa Ki-tô, nên rao giảng Tin Mừng là đem Chúa Ki-tô đến với anh chị em.  Nói như thế thì ai cũng có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng, chứ không phải đó là độc quyền của giáo sĩ hoặc tu sĩ.  Bổn phận rao giảng giống nhau, nhưng phương thức rao giảng thì khác biệt.  Giáo sĩ có thể rao giảng trên tòa giảng, còn giáo dân rao giảng ngay trong gia đình, nơi sở làm hoặc bất luận nơi nào họ lui tới.  Nếu vậy thì thánh Phao-lô hoàn toàn có lý khi ngài phát biểu:  “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16).

          Quả thực Phao-lô rất khiêm tốn.  Ngài được ơn trở lại, được Chúa Giê-su trao phó sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cho nên ngài coi đó là bổn phận phải làm chứ không phải là danh dự để vênh vang tự đắc.  Mà đã là bổn phận thì ta phải chu toàn chứ không phải để lấy làm lý do đòi Chúa phải thưởng công.  Có nhận thức được việc rao giảng Tin Mừng là một bổn phận, ta mới có thể “là một người tự do” (1 Cr 9:19), giữ lòng mình thanh thản, không bị ràng buộc chi phối do những tham vọng và lợi nhuận.  Ở đây thánh Phao-lô đã xây dựng một nguyên tắc căn bản cho bổn phận rao giảng Tin Mừng.  Điều này làm cho ta phải suy xét nhiều lắm.  Tại Hoa-kỳ này, biết bao nhiêu giám mục cũng như linh mục đã làm công việc rao giảng Tin Mừng như một “nhân viên” cho một “sở làm” là giáo phận.  Cấu trúc giáo hội ở đất nước này nhiều khi đã biến việc “rao giảng Tin Mừng” thành một thứ business, một thứ dịch vụ mang tính chất đời nhiều hơn đạo!  Người giáo dân cũng khó tránh khỏi cảnh tranh giành chức tước trong cộng đoàn.  Bao nhiêu thừa tác viên trao Thánh Thể, đọc Sách Thánh, chủ tịch hội đồng mục vụ hoặc trưởng ban này ban kia đã làm việc trước là sáng danh Chúa, sau là sáng danh con!  Điều thánh Phao-lô nêu ra ở đây đã diễn giải rõ ràng nguyên tắc của Thầy Chí Thánh Giê-su:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).  Thánh Phao-lô đã đạt được mức độ tự do ấy, cho nên ngài mới có thể “trở nên tất cả cho mọi người”, làm tất cả miễn là Chúa Ki-tô được rao giảng.

4.  Sống Lời Chúa

          Ta vừa là người đón nhận tin Mừng vừa là người rao giảng Tin Mừng.  Để chu toàn hai điều ấy, trước hết ta phải nhìn nhận thân phận bất lực của ta để hoàn toàn trông cậy vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Có như vậy, ta mới cảm nhận nhu cầu cần được đón nhận Tin Mừng cứu độ.  Đồng thời để rao giảng Tin Mừng ngay trong bậc sống và môi trường sống của ta, ta sẽ ý thức việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận phải chu toàn trong tinh thần phục vụ Chúa và anh chị em.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô kêu lên:  “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”  Lời này bắt tôi phải suy nghĩ thế nào về mình?  Tôi đã làm gì để đem Chúa Ki-tô đến với những người chung quanh?  Bằng gương sáng, giúp đỡ, cầu nguyện, đóng góp, phục vụ trong cộng đoàn…?  Tôi có làm với lòng tự do thanh thản, vì ích lợi của Chúa Ki-tô và Giáo Hội, hay để vênh vang tự phụ?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, xin nhìn xem gương mặt Đức Ki-tô mà nhớ lại rằng:  chính Người đã hy sinh chịu chết để muôn người được ơn cứu độ.  Xin Chúa cho các dân tộc trên khắp cùng trái đất được nhờ Người mà nhận biết Chúa là Thiên Chúa tình yêu.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Tiến lễ, lễ cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B