Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm B

Thi Hành Lời Hứa

(Ysaia 35,4-7a; Yacôbê 2,1-5; Marcô 7,31-37)

 

Phúc Âm: Mc 7, 31-37

"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Effetha!" (nghĩa là "Hãy mở ra!"), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!"

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm B

Ysaia 35,4-7a; Yacôbê 2,1-5; Marcô 7,31-37

Ba bài Kinh Thánh hôm nay diễn tả đúng giáo lý thông thường của Hội Thánh. Với bài sách tiên tri Ysaia, chúng ta được biết Thiên Chúa dùng Cựu Ước hứa ban ơn cứu độ. Người thực hiện mọi lời hứa nơi Ðức Yêsu Kitô là Con Một mà Người đã sai đến trần gian như các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy. Nay muốn lãnh nhận ơn cứu độ mà Người đã ban, chúng ta phải thi hành lòng đạo đức theo giáo huấn của các tông đồ. Có thể nói Chúa nhật nào Lời Chúa cũng dạy dỗ ta như vậy. Nhưng mỗi lần, giáo huấn thông thường của Hội Thánh như muốn kéo sự chú ý của chúng ta vào một điểm, hoặc một mặt naò đó, để giúp chúng ta sống đạo một cách thực tế. Bài học cụ thể hôm nay có lẽ nằm trong bài thư Yacôbê; nhưng hai bài đọc kia cũng có những điểm giáo lý quan trọng và có thể đặt nền tảng cho thái độ đạo đức mà bài thư Yacôbê muốn chúng ta thi hành. Chúng ta hãy nhìn lại ba bài Thánh Kinh vừa nghe.

 

1. Cựu Ước Hứa Ơn Cứu Ðộ

Ðoạn sách Ysaia hôm nay nằm trong khâu các lời sấm nhằm an ủi Israel. Dân Chúa đang ở trong tình trạng bi đát. Quê hương bị ngoại bang chiếm đóng. Phần lớn dân chúng bị bắt đem đi phục dịch và nô dịch cho đế quốc xâm lược. Thời gian lưu đày dường như muốn kéo dài đến vô tận. Nhưng bỗng có tin binh động ở một vài nơi. Nhiều người hốt hoảng sợ mất luôn cả sự sống và các phương tiện nhỏ bé còn sót lại, bởi vì lửa chiến tranh đâu có tha gì mái tranh và thân xác hao mòn của người nghèo. Chính lúc ấy, Ysaia được Thiên Chúa sai đến với dân để nói lên những lời an ủi của Người.

Người sai ông đến với những kẻ lòng đang "hốt hoảng" và bảo họ: hãy phấn khởi lên, đừng sợ; này Chúa đang đến trả oán (kẻ cường bạo); nhưng với dân của Người thì đó là thời gian cứu độ. Mắt kẻ mù sẽ mở, tai kẻ điếc sẽ thông, lưỡi người câm sẽ nói; và nước sẽ phun trong sa mạc.

Những lời hứa hẹn ấy thực ra chỉ muốn gợi lên một kỷ nguyên mới đẹp đẽ lạ lùng khiến tất cả những người có bệnh tật như cũng được hồi sinh và cả những chỗ đất khô khan cũng trở nên tươi tốt. Chẳng ai nên hiểu theo nghĩa đen từng chữ. Ngược lại, chúng ta phải để ý đến những thực tại tâm linh mà những hình ảnh kia muốn gợi lên. Ơn cứu độ sẽ tái tạo và tái sinh con người cũng như vạn vật. Con người không còn các tật xấu, tức là nết xấu và tội lỗi nữa. Lòng họ chan chứa niềm vui cứu độ, khiến chính Tin Mừng của Chúa sẽ sửa chữa, cải tạo mọi cái hư trước đây ở nơi con người. Trong khi ấy vũ trụ vật chất cũng được chia sẻ và tham dự đổi mới. Chỗ hoang vu cằn cỗi nhất ở nơi sa mạc cũng sẽ có nước phun và suối khe chảy trong sạch.

Ysaia là thi nhân, hơn nữa ông còn là phát ngôn viên của Thiên Chúa toàn năng. Lời thơ của ông chỉ có khả năng gợi lên chứ chưa diễn tả hết được những công cuộc kỳ diệu mà Ðấng Toàn Năng hứa sẽ làm cho lịch sử loài người. Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi lớn lao trong đời sống con người và trong vũ trụ này. Các thay đổi này còn đẹp hơn biết bao nếu quả thực trong lòng mọi người đều chứa chan niềm vui cứu độ. Những nét còn không hay nơi đời sống xã hội loài người hiện nay không phải do tội lỗi còn sót lại đó sao? Nếu tất cả loài người đều tốt, thì với trình độ và khả năng khoa học kỹ thuật hiện đại, thế giới này không phải là một địa đàng sao?

