TRỌNG TÂM CỦA LỀ LUẬT

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

 

Trong  đời sống của con người không thiếu gì những chuyện xem ra mâu thuẫn và buồn cười. Thời Chúa Giêsu, các người Pharisêu tỏ ra họ là những người chu toàn lề luật một cách hoàn hảo, đồng thời họ cũng cho mình là mẫu mực của việc thực thi lề luật. Nhưng xem ra họ lại tỏ ra quá lố bịch, và hì hỡm vì giữ luật bề ngoài, giữ luật một cách thật máy móc. Đức Giêsu lại có một quan niệm khác về việc tuân giữ lề luật, Ngài không đã phá việc giữ lề luật, và hủy bỏ lề luật nhưng theo Ngài cốt lõi của Đạo là Tình Yêu, cốt lõi của việc giữ lề luật, thực thi lề luật cũng là Tình Yêu.Vì thế, quan niệm và đường hướng của Chúa Giêsu là một cuộc cách mạng đối với Do thái giáo…

 

Câu chuyện hôm nay khởi đi từ một việc nhỏ : các môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Đối với người Pharisêu, khi đi ra phố chợ về nhà dứt khoát phải rửa tay, bởi vì tay ô uế sẽ làm đồ ăn ra ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ra ô uế. Chúa Giêsu đã khẳng định, đã minh xác một cách công khai, minh bạch rằng :” Không có gì vào trong con người lại khiến con người ra ô uế “ ( Mc 7, 15 ). Lời xác quyết của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Ngài là một con người tự do, Ngài vượt ra khỏi những cấm kỵ, những cản ngăn, những bức tường xem ra rất vô lý của những người Pharisêu và những người Do Thái lúc đó. Chẳng hạn họ cấm cản việc ăn thịt heo, ở gần những người phụ nữ đang thời ở cữ, không được đụng vào xác chết, không được sờ vào người cùi, không được đồng bàn với người tội lỗi, những người ngoại giáo vv…Tât cả những trường hợp đó đều bị cấm kỵ. Chúa Giêsu đã phạm vào nhiều điều cấm của những người Pharisêu và đạo Do thái. Chúa đã đến với những người nghèo, những người lang thang vất vưởng, những người bị cho là tội lỗi, những người thu thuế và gái điếm. Chúa đến với những hạng người ấy để làm cho họ nên tốt, trở nên sạch.

 

Chúa Giêsu không phản đối việc rửa tay. Rửa tay để cho tay sạch sẽ là điều tốt cần phải thi hành. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu thấy những người Pharisêu giả hình, rửa tay vì sợ, vì giả hình là một điều cần phải tránh. Chúa muốn con người thực thi lề luật vì yêu thương. Ngài dạy chúng ta phải tẩy sạch trái tim, nghĩa là làm sạch bên trong. Do đó, Chúa kể ra 12 tội xấu phát xuất từ bên trong, phát xuất từ trái tim của con người chẳng hạn như tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng ( Mc 7, 21-22 ).  Chúa mời gọi con người, kêu gọi chúng ta tẩy sạch trái tim, trở về với trái tim nghĩa là dám nhìn nhận những sai trái, những lớp vỏ, mặt nạ của mình. Trở về với trái tim nghĩa là không bôi sáp, không trét phấn…Trở về với cõi lòng nghĩa là biết sám hối ăn năn để làm cho cõi lòng trở nên trong sạch, trở nên tinh tuyền. Ngôn sứ Êdêkiên đã viết một câu rất chí lý :” Hãy tạo một trái tim mới cho mình “. Tuy nhiên, không phải con người, không phải chúng ta dễ dàng thay tim, không phải chúng ta dễ dàng làm cho tim nên trong sạch nếu không có Chúa :” Ta sẽ thanh tẩy các ngươi.Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới “ ( Ed 36, 25 tt ). Vâng, trở về, làm đẹp bên trong, đổi mới trái tim là làm được mọi sự.

 

Chúa căn dặn chúng ta lề luật, tập tục, truyền thống cũng rất cần thiết, nhưng đừng nệ vào luật bề ngoài, tuân giữ và thực thi một cách máy móc lề luật mà quên đi lời Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia :” Dân này thờ ta ngoài môi miệng, còn lòng dạ chúng thì quả thực xa Ta “. Như vậy điều cốt lõi trong đạo Công giáo không phải chúng ta làm việc này việc nọ, nhưng chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Việc làm, điều chúng ta thực thi, hành động phải phát xuất từ tình yêu : yêu Thiên Chúa và thương tha nhân.

 

Chúng ta hãy suy gẫm lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô : “ Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư ? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn “ ( 1 Co 13, 2-8 ). “ Anh em hãy cố đạt cho được đức mến, hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri “ ( 1 Co 14, 1 ).

 

Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết yêu Chúa và thương người . Amen.

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

  1. Tại sao người Pharisêu lại rửa tay trước bữa ăn ?
  2. Quan niệm của Chúa Giêsu như thế nào về lề luật ?
  3. Nệ luật nghĩa là gì ?
  4. Điều cốt lõi của Tin Mừng là gì ?
  5. Tại sao lại yêu Thiên Chúa và thương tha nhân ?
  6. Tại sao phải đổi mới con tim ?

Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B