CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Chúa tỏ mình ra với mỗi người chúng ta

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 2:1-12)

          Có bao giờ bạn đặt vấn đề gọi Lễ hôm nay là Lễ Ba Vua hay là Lễ Hiển Linh không?  Ông bà chúng ta ngày xưa gọi lễ hôm nay là Lễ Ba Vua là vì quả thực có ba vua đến thờ lạy Chúa Hài Nhi.  Nhưng khi việc canh tân phụng vụ bắt đầu, chúng ta dùng một từ mới:  lễ Hiển Linh, nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra.  Thực ra chỉ có Tin Mừng thánh Mát-thêu kể lại việc Chúa tỏ mình ra cho Dân ngoại mà đại diện là ba nhà đạo sĩ hoặc chiêm tinh từ phương Đông đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su.

          Bài Tin Mừng chủ yếu kể lại việc các nhà chiêm tinh đã tra cứu, đến dọ hỏi tại Giê-ru-sa-lem về Hài Nhi.  Họ coi Hài Nhi mới ra đời là “Đức Vua dân Do-thái”, trong khi tại Giê-ru-sa-em, nhà vua Ít-ra-en, các thượng tế và kinh sư thì gọi Hài Nhi là “Đấng Ki-tô”.  Khi gặp được Hài Nhi, các nhà chiêm tinh dâng lên Người những lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược, những biểu tượng nói lên chức phận “Đấng Ki-tô” của Hài Nhi.  Không phải giới lãnh đạo Ít-ra-en không biết Đấng Ki-tô là ai.  Họ đã tra cứu kỹ sách ngôn sứ và hiểu rõ Đấng Ki-tô là “vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en”.  Nhưng vấn đề là họ không muốn chấp nhận việc Thiên Chúa tỏ mình ra là “vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en” của họ mà thôi.  Thực là nực cười, cả hai phía đều là việc tra cứu:  các nhà chiêm tinh chỉ căn cứ vào một vì sao mà tìm hiểu, hỏi han, để cuối cùng gặp được “Đấng Ki-tô” đích thực;  còn các nhà lãnh đạo Ít-ra-en dựa vào Kinh Thánh để tra cứu thì lại không muốn chấp nhận Hài Nhi, trái lại còn tìm cách tiêu diệt hoặc a tòng cộng tác với nhà vua để tiêu diệt Hài Nhi nữa!

          Chúng ta đã cùng với ba nhà chiêm tinh theo ánh sao lạ đi tìm Hài Nhi Giê-su.  Tuy nhiên quan trọng hơn cả là qua các nhà chiêm tinh này, Thiên Chúa muốn tỏ ra cho chúng ta biết Hài Nhi là Đấng nào.  Thánh Mát-thêu ghi lại hai hành vi vô cùng ý nghĩa của các nhà chiêm tinh đối với Chúa Giê-su:  “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người.  Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”.  Hành vi bái lạy là hành vi dành riêng cho Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng.  “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Đệ nhị luật 6:13; Mát-thêu 4:10).  Các nhà chiêm tinh bái lạy Hài Nhi, nghĩa là họ nhìn nhận Người là Thiên Chúa tối cao.  Tiếp đến, họ dâng tiến Hài Nhi ba lễ vật thật ý nghĩa:  vàng, nhũ hương và mộc dược.  Các giáo phụ thường hiểu ý nghĩa của vàng biểu tượng cho vương quyền, nhũ hương cho bản thể Thiên Chúa và mộc dược cho bản thể nhân loại của Chúa Giê-su.  Cuộc Hiển Linh mới này khác hẳn với những cuộc thần hiện trên núi Xi-nai ngày xưa.  Đúng vậy, Hài Nhi chính là Vua và Đấng Tạo dựng trời đất giờ đây đã làm người phàm để ở lại cùng chúng ta.  Lễ vật dâng tiến của các nhà chiêm tinh đã nói lên tất cả ý nghĩa của Mầu nhiệm Nhập Thể:  Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để làm con đường, sự thật và sự sống dạy nhân loại sống như con cái Thiên Chúa;  rồi Người đã chết trên thập giá để chuộc tội cho mọi người.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình ra cho chúng ta qua Chúa Giê-su trong lời hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em cho đến ngày tận thế”.  Là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội và nhất là ở ngay trong tâm hồn mỗi người chúng ta.  Chúng ta không phải đi xa ngàn dặm như các nhà chiêm tinh phương Đông mới gặp được Chúa.  Chúng ta có thể gặp Chúa hằng ngày khi rước lễ, viếng Thánh Thể, suy niệm Kinh Thánh, hoặc trong giờ cầu nguyện mỗi ngày.  Chúng ta cũng gặp gỡ Chúa nơi những người anh chị em, nhất là những người cần sự giúp đỡ của chúng ta.

          Có lẽ bài học thực tế nhất, đó là chúng ta theo gương các nhà chiêm tinh:  bái lạy Chúa, tức là nhìn nhận vai trò của Chúa trong cuộc đời chúng ta, và dâng tiến Người lễ vật.  Vậy chúng ta có dám mở bảo tráp tâm hồn ra và dâng cho Chúa tất cả những gì chúng ta có không?

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B