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy viễn tượng tốt đẹp ấy để kêu mọi người hãy đón nhận ơn cứu độ vào lòng mình, hầu khi lòng đã chan chứa niềm vui cứu độ, đầu óc và tay chân chúng ta sẽ sáng tạo và xây dựng nên một đời sống mới và một kỷ nguyên mới, rất hạnh phúc và văn minh.

Tuy nhiên chúng ta đừng tưởng có thể vươn tới tương lai đẹp đẽ ấy mà không tựa vào Ðức Yêsu Kitô, Ðấng mà Thiên Chúa đã sai đến làm cứu thế cho loài người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn xem Người trong bài Tin Mừng hôm nay để biết đi vào đường lối cứu độ của Thiên Chúa.

 

2. Tân Ước Thi Hành Lời Hứa

Sách Tin Mừng Marcô hôm nay kể bấy giờ Ðức Yêsu đang đi về phía biển hồ Galilêa, tức là đang ở giữa đất dân ngoại. Người là hình ảnh về Hội Thánh luôn sống giữa lương dân... Nhưng tại đây Người cũng chỉ thực hiện các lời hứa trong Cựu Ước. Chính đám dân đi theo Người, nghe Người giảng dạy và thấy các việc Người làm, cũng nhận ra Người là con người đến để thi hành các lời tiên tri.

Hôm nay Người chữa lành một người điếc và câm. Marcô tả cách thức Người làm không khác gì kiểu cách các lang y, hoặc pháp sư thời bấy giờ. Người đưa kẻ có tật ra một chỗ kín để gợi lên vẻ huyền bí. Người chọc ngón tay vào lỗ tai nó để chữa nó khỏi điếc. Rồi lại đụng tay vào lưỡi nó để nó khỏi câm. Nhất là khi giữa lại nguyên vẹn từ "Ephphata", là thổ âm mà Ðức Yêsu vẫn dùng, Marcô muốn làm tăng vẻ mầu nhiệm nơi độc giả của Người không còn nói thổ âm ấy nữa. Nhưng dù có ý diễn tả Ðức Yêsu chữa lành các tật nguyền theo cung cách của các lang y và pháp sư, Marcô vẫn muốn đề cao ý tưởng: đây là một phép lạ, một dấu hiệu làm chứng Ðức Yêsu là Ðấng đang thực hiện các lời tiên tri nói chung và sách Ysaia nói riêng. Vì thật ra lang y và pháp sư nào chữa được bệnh tật như vậy, và mau lẹ dễ dàng như thế? Dân chúng đã thấy rõ đây là điềm lạ ứng nghiệm các lời tiên tri, thì Marcô không cần phải nhấn mạnh đến khía cạnh kỳ diệu nữa. Ngược lại, nắm chắc được điều ấy rồi , ông còn cố gắng diễn tả Ðức Yêsu như một người thường, dùng kiểu cách của các lang y và pháp sư thường để làm những việc mà không ai làm được.

Như vậy tác giả muốn nói rằng: Ðức Yêsu bề ngoài là người như mọi người nhưng lại có khả năng mà không ai đạt được, để chúng ta tin Người là Thiên Chúa giáng sinh làm người. Và người ta phải tin như Người muốn; chứ đừng bắt chước người Dothái chỉ muốn Ðấng Thiên Sai cứu thế phải "khác thường". Thế nên Ðức Yêsu luôn muốn cấm họ nói đến các phép lạ Người làm, kẻo khi thấy Người trên thập giá họ sẽ không chấp nhận nổi ý tưởng ơn cứu độ có thể thoát ra từ mầu nhiệm tử nạn. Còn đối với tác giả Marcô thì không; người tin ơn cứu độ đến qua thập giá Ðức Yêsu Kitô; nên trong bài Tin Mừng hôm nay, người đã mô tả thần lực của Ðức Kitô đã thoát ra chữa lành các bệnh tật, tức là tội lỗi của loài người, qua cung cách của một con người thường là Ðức Yêsu thành Nadarét, để chúng ta ngày nay cũng tin ơn cứu độ đang đến với chúng ta qua Hội Thánh là một cơ quan cũng rất thường ở trước mặt thế gian.

