Chúa Nhật I Mùa Chay B

Người Ở Trong Hoang Địa

Mc 1:12-15: 12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. 13 Và Người đã ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, và đã ở giữa dã thú, và các thiên sứ hầu hạ Người.

14 Sau khi ông Gioan bị bắt, Đức Giêsu đã đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Và Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Vương quốc Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

 

         Tin Mừng của Chúa nhật nầy gồm hai đoạn nối tiếp nhau, nói đến hai sự kiện ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa: vào hoang địa (1:12-13) và rao giảng sứ điệp đầu tiên (1:14-15). Chúa Giêsu tiếp tục gắn bó với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người được Chúa Thánh Thần đẩy vào hoang địa (1:12), và sau đó, Người bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (1:14-15). Marcô chỉ mô tả tình trạng của Chúa Giêsu trong hoang địa, không nói gì đến chuyện cám dỗ và phản ứng của Người. Rất ngắn, chỉ trong hai câu (x. Mt 4:1-11; Lc 4:1-13). Trong hoang địa, Người đã sống giữa mọi tương quan: với Thiên Chúa, con người, thiên thần, Satan, dã thú và thiên nhiên.

 

Hoang địa được hiểu là một nơi xa chỗ con người sinh sống (6:35-36; 8:4). Là nơi trú ẩn của những dã thú và Satan (1:13). Chúng tượng trưng cho những sức mạnh thù nghịch và nguy hiểm cho sự sống của con người (Ezk 14:21; Kh 6:8). Ở đây, hoang địa gắn liền với một thời gian: bốn mươi ngày. Con số gợi nhớ bốn mươi năm thử thách của dân Israel (Dnl 8:2). Sống trong hoang địa bốn mươi ngày, Chúa Giêsu liên đới với con người trong việc bị cám dỗ, để Người có thể giúp những ai bị cám dỗ (Dth 2:18; 4:15). Nhưng dân Israel đã không bị cám dỗ triền miên suốt bốn mươi năm, họ còn kinh nghiệm nhiều điều khác hơn thế trong hoang địa.

 

Hoang địa là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa giải thoát dân tộc nầy khỏi nô lệ Ai cập, Người liền đưa họ vào hoang địa để lập quốc, giao ước và để nói những lời yêu thương (Os 11:1). Nên thời gian trong hoang địa cũng là thời gian của tình yêu ban đầu. Sau nầy, mỗi khi thấy dân chạy theo ngẫu thần, Thiên Chúa muốn dẫn dân vào lại hoang địa để làm lại kinh nghiệm tình yêu của thưở ban sơ (Os 2:14; Giê 2:2). Bởi đó, Chúa Giêsu không bị cám dỗ suốt bốn mươi ngày. Người sống trong hoang địa để kéo dài kinh nghiệm tình yêu với Thiên Chúa, đã khởi đầu từ biến cố chịu phép rửa, và để từ nơi Người sẽ phát xuất một dân mới sống theo Tin Mừng mà Người sẽ rao giảng (1:14-15).

 

Hoang địa luôn là nơi thuận lợi để gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi nào có các thiên thần hiện diện, nơi đó có Thiên Chúa (8:38). Việc các ngài hầu hạ Chúa Giêsu cho thấy Chúa Cha lo lắng cho Người chừng nào (1:13). Chúa Giêsu ở giữa dã thú, mà không bị chúng làm hại. Người bị cám dỗ, mà không bị thua cuộc. Như thế, hoang địa ấy đã trở thành thiên đàng (x. Is 11:6-8; 65:25; Os 2:18; Gióp 5:22), và Chúa Giêsu đã trở thành một Ađam mới, luôn tín trung với Thiên Chúa. Kinh nghiệm sống trong hoang địa đã làm Chúa Giêsu lớn lên và mạnh mẽ trong tinh thần (Lc 1:80). Từ đó, Người thường lui tới hoang địa để cầu nguyện và cũng dạy các môn đệ của Người làm như thế (1:35.45; 6:31).

 

 “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng nầy là Tin Mừng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu và Tin Mừng gắn liền với nhau như là một. Có hai cách sám hối và tin vào Tin Mừng rất cụ thể: vác thánh giá và từ bỏ bản thân vì Chúa Giêsu và Tin mừng (8:34-35), bỏ mọi sự và đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu và Tin Mừng (10:29). (Xin xem thêm giải thích đoạn 1:14-15 ở Chúa Nhật III Thường Niên B).

 

Tiếng kêu từ hoang địa là tiếng gọi của tình yêu. Mời gọi tin và trở về với tình yêu ban đầu (x. 1:3-4).

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B