Chính vì vậy mà chúng ta có thể đặt một liên hệ giữa tiếng "Ephphata" dùng trong phép lạ này với cũng một tiếng đó dùng trong lễ nghi rửa tội của Hội Thánh. Các bí tích mà Hội Thánh cử hành tiếp nối hành động của Ðức Yêsu cứu thế. Người đã dùng tiếng Ephphata cứu chữa người ta thì Hội Thánh cũng dùng tiếng đó để cứu vớt các linh hồn. Và Hội Thánh hàm ý rằng, người ta chỉ được cứu độ khi mở tai lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời ấy cất tiếng lên ở trong tâm hồn và đời sống của người ta hầu ca tụng các quyền năng của Chúa.

Như vậy phép lạ chữa lành người điếc và câm hôm nay có ý nghĩa bí tích hơn là chỉ muốn thuật lại một hành vi của Chúa đã làm trong lịch sử. Người đã làm như thế để nói rằng Người mang ơn cứu độ đến qua đường khiêm cung khó nghèo. Và người ta chỉ đón nhận được khi biết mở tai đón nhận Lời Chúa để rồi phát biểu lại Lời ấy trong đời sống của mình. Do đó, Ðức Yêsu đã thực hiện lời Ysaia vì đã chữa lành người câm và điếc, nhưng khi hành động bề ngoài như vậy, Người đã muốn đem đến ơn cứu độ chữa lành các linh hồn để xây dựng một kỷ nguyên mới mà sách Ysaia đã mơ hồ cảm thấy. Tất cả chỉ còn tùy ở thái độ của loài người có chấp nhận và thi hành Lời Chúa hay không. Và điều này, nhiều khi cũng khó như chúng ta có thể thấy trong bài thư Yacôbê hôm nay.

 

3. Chúng Ta Ðón Nhận Lời Chúa

Tác giả không nói những điều đặc biệt... Sự kiện người kể rất hay xảy ra. Chúng ta vẫn quen trọng của khinh người. Gặp người ăn mặc sang trọng, chúng ta lễ phép vồn vã muốn được lòng, còn kẻ ăn mặc rách rưới, chúng ta không muốn để ý tới. Làm như vậy, thánh Yacôbê nói, không còn đạo đức nữa. Ðã có tinh thần thế gian và cư xử theo lề lối thế gian rồi. Người đạo đức thật và có tinh thần của Chúa, ngược lại phải nhớ Người đã chọn những kẻ nghèo và làm cho họ nên giàu sang về đức tin và ơn cứu độ. Chính chúng ta đã được như vậy, thì cớ sao nay lại ăn ở theo quan điểm của thế gian.

Lời thư Yacôbê quả thật rất cụ thể... Nó đòi chúng ta phải kiểm điểm lại đời sống... Quan điểm chúng ta hiện nay là gì? Chúng ta muốn bản thân được giàu có hay muốn cả xã hội được cứu độ? Chúng ta có cái nhìn của Ysaia muốn thấy một kỷ nguyên mới, trong đó người vật đều vui tươi hồi sinh; hay chúng ta chỉ nghĩ cho bản thân được dễ chịu? Và nếu chúng ta có cái nhìn của Ysaia, tức là cái nhìn cứu thế, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy thái độ và hành động của Ðức Yêsu là cụ thể. Quả thật, Người đã sống như để muốn làm gương cho chúng ta. Không ai đòi cho chúng ta phải làm được những kỳ công kiệt tác; nhưng với cung cách bình thường và dùng các phương tiện vừa tầm tay, chúng ta phải có tinh thần mới để làm mọi việc. Ðó là tinh thần do Lời Chúa đã rót vào tai và bây giờ phát biểu ra miệng lưỡi và hành động của chúng ta để giúp người và cứu thế. Chính quan điểm đánh giá công việc chúng ta làm. Kẻ có quan điểm ích kỷ chỉ làm ra những việc bủn xỉn. Người có quan điểm xã hội sẽ góp phần xây dựng tương lai mới.

Ðể giúp chúng ta lướt thắng các cám dỗ của khuynh hướng ích kỷ, giờ đây phụng vụ đưa chúng ta vào cái nhìn của niềm tin công giáo và vào thánh lễ cứu độ. Chúng ta tuyên xưng niềm tin phổ quát và vĩnh cửu; chúng ta tham dự mầu nhiệm Ðức Kitô thiết lập giao ước mới, tức kỷ nguyên mới. Chúng ta phải có quan điểm mới và nếp sống mới, mới có lòng đạo đức thật.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)